Nếu cứ để tình trạng bị động nguyên liệu thì ngành dệt may sẽ dần đuối sức cạnh tranh. Trong 5.982 doanh nghiệp (DN) dệt may, tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu chỉ chiếm 0,7%; xơ sợi tổng hợp là 0,1%; bông 0,2%; sợi chỉ 4,3%; nhuộm hoàn tất 3%. Tình trang bị động về nguyên liệu khiến DN dệt may Việt Nam đuối sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hồ Thị Kim Thoa, xu hướng phát triển dệt may trên thế giới là phát triển chuỗi cung ứng trọn gói, giao dịch thương mại điện tử. Đây chính là một thách thức buộc ngành Dệt May Việt Nam phải có sự thay đổi trong thời gian tới. Do đó, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may đang được Bộ Công Thương xây dựng xác định rõ phát triển sản xuất sản phẩm chiến lược sẽ tập trung vào sản xuất vải và phụ liệu may, trong đó khâu nhuộm - hoàn tất đóng vai trò quan trọng, phát triển nguồn nguyên liệu bông, xơ sợi tổng hợp nhân tạo và chú trọng phát triển các sản phẩm dệt kỹ thuật.
Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn Dệt May Việt Nam - ông Lê Tiến Trường cho biết, trong 6 năm lại đây, việc đầu tư mở rộng của các DN dệt may đã được chuyển về các địa phương ở cấp thị xã, cấp huyện. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong thời gian tới để đảm bảo cân đối nguồn lực lao động, nguồn lực sản xuất ở các địa phương đòi hỏi cần sự hỗ trợ, phát triển nhân lực, chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm chủ lực, đặc biệt trong hạ tầng nhằm đáp ứng được sự kết nối giữa các trung tâm sản xuất với nhau.
Hiện nay, một số doanh nghiệp may ở ta làm ăn rất tốt, doanh thu cao, chỉ số lợi nhuận cũng cao. Nhưng nếu họ ngủ quên trên chiến thắng, bằng lòng với việc đầu tư vừa phải mà lợi nhuận cao trước mắt, không chịu đầu tư vào ODM đầy thách thức, thì khi có sự chuyển dịch, có đối thủ cạnh tranh về giá gia công, về chất lượng, hoặc khách hàng đòi hỏi cung ứng giải pháp trọn gói, những doanh nghiệp này sẽ đi đâu về đâu? Tình trạng “trở tay không kịp” ắt xảy ra. Và các vị lãnh đạo của các doanh nghiệp này sẽ làm gì với hệ thống xưởng may đồ sộ, lượng công nhân đông đảo mà không còn hợp đồng gia công nào trong tay? Chắc Lãnh đạo các doanh nghiệp may chưa quên thời khủng hoảng đơn hàng khi thị trường Đông âu biến động ở thập kỷ 90.
Trong chiến lược mới của mình, Tập đoàn Dệt May Việt Nam - vốn là nòng cốt phát triển và định hướng cho toàn ngành dệt may Việt Nam đã đặt ra mục tiêu cơ bản là phải thực hiện bằng được việc sản xuất hàng may theo phương thức ODM. Đây không chỉ là giải pháp tạo giá trị gia tăng cho hàng may xuất khẩu của Việt Nam, mà còn là cách hiệu quả để kích ứng toàn bộ chuỗi SỢI-DỆT-NHUỘM-MAY nội địa phát triển, liên kết các khâu này ngày một chặt chẽ với nhau, tránh được sự bị động và bỏ lỡ cơ hội tăng nguồn thu như kể trên.
Ông Đặng Vũ Hùng, người từng thành công với mô hình ODM ở Tổng Công ty CP Phong Phú, và hiện được coi là key person (nhân sự chủ chốt) của Tập đoàn Dệt May Việt Nam trong việc thực hiện chiến lược ODM cho Vinatex, sau đó là nhân rộng ra toàn ngành, cho rằng phải quyết liệt xây dựng mô hình liên kết chuỗi với đầu tư chiến lược về marketing để cung cấp cho khách hàng giải pháp trọn gói. Đó là cách thức để dệt may Việt Nam có thể xâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. ODM hiện là cách đúng đắn mang lại hiệu quả tốt nhất cho doanh nghiệp dệt may, quản lý tối đa rủi ro thị trường, nắm bắt được thị trường, chủ động tạo sản phẩm mục tiêu cuối cùng đem lại hiệu quả cao nhất cho đồng vốn của doanh nghiệp. Đây là một bứt phá bắt buộc, cho dù vô cùng khó khăn, thậm chí còn phải chấp nhận trả giá nhất định, đối với dệt may nước ta để tiến tới tầm chuyên nghiệp.
Xây dựng liên kết chuỗi hiện là khó nhưng không phải không thể làm được. Đơn cử Tổng Công ty CP Phong Phú là một mô hình thành công, có thể đem áp dụng, nhân rộng ra. Hoặc Công ty CP Sợi Phú Bài, đã thành công trên thương trường, có uy tín và thương hiệu, tạo ra lợi nhuận và tăng giá trị tài sản của DN không ngừng. NPL Nha Trang cũng đã quen thuộc trên thị trường và nổi tiếng. Đó chính là những ngôi sao dẫn đường, để dệt may Việt Nam có thể vững vàng dấn bước trên con đường bứt phá, thay đổi cơ bản cơ cấu SXKD, trở thành quốc gia quan trọng trong nền kinh tế dệt may-thời trang thế giới.