Một trong những hướng đi chủ chốt của ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum trong những năm gần đây là tập trung ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gắn kết với công nghiệp chế biến sâu và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, phân phối, nhờ đó năng suất, chất lượng sản phẩm đã được nâng cao rõ rệt.
Nông nghiệp chuyển dịch theo hướng hiện đại
Trong những năm gần đây, nông nghiệp tỉnh Kon Tum đã có những bước tiến mạnh mẽ, phát triển theo hướng hiện đại và bền vững, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế địa phương. Tính đến ngày 31/8/2024, trên toàn tỉnh có 216 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng thêm 16 hợp tác xã so với năm 2023.
Trong đó có188 hợp tác xã đang hoạt động hiệu quả, mang lại những đóng góp không nhỏ cho kinh tế địa phương. Doanh thu bình quân của mỗi hợp tác xã đạt khoảng 1.035 triệu đồng/năm, trong khi lợi nhuận bình quân sau thuế đạt 250 triệu đồng/năm, cho thấy khả năng quản lý và sản xuất nông nghiệp ngày càng cải thiện.
Đáng chú ý, nông nghiệp Kon Tum đã và đang chuyển dịch mạnh mẽ từ mô hình sản xuất truyền thống sang hướng hàng hóa chuyên sâu, tập trung vào việc nâng cao giá trị sản phẩm và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh cũng tăng theo từng năm.
Nếu như năm 2021, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao so với tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 17,16%; thì đã tăng lên 19,4% vào năm 2022 và 24,61% vào năm 2023. Nhờ đó, các sản phẩm nông sản của tỉnh không chỉ đáp ứng được nhu cầu trong nước mà còn dần mở rộng thị trường quốc tế.
Chú trọng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Những năm qua, tỉnh Kon Tum đã không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ việc sử dụng giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao đến các kỹ thuật canh tác tiên tiến như tưới tiêu tự động, canh tác thông minh và quản lý theo chuỗi giá trị, góp phần gia tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Kon Tum đang trở thành một điểm sáng trong chiến lược phát triển bền vững của địa phương, nhờ vào sự ứng dụng mạnh mẽ của khoa học và công nghệ vào quy trình sản xuất. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 43 hợp tác xã và tổ hợp tác được cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất nông sản, với tổng diện tích 361,9 ha. Đặc biệt, trong đó có 103,5 ha cà phê đạt chuẩn VietGAP, 168 ha đạt chứng nhận Fairtrade, 25,6 ha cây ăn quả và 30 ha lúa cũng đạt chuẩn VietGAP cùng với 34,8 ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Công nhận 06 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đăk Hà, Kon Plông, Đăk Tô và Thành phố Kon; hình thành và phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với 39 doanh nghiệp/cơ sở để nâng cao giá trị gia tăng tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các vùng trồng, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản với các nhà máy chế biến nông sản; trong đó có 05 cơ sở chế biến sâu, có sức cạnh tranh cao.
Tổng diện tích gieo trồng các loại cây trồng trên toàn tỉnh hiện đạt 197.993,8 ha, trong đó 27.277,2 ha đã ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Đặc biệt, diện tích cây trồng sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng đạt 2.506,6 ha, bao gồm các cây trồng chủ lực như cà phê, cây ăn quả, rau củ quả, mang lại sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường trong nước và quốc tế.
Không chỉ phát triển các loại cây trồng truyền thống như cà phê, mía, cao su, Kon Tum đã hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung với quy mô hàng trăm ha, mở ra nhiều cơ hội lớn cho nông dân và doanh nghiệp.
Các công nghệ tiên tiến như công nghệ tự động, bán tự động trong tưới nước, bón phân, máy bay không người lái trong chăm sóc, quản lý;công nghệ sinh học trong việc sử dụng các chế phẩm vi sinh sản xuất phân bón, quản lý dịch hại cây trồng; một số ít đơn vị đã ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà kính; công nghệ thông minh IOT trong sản xuất; công nghệ sản xuất giống cây trông bằng phương pháp Nuôi cấy mô tế bào thực vật; các phương pháp như chiết, ghép, hom,… trong sản xuất giống đã được áp dụng rộng rãi. Các giống cây trồng mới được sử dụng cho năng suất và chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Những bước tiến này không chỉ đảm bảo tăng trưởng kinh tế cho tỉnh Kon Tum mà còn đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường và phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế.
Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị
Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum cũng chú trọng phát triển theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đây là một mô hình tiên tiến, kết nối chặt chẽ giữa các khâu sản xuất, chế biến, và tiêu thụ, tạo ra một hệ thống hoàn chỉnh giúp gia tăng giá trị cho nông sản địa phương.
Kon Tum đã mạnh dạn triển khai các mô hình hợp tác giữa nông dân, doanh nghiệp, và các đơn vị chế biến, xây dựng các chuỗi liên kết bền vững từ khâu đầu vào như giống, phân bón đến khâu tiêu thụ cuối cùng, giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời đảm bảo nguồn tiêu thụ ổn định cho nông sản.
Việc ưu tiên phát triển theo chuỗi giá trị không chỉ mang lại lợi ích cho nông dân mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương phát triển và mở rộng quy mô sản xuất. Nông dân với sự hỗ trợ của doanh nghiệp, không chỉ có điều kiện tiếp cận với công nghệ sản xuất hiện đại mà còn được đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, không chỉ giúp nâng cao thu nhập mà còn giảm thiểu rủi ro từ việc phải tự tìm đầu ra cho nông sản.
Kon Tum cũng tập trung phát triển các ngành hàng chủ lực như cà phê, cao su, sắn và các loại cây ăn quả thông qua việc xây dựng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, có sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu. Những doanh nghiệp này đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng giá trị cho nông sản thông qua công nghệ chế biến hiện đại giúp sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, thị trường tiêu thụ nông sản cũng được chú trọng mở rộng, không chỉ thông qua các kênh truyền thống mà còn thông qua các nền tảng thương mại điện tử và chuỗi siêu thị giúp sản phẩm nông sản của tỉnh tiếp cận dễ dàng hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Với sự kết hợp giữa công nghệ cao, chế biến công nghiệp và mở rộng thị trường tiêu thụ, nông nghiệp Kon Tum đã và đang khẳng định vị thế của mình, hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững trong tương lai.
Định hướng phát triển thời gian tới
Trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và hiện đại, với mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm năng địa phương và thúc đẩy giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp. Trước hết, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các quyết định quan trọng của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN); phát huy thế mạnh của các cây trồng công nghiệp như cao su, cà phê (ưu tiên phát triển cà phê xứ lạnh), cây ăn quả các loại, mắc ca, dược liệu,... những loại cây có vị trí quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp của Kon Tum.
Bên cạnh đó, Kon Tum sẽ cụ thể hóa các nội dung của Chính Phủ, Bộ NN&PTNT để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo và triển khai các chiến lược phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong quá trình thực hiện. Tỉnh cũng sẽ tập trung hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, không chỉ nhằm mục tiêu sản xuất mà còn hướng tới việc liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, tạo ra chuỗi giá trị bền vững cho sản phẩm địa phương.
Các đề án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành sẽ tiếp tục được thực hiện nhằm xây dựng các vùng trồng trọt tập trung, đồng thời khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp vào các liên kết sản xuất và chuỗi cung ứng, từ đó nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Với định hướng phát triển toàn diện, tỉnh Kon Tum không chỉ hướng tới việc nâng cao năng suất, chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp mà còn thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc đầu tư vào công nghệ, khoa học và kỹ thuật mới, giúp tăng cường sức cạnh tranh và tạo ra động lực mạnh mẽ cho nền nông nghiệp hiện đại và bền vững trong tương lai.