Số liệu báo cáo từ Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Đà Nẵng cho thấy, 6 tháng đầu năm 2018, Chi cục đã kiểm tra 4.781 vụ, qua đó xử lý 3.672 vụ vi phạm, thu phạt tổng số tiền gần 10 tỉ đồng và tịch thu nhiều hàng hóa vi phạm. Trong đó chủ yếu là thuốc lá điếu, đường cát, quần áo, giày dép, đồ điện gia dụng, mỹ phẩm, mắt kính, đồng hồ đeo tay, rượu... Mới đây nhất, Chi cục QLTT Đà Nẵng đã phát hiện và tiêu hủy hơn 76.000 báo thuốc lá ngoại nhập lậu, thuốc lá giả mang nhãn hiệu 555, Esse và Jet với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Chia sẻ với phóng viên, đại diện Chi cục QLTT Đà Nẵng cho biết, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả lưu thông trên thị trường vẫn diễn ra. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, áo quần đã qua sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... Đặc biệt, đối tượng vận chuyển thuốc lá nhập lậu đa số là dân nghèo, không có việc làm ổn định nên việc kiểm tra, kiểm soát vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn,
Thêm vào đó, tại thành phố Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm là thời gian diễn ra dịp Tết cổ truyền của dân tộc Mậu Tuất 2018, các dịp Lễ hội như: 29/3, 30/4 và 1/5, Cuộc thi trình diễn pháo hoa Quốc tế 2018... Chính vì vậy, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn thành phố cũng sẽ trở nên nhộn nhịp và sôi động hơn với nguồn cung hàng hóa phong phú, dồi dào, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân và khách du lịch. Và đây cũng là dịp hàng giả, hàng nhái diễn ra phổ biến nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng.
6 tháng đầu năm 2018, lực lượng QLTT Đà Nẵng đã kiểm tra 4.781 vụ vi phạm. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là thuốc lá điếu, đường cát, quần áo, giày dép, đồ điện gia dụng, mỹ phẩm...Riêng trong thời gian diễn ra Cuộc thi pháo hoa Quốc tế 2018, các đội QLTT đã kiểm tra 239 vụ, xử lý 48 vụ vi phạm với số tiền xử phạt gần 170 triệu đồng. Trong đó, đáng chú ý là phối hợp với Chi cục Thuế Đà Nẵng truy thu thuế ở 2 doanh nghiệp ở quận Thanh Khê với số tiền 105 triệu đồng, xử lý 01 đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống tại quận Ngũ Hành Sơn không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Do vậy, để bình ổn thị trường cũng như bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, Chi cục QLTT thành phố Đà Nẵng đã thường xuyên phối hợp cùng với các ban, ngành tại địa phương tiến hành triển khai nhiều biện pháp kiểm tra kiểm soát, chủ yếu là đấu tranh chống các hành vi buôn lậu, hàng cấm; sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và ngăn chặn kịp thời các hành vi lừa dối người tiêu dùng; đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình hoạt động kinh doanh thương mại của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn và trên khâu lưu thông.
Nhận định về tình hình kinh tế - xã hội của Đà Nẵng trong những tháng cuối năm 2018, đại diện Chi cục QLTT thành phố cho biết, kinh tế sẽ có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, khó lường. Các hoạt động buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại diễn ra ngày một tinh vi, khó kiểm soát. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết, dịch bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.
Vì vậy, nhiệm vụ của lực lượng QLTT thành phố là phải tăng cường công tác quản lý địa bàn, công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa và kinh doanh trái phép bằng nhiều biện pháp.
“Trong đó cần chú trọng làm tốt công tác dự báo, phân tích, đánh giá tình hình thị trường, nắm bắt thông tin để kịp thời có biện pháp ngăn chặn các tác động xấu, những vấn đề nổi cộm có thể xảy ra”, đại diện Chi cục QLTT Đà Nẵng nhấn mạnh.