Báo cáo định kỳ hàng tháng mới nhất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm nay xuống còn 3,36 triệu thùng/ngày. Con số này giảm 0,31 triệu thùng/ngày so với báo cáo gần nhất, đánh dấu tháng thứ 2 liên tiếp OPEC điều chỉnh giảm dự báo triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô thế giới.
Theo OPEC, việc Trung Quốc phong toả kéo dài nhiều thành phố và khu vực sản xuất lớn nhằm kiểm soát đợt lây nhiễm Covid-19 mới sẽ khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu của nước này suy giảm. Điều này đang khiến thị trường dầu mỏ toàn cầu đối mặt với cú sốc cầu lớn nhất kể từ năm 2020 khi đại dịch Covid-19 lan ra toàn cầu.
Bên cạnh đó, tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu còn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ căng thẳng địa chính trị tại khu vực Đông Âu, tình trạng lạm phát tăng cao và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới có xu hướng siết chặt chính sách tiền tệ. OPEC cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay từ mức 3,9% xuống còn 3,5%.
Bùng nổ xung đột quân sự Nga – Ukraine hồi cuối tháng 2 vừa qua đã khiến giá dầu thô tăng vọt lên trên mức 139 USD/thùng trong tháng 3, chạm mức cao nhất kể từ hồi năm 2008, khiến áp lực lạm phát gia tăng mạnh tại nhiều nền kinh tế. Trong phiên giao dịch ngày 13/5, giá dầu thô Brent được giao dịch quanh mốc 110 USD/thùng.
Tuy nhiên, OPEC vẫn nhận định nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ vượt mức 100 triệu thùng/ngày vào quý 3 năm nay và mức sử dụng dầu thô toàn cầu trung bình cả năm 2022 sẽ vượt mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. OPEC dự báo nguồn cung dầu thô từ các quốc gia nằm ngoài khối OPEC trong năm 2022 sẽ chỉ đạt 2,4 triệu thùng/ngày, thấp hơn 0,3 triệu thùng/ngày so với dự báo gần nhất.
Báo cáo của OPEC cũng cho thấy sản lượng khai thác dầu của các quốc gia thành viên tổ chức này chỉ tăng thêm 153.000 thùng/ngày lên 28,65 triệu thùng/ngày. Mức tăng thêm này thấp hơn đáng kể so với mục tiêu tăng 254.000 thùng/ngày do liên minh OPEC+ đề ra. Một số quốc gia thành viên OPEC đang gặp khó khăn trong việc nâng sản lượng khai thác. Ví dụ, Libya đang đối mặt với các bất ổn chính trị và Nigeria đang gặp các khó khăn về kỹ thuật trong hoạt động khai thác.
Trong phiên họp chính sách định kỳ gần nhất vào ngày 5/5, liên minh OPEC+ chỉ nâng nhẹ sản lượng khai thác thêm trong tháng 6/2022 lên mức 432.000 thùng/ngày. Liên minh OPEC+, bao gồm OPEC và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.