Từ đó, tôi là con của bố mẹ chồng tôi. Đội chiếc nón lá lên đầu, chẳng những tôi thấy mình trong veo bước qua ngưỡng cửa nhà chồng, tôi biết, từ đây, tôi và mẹ chồng sẽ cùng nhau chia sẻ những nắng mưa trong đời để vun vén cho gia đình này.
Chẳng hiểu sao, tôi thêm yêu nón lá. Dù trước đó, tôi cũng đã lỡ trân quý nó. Từ rất lâu rồi.
Ngày còn là sinh viên của Học viện Báo Chí và Tuyên truyền, một trong những nơi đầu tiên tôi đặt chân đến là làng Chuông (Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội). Những người phụ nữ ở làng Chuông cần cù, lặng lẽ, miệt mài và chăm chỉ. Có lẽ, những chiếc nón lá mang biểu tượng của người con gái Việt phả vào người làm ra nó chút gì đó dịu dàng và những phẩm chất vốn rất Á Đông đó.
Từng công đoạn làm nón trải ra trước mắt tôi, từng nguyên liệu làm nón, tôi lần đầu tiên được chạm tay vào. Tất cả mới mẻ nhưng dường như thân thuộc đến lạ kỳ.
Nón lá làng Chuông mang "hơi thở" của đức tính cần cù, lặng lẽ, miệt mài và chăm chỉVà lần đầu tiên kể từ khi xa nhà, tôi đã mua được quà tặng người mẹ sinh ra tôi. Chiếc nón lá làng Chuông đã về tới xứ Thanh quê tôi sau hai chặng dài xe buýt, khi hai cánh tay tôi mải miết giơ thật cao để tránh những va chạm trên 2 chuyến xe ấy. Rồi tôi lại gói gém cẩn thận nó gửi lên chuyến xe khách về quê.
Vài năm sau, tôi vẫn thấy mẹ tôi dùng chiếc nón ấy. Bà bảo, đó là chiếc nón bền nhất mà bà từng được dùng. Tôi mỉm cười, thầm nghĩ: “Nón làng Chuông chuẩn đấy mẹ ạ”.
Những khắc nghiệt của thời tiết miền Trung dường như nhẹ nhàng hơn với một phụ nữ nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” khi bà đội chiếc nón lá ấy. Ít ra là trong suy nghĩ của tôi và trong lời mẹ nói.
Có lẽ, nhiều hơn hết, tôi yêu nón là bởi tôi thích ngắm những thiếu nữ Việt duyên dáng trong tà áo dài, không quên e ấp chiếc nón lá trên đầu. Những cô gái ấy bước đi trên phố khiến tôi ngỡ ngàng như một giấc mơ. Trong trẻo và thuần Việt. Lúc đó, tôi ước mình là một trong những người con gái kia, để được thật nhiều ánh mắt chạm đến.
Tà áo dài như điểm tô duyên dáng cùng chiếc nón lá Việt Nam (Ảnh: Internet)
Hình ảnh con gái Việt Nam với chiếc nón lá, tà áo dài đã không còn lạ lẫm với người Việt. Nhưng ai dám nói, nếu nhìn thấy hình ảnh ấy, bạn không bối rối trông theo!?
Tôi tin, những phụ nữ trên cánh đồng nắng mưa hay những cô gái thướt tha trên phố. Họ đều đẹp hơn một chút. Dù vẻ đẹp có khác nhau – những khi họ đội nón lá quê hương.
Nhưng rồi, hình như tôi đã sai. Bởi tôi còn yêu nón lá, còn say, còn thú khi nhìn thấy những người khách nước ngoài hào hứng, trân trọng đội nó lên đầu.
Họ không đơn thuần xem đó như một món quà lưu niệm. Tôi tin như vậy. Nón lá, trên đầu những người khách nước ngoài còn bởi, họ cảm thấy dễ chịu, mát mẻ khi đội nó trong một ngày nắng ở xứ sở vốn thời tiết có phần khắc nghiệt.
Tôi tự hào vì nón lá – một sản phẩm truyền thống của chúng ta không đơn thuần để ngắm, để chơi. Nó muôn đời vẫn đảm nhiệm sứ mệnh của mình, dù người đội nó lên đầu là bất kỳ ai.
Ngày tôi về làng Chuông, người làng bảo, sợ nghề mai một. Làm một chiếc nón là dày công, có khi mất cả ngày, nhưng bán chỉ được 20 – 70 nghìn đồng/chiếc.
Họ bảo, công nhiều và thu nhập ít. Họ làm, cẩn mẫn và kiên trì vì đó là nghề truyền thống, vì yêu. Tôi nhớ, một người đàn ông ngoài 50 tuổi bảo tôi: “Người Tây người ta về thăm làng Chuông nhiều lắm. Tôi không muốn họ nghĩ mình làm gì cũng ẩu, sản phẩm truyền thống mà không ra gì, nên đã làm là phải làm cho chuẩn”.
Tính từ khi tôi đến làng Chuông đến nay đã 5 – 6 năm. Nhưng hôm nay, một người quen ở làng Chuông bảo tôi, nghề nón của làng vẫn lẫm liệt đi qua những khó khăn và tồn tại trong mỗi nếp nhà như một quy luật.
Có lẽ, nó được giữ, được lưu truyền bởi có rất nhiều người nặng lòng với chiếc nón lá, giống như người đàn ông đã từng nói chuyện với tôi.