Nỗi lo gian lận qua thương mại điện tử

Dự báo đến năm 2020, sẽ có khoảng 30% dân số tham gia hoạt động thương mại điện tử. Đây là tín hiệu vui nhưng cũng là thách thức đối với lực lượng QLTT trong công tác chống gian lận thương mại trên lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay.

Vi phạm trong thương mại điện tử ngày càng phức tạp

Hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) được đánh giá là đã có bước phát triển mạnh mẽ và nhanh của hoạt động kinh doanh hiện đại. TMĐT tạo ra một phương thức kinh doanh và làm việc mới phù hợp với cuộc sống công nghiệp hiện đại. TMĐT tạo ra một sân chơi mới cho các doanh nghiệp buộc họ phải đổi mới, sáng tạo để đưa ra chiến lược kinh doanh và dịch vụ riêng cho sản phẩm dịch vụ từ đó góp phần phát triển cho các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế tổng thể nói chung...

Những năm gần đây, với sự ra đời của hàng loạt các website TMĐT như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi... việc mua sắm, tiêu dùng online đã không còn xa lạ với người người tiêu dùng Việt. Thị trường mua sắm trực tuyến trở nên sôi động hơn khi người tiêu dùng trẻ tham gia vào việc mua bán trên mạng xã hội ngày càng nhiều.

Theo số liệu thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường Statista, tổng doanh thu của các công ty TMĐT tại Việt Nam đạt 2,26 tỷ USD, năm 2018 tăng gần 30% so với năm 2017. Tính đến cuối năm 2018, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam khoảng 6 tỷ USD. Dự báo trong 4 năm từ 2016 - 2020, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam có thể đạt tới 10 tỷ USD.

gian lận thương mại trong thương mại điện tử
Những năm trở lại đây, các hành vi gian lận thương mại trong TMĐT ngày càng nhiều và có mức độ tinh vi hơn 

 

Với kết quả đó, Việt Nam vươn lên top 6 trong 10 thị trường TMĐT lớn nhất thế giới, chỉ xếp sau những “ông lớn” như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Nhật Bản và Đức, dự báo năm 2019, mức tăng trưởng sẽ đạt khoảng 35%.

Theo ghi nhận của nhiều chuyên gia “Thương mại điện tử Việt Nam đang ở thời kỳ bình minh rực rỡ”. Dự báo đến năm 2020, sẽ có khoảng 30% dân số tham gia hoạt động thương mại điện tử. Song hành với những tiện ích mang lại, thực tiễn cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử và các hình thức kinh doanh thông qua công nghệ số.

Qua tổng hợp các vụ việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của người tiêu dùng liên quan đến hoạt động TMĐT, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, hiện nay công tác kiểm tra, phát hiện các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái trên các website vi phạm đang gặp nhiều trở ngại. Các giao dịch, thanh toán trên mạng đều là ảo, không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay. Chưa kể, hầu hết các giao dịch theo hình thức này (nếu là hàng giả, hàng nhái) đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện, quản lý và xử lý càng trở nên khó khăn.

Trong năm 2018, Cục QLTT thành phố Hà Nội đã kiểm tra 120 vụ, xử phạt vi phạm hành chính về TMĐT là 47 vụ. Trong số các vụ việc vi phạm, chủ yếu là các khiếu nại liên quan đến việc khách hàng đã thanh toán nhưng không nhận được sản phẩm, dịch vụ, hoặc sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, hoặc bị mất thông tin cá nhân của chủ tài khoản; sản phẩm dịch vụ không đúng thực tế...

Bên cạnh đó, về vấn đề thông tin cá nhân trên giao dịch thương mại điện tử cũng đã nhận được nhiều phản án của người tiêu dùng. Theo đó, đã có rất nhiều người tiêu dùng bức xúc khi tên, tuổi, số điện thoại, địa chỉ của họ có thể bị các doanh nghiệp sử dụng phương thức TMĐT cung cấp cho bên thứ ba, gây ảnh hưởng đến sự an toàn và bảo mật thông tin của khách hàng...

“Việc thực hiện xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp gian lận cũng rất khó khăn do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp “ảo” không đơn giản. Các trang Website thương mại điện tử không cung cấp địa chỉ, cung cấp địa chỉ không đúng, có nhiều địa chỉ là nhà dân, là chung cư...”, ông Nguyễn Đắc Lộc cho biết.

Siết chặt những vi phạm TMĐT trong năm 2019

Để phòng chống gian lận thương mại trong TMĐT, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại diện Cục QLTT Tp. Hà Nội đề xuất giải pháp như: Nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách quản lý hoạt động giao dịch điện tử; Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ban, ngành trong việc xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử. Đặc biệt, đối với việc phát hiện, kiểm tra, xử lý những người kinh doanh trên mạng xã hội thì các bộ, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với nhau.

gian lận thương mại điện tử
Trong năm 2019, lực lượng QLTT sẽ siết chặt các vi phạm thương mại trong TMĐT để đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng

Chia sẻ về những giải pháp chống gian lận trong thương mại điện tử, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT cho biết, công tác đấu tranh phòng, chống và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong thương mại điện tử là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của lực lượng QLTT trong năm 2019 với mục tiêu tạo ra sự chuyển biến tích cực và rõ nét trong lĩnh vực này.

Theo đó, lực lượng QLTT sẽ đổi mới, xây dựng cơ sở sản xuất dữ liệu, hệ thống chứng từ điện tử để giúp giám sát, kiểm tra thị trường hiệu quả hơn. Tăng cường công tác tổ chức tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng về các quy định của pháp luật đối với hoạt động TMĐT để người mua hiểu được quyền, lợi ích của mình và nâng cao trách nhiệm của cơ sở kinh doanh.

Cũng theo ông Trần Hữu Linh, do tính chất đặc thù và phức tạp của hoạt động TMĐT, để bảo đảm hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực TMĐT, Tổng cục QLTT sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng và các tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là cơ quan thông tin, truyền thông và báo chí, trong quá trình triển khai các biện pháp nghiệp vụ và thực hiện hoạt động kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, lực lượng QLTT cũng tăng cường tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng về các quy định của pháp luật đối với hoạt động TMĐT để người mua hiểu được quyền và lợi ích của mình và nâng cao trách nhiểm của cơ sở kinh doanh bằng hình thức TMĐT cũng như tạo điều kiện khuyến khích các nhà cung cấp giải pháp an ninh mạng phát triển.

“Và cuối cùng là đẩy mạnh đào tạo và phát triển năng lực cán bộ QLTT trong lĩnh vực TMĐT, thường xuyên bắt kịp các ứng dụng công nghệ thông tin mới phát sinh, có khả năng thu thập thông tin, xác định vi phạm trong các trang, các ứng dụng TMĐT”, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Hạ An