Tổng Thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Haitham Al Ghais vừa cho biết khối này sẽ ủng hộ việc Iran quay trở lại thị trường dầu mỏ hoàn toàn khi các biện pháp trừng phạt đối với nước này được dỡ bỏ.
Phát biểu trên được ông Haitham Al Ghais đưa ra trong cuộc phỏng vấn với trang tin SHANA thuộc Bộ Dầu mỏ Iran hôm 29/5 (theo giờ địa phương). Iran hiện là thành viên của OPEC nhưng hoạt động xuất khẩu dầu của nước này đang bị hạn chế do các biện pháp trừng phạt từ phía Hoa Kỳ liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.
Tổng Thư ký OPEC Haitham Al Ghais cũng bày tỏ tin tưởng Iran là một thành viên có trách nhiệm trong OPEC và cho biết Iran có khả năng gia tăng sản lượng đáng kể chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Ông Haitham Al Ghais khẳng định Iran và các bên sẽ hợp tác đồng bộ, chặt chẽ để đảm bảo cung - cầu trên thị trường dầu mỏ cân bằng như cách OPEC đã thực hiện trong nhiều năm qua. Giữa tháng 3 vừa qua, Iran cho biết xuất khẩu dầu của nước này đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2018 - thời điểm Hoa Kỳ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nước này.
Vừa qua, Saudi Arabia và Iran đã tuyên bố khôi phục quan hệ ngoại giao sau nhiều năm căng thẳng, trong một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian. Saudi Arabia là quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn nhất OPEC và được xem là có quyền quyết định chính đến chính sách khai thác dầu thô của OPEC; trong khi đó, Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới với nguồn nhập khẩu chủ yếu đến từ khu vực Trung Đông.
Cũng trong buổi phỏng vấn với Tổng Thư ký OPEC Haitham Al Ghais, khi được hỏi về quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC, ông Haitham Al Ghais cho biết OPEC không nhắm mục tiêu vào một mức giá cụ thể và nhấn mạnh mọi quyết định điều chỉnh sản lượng của khối đều hướng tới việc đảm bảo cân bằng cung – cầu dầu thô trên toàn cầu.
Kể từ đầu tháng 5, liên minh OPEC+, bao gồm 13 quốc gia thành viên OPEC và 10 nước khai thác đồng minh, đã cắt giảm sản lượng thêm 1,6 triệu thùng/ngày. Qua đó, nâng tổng sản lượng khai thác dầu được liên minh OPEC+ cắt giảm lên tới khoảng 3,66 - 3,86 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 3,8% tổng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu.
Trong những ngày gần đây, Saudi Arabia đã phát đi tín hiệu cho thấy liên minh OPEC+ có thể tiếp tục giảm sản lượng khai thác để củng cố giá dầu thô. Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Saudi Arabia sẽ cần giá dầu thô ở mức 80,9 USD/thùng để cân bằng ngân sách trong năm nay. OPEC+ hiện kiểm soát hơn 50% nguồn cung thị trường dầu mỏ trên toàn cầu. Liên minh này sẽ nhóm họp vào ngày 4/6 tới đây để đưa ra chính sách khai thác thời gian tới.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu trong năm nay sẽ tăng thêm 2,2 triệu thùng/ngày lên mức cao kỷ lục 102 triệu thùng/ngày, vượt nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu trong năm 2019. Trong khi đó, nguồn cung dầu được nhận định sẽ bị suy giảm do OPEC+ cắt giảm sản lượng khai thác.
Do đó, IEA cảnh báo thị trường sẽ rơi vào trạng thái thiếu hụt nguồn cung dầu kể từ quý 2/2023 và mức thiếu hụt sẽ tăng lên khoảng 2 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay. IEA cũng nhấn mạnh giá dầu thô hiện nay không phản ánh đúng triển vọng căng thẳng nguồn cung trên thị trường dầu mỏ thời gian tới.