Tất cả vì lợi ích người dân sử dụng điện
Năm 2019, vượt lên những khó khăn, thách thức chung của ngành điện và nền kinh tế, Công ty Điện lực Trà Vinh (PC Trà Vinh) cho biết đã tập trung thực hiện tốt công tác cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt trong mùa khô năm 2019 không tiết giảm phụ tải, đảm bảo cung cấp đủ điện, ổn định phục vụ nuôi trồng thủy sản và các sự kiện chính trị xã hội trên toàn địa bàn tỉnh.
Năm 2019, sản lượng điện nhận ngày lớn nhất là 3,648 triệu kWh, công suất lớn nhất của phụ tải đạt 174,15 MW tăng 5,8% so năm 2018 (164,6MW), hệ số mang tải bình quân của các trạm 110kV là 60,9%, lưới điện 110kV luôn đảm bảo và chủ động cấp điện cho các phụ tải trên địa bàn.
Sản lượng điện thương phẩm bán ra năm 2019 là 1,011 tỷ kWh, đạt 100,1% kế hoạch, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018.
PC Trà Vinh trong năm 2019 cũng đã triển khai đầu tư hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành 14/14 công trình lưới điện phân phối có giá trị vốn đầu tư giải ngân là 67,69 tỷ đồng, khối lượng 70,0km đường dây truyền trung thế, 75,54 km đường dây hạ thế và 9.062kVA dung lượng trạm biến áp tăng thêm.
Đến nay, hệ thống lưới điện PC Trà Vinh quản lý vận hành đã bao gồm 7 tuyến đường dây 110kV, tổng chiều dài 137,95 km và 5 trạm biến áp, với 8 máy biến áp, tổng dung lượng 320 MVA.
Đáng chú ý, với tỷ lệ số xã, phường, thị trấn có điện đạt 100% (106/106 xã), số hộ dân có điện tại Trà Vinh là 272.930/275.817 hộ, đạt tỷ lệ 98,95%, vượt 0,05% so chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Trà Vinh đề ra (98,9%). Số hộ dân nông thôn có điện là 231.621/234.336 hộ, đạt tỷ lệ 98,84%.
PC Trà Vinh cũng đã hoàn thành xóa hộ câu phụ không an toàn cho 837 hộ dân, với tổng nguồn vốn 2,34 tỷ đồng, đã góp phần nâng tổng số xã đạt tiêu chí số 4 về điện của toàn tỉnh lên 85/85 xã, đạt 100% sau khi năm 2018 chỉ có 75/85 xã đạt tiêu chí số 4 về điện.
Ước mơ “điện về đảo” thành hiện thực
Là tỉnh có đặc thù địa hình phức tạp, hệ thống sông ngòi chằng chịt, các cù lao tách biệt đất liền và người dân thuộc 29 dân tộc sinh sống trải khắp các huyện, xã, cồn, ngành điện Trà Vinh vẫn luôn trăn trở về ước mơ điện khí hóa nông thôn mạnh mẽ hơn để toàn tỉnh được sống trong niềm vui có ánh sáng điện quốc gia.
20 năm qua, với mục tiêu “điện đi trước một bước” phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, PC Trà Vinh đã không ngừng nỗ lực đầu tư mở rộng hệ thống lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 1998-2006, bằng các nguồn vốn khấu hao cơ bản ngành điện, vốn vay của nhiều tổ chức tín dụng quốc tế như JBIC, WB, AFD, ADB,… ngành điện Trà Vinh đã thực hiện đầu tư điện khí hóa nông thôn cho 74 xã trên địa bàn tỉnh, với kinh phí gần 280 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong 2 năm 2004-2005, sau nhiều cố gắng, PC Trà Vinh đã thành công đầu tư kéo điện vượt Sông Tiền để đưa điện lưới về 2 xã cuối cùng của tỉnh là Cù lao Hòa Minh và Long Hòa, huyện Châu Thành. Đồng thời, kéo điện vượt Sông Hậu cấp điện cho 2 ấp cù lao Tân Quy và Tân Quy 1, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè; kéo điện về cù lao Long Trị xã Long Đức thành phố Trà Vinh.
Từ năm 2011 đến nay, ngành điện lực tỉnh Trà Vinh tiếp tục triển khai đầu tư các công trình, dự án nâng cấp, mở rộng lưới điện đến tận ấp, khóm, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc trên toàn tỉnh.
Trong đó, dự án cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư là 469,7 tỷ đồng, gồm 3 giai đoạn, đã cấp điện cho 34.926 hộ dân địa bàn 83 xã của 7 huyện của tỉnh.
Mới đây nhất, 2 công trình cấp điện đến cồn Phụng (huyện Châu Thành) và cồn An Lộc (huyện Cầu Kè), sau gần 4 tháng thực hiện đã lần lượt đóng điện vào tháng 12/2018 và tháng 1/2019, cấp điện cho 282 hộ dân ngay trước dịp Tết Nguyên đán. Dự án này cũng góp phần lớn giúp huyện Cầu Kè đạt tiêu chí huyện nông thôn mới năm 2019.
Đại diện PC Trà Vinh chia sẻ, tỷ suất vốn đầu tư của công trình cấp điện cho 2 “ốc đảo” cồn An Lộc và Cồn Phụng bình quân rất lớn, lên tới trên 94 triệu đồng/hộ dân, là những dự án có tính chất khá phức tạp với đoạn cáp ngầm kéo vượt qua sông, ngòi và lưới trung thế kéo đi qua ao tôm, vườn cây ăn trái… do đó công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, quyết tâm đưa ánh sáng điện quốc gia đến với nơi cù lao xa xôi, ngành điện Trà Vinh đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động các hộ dân thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, hiến đất, hoa màu,…
Sau khi “điện về đảo”, người dân không chỉ cải thiện sinh hoạt, mà còn khai thác và phát huy được tiềm năng kinh tế vốn có về cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản, “thay da đổi thịt” diện mạo và chất lượng đời sống cho người dân “ốc đảo”.
Với người dân Trà Vinh, điện quốc gia giờ không còn còn xa đến thế, không gì sánh bằng niềm hạnh phúc vỡ òa khi được đón điện để sinh hoạt, sản xuất được khai thác, nâng cao đời sống sau bao năm mơ ước.
Còn với những cán bộ, lao động PC Trà Vinh, mỗi bóng đèn sáng lên dưới một mái nhà nơi vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo cũng là mỗi nụ cười đi cùng với giọt mồ hôi, nước mắt của ngành điện, để mọi khó khăn đã qua đều bị xóa nhòa bởi những nỗ lực và quyết tâm đưa điện về, giúp nông thôn Trà Vinh chuyển mình mạnh mẽ.