Ô nhiễm môi trường vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ

Ngày 8/5/2008, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) quốc gia đã phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức Hội nghị Điều phối phát triển vùn

 Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã tới dự và có bài phát biểu. Về vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước do chất thải công nghiệp và đô thị ngày càng tăng, ô nhiễm trên một số con sông như sông Cầu, sông Nhuệ... đã đến mức báo động. Việc xử lý chất thải rắn đang là vấn đề nan giải, cần có kế hoạch phối hợp liên tỉnh để xử lý hiệu quả.  Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp nào cho bài toán về môi trường của Việt Nam hiện nay và tương lai?

 1. Hiện trạng ô nhiễm môi trường

     Theo báo cáo, trong 5 thập kỷ qua, diện tích che phủ rừng của Việt Nam đã giảm từ 43% xuống còn 29%, gây sói mòn đất, mất cân bằng sinh thái và khu hệ sinh sống, làm cho nhiều loài động, thực vật có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng.

 Bức xúc nhất là vấn đề nước thải, chất thải CN, chất thải rắn, chất thải sinh hoạt đang là vấn đề gây ô nhiễm nghiêm trọng tại các khu công nghiệp (KCN), nhất là nước thải. Có những tỉnh, khu xử lý nước thải chỉ có khoảng 15%.

      Một quan chức cấp cao của Nhà nước nói: “Đã đến lúc chúng ta không thể lùi được nữa, không thể tiếp tục hi sinh chất lượng môi trường cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu GDP tăng 1%, thì chất thải tăng 3%. Nếu tiếp tục tình trạng này, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt tại thời điểm hiện nay và cả thế hệ mai sau. Chất lượng cuộc sống sẽ giảm và không bảo đảm thực hiện được ba mục tiêu phát triển bền vững là tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”.

 2. Môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy – S.O.S

 Theo Bộ KH&CN thì hiện nay, ba hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn, sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong mấy năm qua, Chính phủ đã rất cố gắng chỉ đạo, phân công các bộ, ngành, địa phương phối hợp, xử lý ô nhiễm ba hệ thống sông này, nhưng đến nay vẫn chưa có một mô hình nào có tính khả thi cao. Các dòng sông bị ô nhiễm vẫn đang tiếp tục chảy và đang bị ô nhiễm trầm trọng hơn.

      Lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy nằm ở hữu ngạn sông Hồng với diện tích tự nhiên gần 8.000 km2 chạy qua các tỉnh Hoà Bình, Hà Tây, Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình. Do lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có nhiều phụ lưu lớn chảy qua các thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ, tụ điểm dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, dịch vụ, làng nghề,... nên chịu ảnh hưởng nặng nề của các hoạt động kinh tế - xã hội. Chính vì thế, nguồn nước tại lưu vực các con sông này bị ô nhiễm nghiêm trọng.

      Theo kết quả phân tích mới nhất của các cơ quan chuyên môn cho thấy, chất lượng nước tại lưu vực các sông này đang ở mức báo động. Phân tích mẫu nước tại sông Tô Lịch, sông Thanh Hà, sông Nhuệ, sông Châu, sông Hoàng Long, sông Đáy... đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép về hàm lượng chất hữu cơ, các yếu tố kim loại nặng. Tại sông Nhuệ, do phải tiêu nước cho thành phố Hà Nội và thị xã Hà Đông nên nước bị ô nhiễm nặng. Tại đây cũng đã xuất hiện nhiều sự cố về môi trường như hiện tượng cá chết hàng loạt do xả nước thải của thành phố vào mùa cạn với lưu lượng lớn. Sông Nhuệ nhận nguồn thải và nước mưa của Hà Nội trong tổng diện tích lưu vực là 107.503 ha. Trên diện tích đó, khu vực ảnh hưởng của Hà Nội là 20.093 ha, bao gồm một phần diện tích của huyện Thanh Trì và Từ Liêm. Kết quả phân tích mẫu nước tại Hoàng Liệt cho thấy, nước bị ô nhiễm quá nặng, hàm lượng COD trung bình đạt từ 180 - 200 mg/l; BOD trung bình đạt 100-150 mg/l, vượt quá tiêu chuẩn A từ 10 - 20 lần, vượt quá tiêu chuẩn B từ 8 - 15 lần. Hàm lượng oxy hoà tan thấp dưới 4,0 mg/l, nước có màu đen đặc, có váng và có mùi hôi tanh, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường không khí.

       Nước trên sông Nhuệ tại Phủ Lý (mặc dù nước thải đã được pha loãng và tự làm sạch nhiều lần, hàm lượng và các chất đã giảm),  vẫn không đạt tiêu chuẩn A. Kết quả khảo sát cho thấy, hàm lượng BOD, COD, oxy hoà tan vẫn vượt quá tiêu chuẩn A từ 1,5 - 2,2 lần.

     Sông Đáy là con sông chính, có chế độ dòng chảy phức tạp do ở thượng lưu đã bị chia cắt khỏi sông Hồng, lại chịu ảnh hưởng của các con sông nhánh, các đoạn hạ lưu và thuỷ triều, do vậy, việc cấp nước và tiêu nước cũng rất phức tạp. Chất lượng nước sông Đáy thay đổi thất thường, phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng nước thải từ sản xuất và sinh hoạt xuống các kênh mương. Qua khảo sát tại đoạn Ba Thá - Chương Mỹ cho thấy, nước sông Đáy chịu ảnh hưởng bởi nước tiêu nông nghiệp và nước thải sinh hoạt của thị trấn Thanh Oai. Vào mùa kiệt, các chất hữu cơ như COD đạt từ 18 - 26 mg/l, vượt quá tiêu chuẩn A từ 1,3 -1,8 lần, Hàm lượng NH4 đạt từ 0,5-0,75 mg/l, vượt quá tiêu chuẩn A cho phép từ 5 - 7 lần. Đoạn tại Hồng Phú - Phủ Lý là nơi nhập lưu của 3 con sông: Nhuệ, Đáy, Châu Giang, nước bị ô nhiễm chất hữu cơ, hàm lượng COD trung bình đạt từ 20 - 30 mg/l vượt quá tiêu chuẩn A từ 1,4 - 2 lần. Hàm lượng NO2, SS cao. Nồng độ dầu có trong nước đạt trên 0,32 mg/l, không đạt tiêu chuẩn B. Chất lượng nước đoạn sông này không đạt tiêu chuẩn dùng để cấp nước cho sinh hoạt.

      Đặc biệt, nước sông Tô Lịch thường xuyên xả vào sông Nhuệ với lưu lượng trung bình từ 11-17 m3/s, lưu lượng cực đại 30m3/s. Sông Tô Lịch đón nhận toàn bộ nước thải từ hai quận Ba Đình, Đống Đa và nhiều sông nhánh khác, do vậy, sông Tô Lịch đang bị ô nhiễm nặng, sông Nhuệ thì hiện đang mất dần khả năng tự làm sạch và mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng. Lưu vực hai con sông này rộng tới 8.000 km2, với dân số gần 9 triệu người và trên 3,5 triệu người sống dọc triền sông. Do vậy, người dân sống trong lưu vực này đang đứng trước những hiểm họa tiềm ẩn về môi trường. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là người dân tỉnh Hà Nam. Theo nghiên cứu của Trường Đại học Y Hà Nội, tại xã Hoàng Tây (ven sông Nhuệ) có đến 21% trẻ em dưới 5 tuổi bị tiêu chảy, 86% trẻ em nhiễm mắc bệnh giun đũa... Tại huyện Lý Nhân, có đến 30% bị bệnh về đường ruột, đặc biệt là tại thị trấn Vĩnh Trụ có đến 50% bị bệnh phụ khoa, do nguồn nước ô nhiễm. UBND tỉnh Hà Nam đang mong muốn Trung ương hỗ trợ, nâng cấp và di chuyển Nhà máy nước thị xã Phủ Lý lên phía thượng lưu sông Đáy, cách ngã ba sông thị xã Phủ Lý 1.200 m (hiện nay cách 700 m) để thoát khỏi tình trạng ô nhiễm nguồn nước của sông Nhuệ.

       Một tin mừng là, ngày 29/4/2008 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy đến năm 2020”, với mục đích giải quyết vấn đề ô nhiễm và bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ -  sông Đáy.

 3. Nguyên nhân nào dẫn đến ô nhiễm môi trường

       Luật Bảo vệ Môi trường được QH thông qua năm 2005, có hiệu lực từ 01/07/2006. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại chủ yếu là, đội ngũ cán bộ, lực lượng kỹ thuật bảo vệ môi trường còn mỏng về số lượng và yếu về nghiệp vụ; phương tiện quan trắc môi trường, phân tích, thí nghiệm nói chung vẫn còn thiếu và yếu. Vì vậy, việc kiểm tra xử lý vi phạm môi trường còn bị buông lỏng, chưa làm thường xuyên, ý nghĩa giáo dục, răn đe còn bị hạn chế.

 Ngoài ra, việc thực hiện Luật của chúng ta ngay từ đầu không nghiêm. Lý do chính là trên thực tế chưa xác định rõ ràng quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, cũng như chưa có những chế tài buộc họ phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó. Đây là căn bệnh của nền hành chính nước nhà, không biết đến khi nào mới sửa được?

         Ví dụ, trong Luật quy định có tới 20 điều về trách nhiệm của chính quyền cấp tỉnh về bảo vệ môi trường. Nhưng qua đợt giám sát, chưa có tỉnh, thành nào ban hành đầy đủ văn bản, trách nhiệm thực hiện Luật theo thẩm quyền của mình. Có một số tỉnh đã ban hành một số văn bản nhưng khâu triển khai, kiểm tra đôn đốc, xử lý vi phạm còn yếu nên không đánh giá được cá nhân, DN nào làm tốt hay chưa tốt và cần áp dụng biện pháp kinh tế, hành chính, xử lý hình sự nào.  

      Luật BVMT chưa có hiệu quả vì nhiều quy định không thực hiện được và chế tài xử phạt còn quá nhẹ. Được biết, hiện nay, Bộ TN-MT đã liệt kê 600 nhà máy nằm trong danh sách đỏ phải di dời, nhưng vẫn chưa có chó tài buộc di dời các nhà máy đó đi được?

       Vấn đề phạt chỉ là giải pháp tạm thời mang tính chất cảnh cáo. Còn mức phạt hiện nay tối đa là 70 triệu đồng, thì nhiều DN thay vì phải đầu tư nhiều tỷ đồng vốn cho công nghệ xử lý rác thải, họ sẵn sàng chịu phạt để tiếp tục xả chất thải trực tiếp ra môi trường.

     Hàng năm, với khoản kinh phí 1% ngân sách nhà nước chi cho công tác quản lý môi trường; bộ máy quản lý, trình độ nghiệp vụ, phương tiện và sự công tâm của công chức như hiện nay, thì mục tiêu của Nhà nước đề ra đến năm 2010, chúng ta sẽ xử lý cơ bản các KCN trọng điểm gây ô nhiễm thì có thể khẳng định không thực hiện được. Bởi lẽ, Bộ TN-MT và Bộ Tài chính đã có thông tư liên tịch về sử dụng kinh phí cho sự nghiệp bảo vệ môi trường là 1% ngân sách nhà nước. Nhưng, trong mấy năm qua, việc chi chưa đúng và chưa hiệu quả còn diễn ra ở nhiều địa phương. Theo báo cáo của Bộ TN-MT, nhiều tỉnh chỉ giữ lại 10 - 15% cho hoạt động bảo vệ môi trường ở tỉnh, phần còn lại chia cho các huyện và cũng thiếu cơ chế kiểm tra việc thực hiện các khoản chi này.

 4. Một số kiến nghị

 Muốn BVMT nói chung và khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nói riêng với mục tiêu cùng xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường thì:

 - Các tỉnh, thành phố cần chủ động tăng cường kiểm soát nguồn thải của các nhà máy, xí nghiệp, dịch vụ, làng nghề trên địa bàn. Thực hiện các biện pháp cưỡng chế các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà không có khả năng giảm thiểu và di dời.

 - Điều đáng quan tâm nhất hiện nay, là sự bất hợp lý về phát triển đô thị và khu công nghiệp. Cụ thể, phát triển đô thị nhanh nhưng chưa có quy hoạch xứng tầm, việc lập các đề án đô thị mới ồ ạt, không hiệu quả và gây lãng phí.

 - Các cơ quan chức năng của Nhà nước phải nhận diện được những vấn đề cần ưu tiên cấp bách, làm cơ sở cho các nhà quản lý môi trường Việt Nam hoạch định chính sách môi trường Việt Nam.

 - Nhà nước cần đầu tư kinh phí vào những dự án môi trường để không còn cảnh nhếch nhác, bẩn thỉu, ô nhiễm nặng và thiếu văn minh... vốn là “đặc trưng” ở nhiều khu vực, trong đó có nhiều con mương nước đen lộ thiên ở Hà Nội. Rác thải, nước thải đang bị con người vô tư đẩy xuống lòng mương. Mùa mưa, rác thải làm ách tắc dòng chảy thoát nước. Đặc biệt, Hà Nội lại đang gấp rút hoàn thiện những công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Đại lễ 1.000 năm Thăng Long chắc chắn còn phải chứng kiến sự lộ thiên của các mương nước ô nhiễm. Một Thủ đô văn minh – một thành phố lớn nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc lẽ nào lại để tồn tại những nguy cơ về dịch bệnh, những dòng nước đen kịt bốc mùi ô nhiễm len lỏi trong các khu dân cư?.