“Nông suy, bách nghệ bại!”

LTS: Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho 90 triệu người dân trong nước, nền nông nghiệp Việt Nam còn có sứ mạng cao cả: cung ứng lúa gạo cho cộng đồng thế giới theo đúng cam kết với các tổ chức q

PV: Thóc gạo là mặt hàng nhạy cảm tới mức, tại Oa - sinh - tơn, trong cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mùa hè năm ngoái, Tổng thống Mỹ đã đề nghị Việt Nam “quan tâm hơn nữa đến vấn đề xuất khẩu gạo” vì nạn đói có nguy cơ diễn ra trên thế giới. Theo ông, chúng ta đã đặt thóc gạo vào đúng vị trí quan trọng vốn có của nó chưa?

Ông Hoàng Thọ Xuân: Người Việt cổ có câu: “Nông suy bách nghệ bại!”. Nôm na là: “Mất mùa, trăm nghề gặp khốn khó!”. Các cụ còn răn con cháu không được coi thường nông nghiệp khi lựa chọn ngành nghề: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ!”. Trong các chiến lược phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta chưa bao giờ coi nhẹ sản xuất nông nghiệp. Đảm bảo an ninh lương thực luôn luôn là nhiệm vụ tối quan trọng!

PV: Ông có nhận xét gì về hiện tượng sụt giảm diện tích đất trồng lúa trong những năm gần đây?

Ông Hoàng Thọ Xuân: “Phi công bất phú!”. Không có công nghiệp thì không thể làm giàu. Đủ ăn là vấn đề phải quan tâm. Giàu có để phát triển bền vững lại là điều không thể không phấn đấu. Chủ trương công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Đảng đã làm cho đất nước ta thay da đổi thịt. Tuy nhiên, không phải không có những “dự án treo” hoặc đôi khi, quá chú trọng vào việc phát triển sân gôn với ý định thay đổi cơ cấu kinh tế mà đất nông nghiệp bị giảm sút. Chính phủ đã cho thu hồi đất “quy hoạch treo” và nghiêm cấm xây dựng sân gôn tràn lan.

PV: Rõ ràng, đã có những khiếm khuyết trong công tác dự báo khi cách đây chưa lâu, Việt Nam ngừng xuất khẩu gạo giữa lúc giá gạo thị trường thế giới đang lên hoặc sinh sống bên vựa lúa, nhưng người dân ở các đô thị phía nam chạy đôn, chạy đáo mua gạo với giá “cắt cổ” để đề phòng nạn đói chỉ vì... tin vịt!

Ông Hoàng Thọ Xuân: Vấn đề này, thay mặt cử tri cả nước, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn những cán bộ có trách nhiệm tham mưu, tư vấn cho Chính phủ. Nguyên nhân chính được nêu ra là: không nắm chắc tình hình.

PV: Chúng ta khắc phục những thiếu sót trên đây như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Thọ Xuân: Có rất nhiều giải pháp. Hai cuộc họp trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua do Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chủ trì đã đánh giá đúng thành tưu đạt được và những hạn chế, yếu kém của công tác xuất khẩu gạo trong thời gian vừa qua. Mới đây, trong cuộc họp do Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng chủ trì, đại diện các địa phương và các bộ, ngành có liên quan đều khẳng định: năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu được củng cố, nên chúng ta đã kí kết được các hợp đồng lớn với những thị trường truyền thống, tiêu thụ được lúa hàng hoá của nông dân với giá tốt...

PV: Thế còn những hạn chế, yếu kém?

Ông Hoàng Thọ Xuân: Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, cũng như nhiều lĩnh vực khác, xuất khẩu gạo có nhiều biến động khó lường. Mặc dù đã được định hướng đúng theo yêu cùa Chính phủ, nhưng công tác này vẫn bộc lộ những khía cạnh chưa hoàn thiện.

PV: Xin ông cho biết một vài dẫn chứng cụ thể của sự “chưa hoàn thiện”?

Ông Hoàng Thọ Xuân: Về tổng thể, hoạt động điều phối, chế độ thông tin và công tác dự báo tình hình còn lỏng lẻo, thiếu chính xác. Vì thế, đã xảy ra hiện tượng thiếu đồng bộ, không nhất quán giữa các khâu: sản xuất, lưu thông và tiêu thụ lúa gạo. Công tác quản lí nhà nước của các bộ, ngành cũng có nhiều bất cập như: chưa tổ chức tốt hệ thống cơ sở dữ liệu để xây dựng giá thành, giá bán một cách hợp lí; chưa chỉ đạo sát sao công tác sản xuất tại các địa phương. Sự điều phối của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tuy đã có quy chế về tổ chức thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo, nhưng trên thực tế, chưa tạo nên sự đồng thuận giữa các doanh nghiệp và địa phương!

PV: Nghe nói ba tỉnh vựa lúa là Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang có tới một triệu tấn lúa hàng hoá, nhưng chỉ xuất khẩu được khoảng một trăm nghìn tấn và có lẽ đây là lí do gây nên sự “không đồng thuận”? Xin ông cho biết lí do?

Ông Hoàng Thọ Xuân: Đây là một tồn tại cần chấm dứt. Lí do của nó là: địa phương có nhiều thóc gạo thì lại không có doanh nghiệp xuất khẩu dày dạn kinh nghiệm. Mặt khác, như trên tôi đã nói, dự báo của các địa phương về số lượng lúa hàng hoá tồn đọng trong dân không chính xác, cho nên đôi lúc, những doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng tỏ ra lúng túng khi phải đi tìm nguồn hàng.

PV: Là thành viên trong Tổ Điều hành của Chính phủ, ông thấy đâu là những nét mới của nhóm giải pháp vừa được thông qua sau cuộc bàn thảo do Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng chủ trì để triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng?

Ông Hoàng Thọ Xuân: Có rất nhiều cái mới. Thứ nhất, chính quyền các địa phương phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp thu mua hết thóc lúa hàng hoá của dân với giá tốt nhất để bà con có lãi, tái sản xuất. Thứ hai, với tư cách là một đầu mối điều phối xuất khẩu gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam phải giao chỉ tiêu chính xác và giám sát việc thu mua lúa của các doanh nghiệp. Thứ ba, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập danh sách các tỉnh có lúa hàng hoá và số lượng lúa cân tiêu thụ. Khi cần thiết hoặc có dấu hiệu bất thường, hai bộ này sẽ cùng các cơ quan có trách nhiệm thành lập đoàn kiểm tra quy trình thu mua, xuất khẩu gạo để báo cáo Thủ tướng có biện pháp động viên, khuyến khích hoặc uốn nắn kịp thời.

PV: Trên đây, ông mới nói những vấn đề theo chiều thuận, “ta tính với ta”. Nếu có sự cạnh tranh, dìm giá, nâng giá từ các đối tác hoặc thiên tai, địch hoạ bất thường thì sao?

Ông Hoàng Thọ Xuân: Thủ tướng đã giao cho Bộ Công Thương đề xuất phương án triển khai khi tình hình diễn biến theo chiều hướng bất lợi, kể cả việc ứng phó qua kênh ngoại giao và đấu tranh chống các rào cản, xử lí các vụ kiện thương mại từ nước ngoài.

PV: Hình như có sự thay đổi trong cơ cấu Tổ Điều hành của Chính phủ? Xin ông vui lòng cho biết về thông tin này?

Ông Hoàng Thọ Xuân: Chưa thay đổi nhưng có sự bổ sung. Với chức năng tham mưu, tư vấn cho Chính phủ những vấn đề về hoạt động kinh tế, mấy năm nay, thành viên Tổ Điều hành có đại diện của Văn phòng Chính phủ, đại diện nhiều bộ, ngành - trong đó có Ngân hàng và Bộ Công Thương. Khắc phục sự thiếu hụt thông tin, ngày 15-6-2009, Thủ tướng đã yêu cầu bổ sung những cán bộ có thẩm quyền của các tỉnh có sản lượng lúa lớn vào Tổ Điều hành xuất khẩu gạo...

PV: Còn về cơ chế hoạt động của Tổ Điều hành, thưa ông?

Ông Hoàng Thọ Xuân: Thủ tướng yêu cầu Tổ Điều hành phải tăng cường giao ban, đặc biệt là trước khi bước vào thời vụ sản xuất để nắm vững khả năng gieo cấy, tình hình dịch bệnh, tiến độ thu hoạch. Từ đó, có dự báo về năng suất, sản lượng, sức tiêu thụ trong nước và lượng lúa hàng hoá xuất khẩu.

PV: Mỗi lần họp Tổ Điều hành là một lần phải gửi giấy mời đến hàng mấy chục thành viên suốt từ nam chí bắc. Có giảm hiệu lực không khi có thành viên được mời mà không đến như sự vắng mặt của đại diện một tỉnh là vựa lúa mới đây?

Ông Hoàng Thọ Xuân: Mô hình Tổ Điều hành xuất phát từ Nghị định 12/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Thủ tướng vừa có ý kiến, chỉ rõ những điểm không phù hợp với đặc thù Việt Nam và xu hướng thương mại lương thực trong tương lai của Nghị định này. Như vậy, không chỉ Tổ Điều hành phải đổi mới cách thức hoạt động, mà rất có khả năng, một Nghị định mới, độc lập, chuyên về sản xuất và kinh doanh lúa gạo sẽ ra đời để nâng cao sự năng động và hiệu quả trong lĩnh vực quan trọng này.

  PV: Xin chân thành cảm ơn ông. Chúc mọi người luôn ghi nhớ câu “Nông suy, bách nghệ bại”...
  • Tags: