Đất lành chim đậu
Năm 1994, tốt nghiệp Cao đẳng Kỹ thuật Vinh, chuyên ngành Cơ khí chế tạo, với quyết tâm thoát ly vùng quê nghèo, Phạm Văn Phượng đã từng cùng anh em đồng hương vào Nam ra Bắc, đi lắp máy ở nhiều nơi trên dải đất hình chữ S. Nhưng phải đến năm 2004, khi trúng tuyển làm công nhân vận hành của Nhà máy Thép tấm lá Phú Mỹ- VNSTEEL, cuộc đời của chàng trai xứ Nghệ mới sang một trang mới, thật sự “an cư lạc nghiệp” cho tới tận bây giờ.
18 năm là quân của Công ty TNHH MTV Thép tấm lá Phú Mỹ- VNSTEEL, anh Phượng đã kịp xây dựng cho mình một cơ ngơi kha khá với một vợ, 4 con và một ngôi nhà nho nhỏ trong một mảnh đất to to. Anh bảo: “Thép tấm lá Phú Mỹ đã cho tôi tất cả, một công việc ổn định, một người vợ hiền, một ngôi nhà ấm áp và những đứa con, đó là những tài sản quý giá để tôi càng có động lực làm việc mỗi ngày”.
Tôi tò mò hỏi anh sao lại đông con dữ vậy, anh Phượng cười hiền khô: “Tôi quê Nghệ An, vợ tôi quê Thái Bình, một người ở miền Bắc, một người ở miền Trung đều xa quê vào miền Nam lập nghiệp, thân cô thế cô, không có anh em, họ hàng gì. Rất may là bà ngoại tụi nhỏ còn khỏe mạnh, từ khi vợ tôi sinh em bé đầu tiên là vào luôn trong này đỡ đần vợ chồng tôi, nên là tâm lý đông con cho vui. Vợ chồng tôi còn khỏe, còn làm việc nuôi các con được”.
Nhớ lại những ngày đầu mới vào Phú Mỹ, Nhà máy đang trong giai đoạn lắp đặt, công việc bộn bề, anh vừa phải trực theo dõi giám sát, đến khi vận hành thử phải bám sát theo các kỹ sư để tiếp cận vận hành. Mấy năm đầu, anh dồn toàn tâm toàn lực cho công việc, gắn bó với Nhà máy. Mãi đến năm 2011, khi đã 37 tuổi, anh mới lập gia đình. Thép tấm lá Phú Mỹ - VNSTEEL đã cho anh cơ hội làm việc và phát huy hết khả năng của mình, nhờ đó có thu nhập ổn định và đó cũng là lý do để anh gắn bó trung thành với Công ty trong suốt những năm qua.
Tới hiện tại, sau gần 20 năm cống hiến, anh đang là nhân viên Phòng Kỹ thuật, chịu trách nhiệm quản lý thiết bị khu vực PPPL, ARP, WTP, boiler. Công việc của anh là theo dõi kiểm tra thiết bị; Lập kế hoạch bảo trì thiết bị thuộc các khu vực phân công, trực tiếp theo dõi, kiểm tra giám sát công tác bảo trì, sửa chữa thiết bị, theo dõi đề xuất vật tư phụ tùng dự phòng, kiểm soát sử dụng tối ưu vật tư phụ tùng cho từng thiết bị, thực hiện phân tích nguyên nhân sự cố, tìm biện pháp khắc phục. Anh Phượng còn có nhiệm vụ theo dõi cập nhật lý lịch máy, thống kê báo cáo các sự cố, tình hình thiết bị khu vực phụ trách cho cấp trên. Soạn thảo tài liệu hướng dẫn tháo lắp, vận hành, sửa chữa, các quy trình, quy định. Không chỉ thế, anh còn tham gia xử lý các sự cố về máy móc thiết bị trong phạm vi phân công, phối hợp, hỗ trợ các đơn vị liên quan trong công tác sửa chữa thay thế các thiết bị, thiết kế mới, cải tiến thiết bị phù hợp nhu cầu sản xuất, thiết kế mới và vẽ lại các bản vẽ khi có nhu cầu… Công việc của anh Phượng được ví như một “ma ma tổng quản” vậy!
Là một người xuất thân từ nhân viên vận hành, lại có thâm niên công tác khá lâu, Phượng hiểu rất rõ những khó khăn tại từng vị trí vận hành. Trong công việc, anh luôn suy nghĩ xem làm thế nào để người vận hành được dễ dàng và an toàn hơn. Vì thế, anh luôn là người đưa những ý tưởng sáng tạo để hợp lý hóa sản xuất. Những ý tưởng của anh luôn được Phòng Kỹ thuật xem xét để phát triển thành các sáng kiến hiệu quả.
Phú Mỹ là quê hương
Năm 2006, Phạm Văn Phượng theo học liên thông lên đại học để có thể đọc các bản vẽ tốt hơn, phục vụ cho công việc. Đều như vắt chanh, hầu như mỗi năm anh đều có 1-2 sáng kiến được công nhận, đem lại giá trị làm lợi không hề nhỏ. Chia sẻ về Phượng, anh Võ Văn Nguyên – Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: “Lãnh đạo Công ty rất tự hào về Phạm Văn Phượng, bởi mỗi khi giao việc gì cho anh là tin tưởng anh sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các sáng kiến cải tiến của anh đều đem lại giá trị kinh tế cao, làm lợi cho Công ty rất nhiều”.
Trong số danh sách sáng kiến cải tiến dài dằng dặc của Phạm Văn Phượng, sáng kiến mà theo anh là hóc búa nhất chính là Thiết kế, chế tạo dụng cụ tháo thrust block work roll (cassette)”. Thrust bolck là một khối gồm vỏ và vòng bi gắn lên đầu trục không có không gian, không có điểm tỳ để dùng các dụng cụ thông thường, nên khi tháo ra thường thiết bị hỏng luôn, rất tốn kém chi phí. Yêu cầu đặt ra là làm thế nào để tháo chi tiết ra khỏi ngõng trục mà không bị hỏng, muốn vậy cần phải có dụng cụ cải tiến phù hợp đảm bảo cứng vững, chất liệu đúng, sử dụng lâu dài.
Năm 2020, khi được Công ty giao nhiệm vụ nghiên cứu, anh Phượng khá lo lắng, bởi đây là một cụm chi tiết khó. Anh phải mày mò tìm hiểu nguyên lý hoạt động theo tài liệu nước ngoài, rồi tự thiết kế, vẽ lại theo thiết bị. Khi có bản vẽ, anh cùng anh em trong Phòng Kỹ thuật lại trao đổi thảo luận rất kỹ rồi mới đem ra ngoài đặt hàng chế tạo. Bởi yêu cầu là lắp phải được luôn, không có thời gian thay đổi nhiều, nên khi chắc chắn mới tiến hành. Cho đến khi mọi việc hoàn thành, không xảy ra sự cố, anh em mới thở phào nhẹ nhõm. Từ khi có dụng cụ này, việc tháo lắp thrust bolck đã trở nên dễ dàng, quan trọng là bảo toàn được cụm chi tiết, tiết kiệm được chi phí mua sắm trang thiết bị. Đây là một trong những sáng kiến của Phạm Văn Phượng đã được Hội đồng thi đua sáng kiến cải tiến Công ty đánh giá rất cao.
Khi được hỏi, bạn bè anh, những người ở thế hệ đầu khi Nhà máy mới thành lập đều đã chuyển công tác, anh cũng là người có tay nghề cao vì sao lại chọn gắn bó với Thép tấm lá Phú Mỹ - VNSTEEL lâu như vậy, anh chỉ cười hiền: “Ở Công ty, mọi người cho mình cảm giác được sống trong một đại gia đình. Ở đó mọi người chia sẻ và quan tâm đến nhau một cách chân thành. Cảnh sống xa quê, mình chỉ cần một nơi ổn định để nuôi gia đình, chứ không tham vọng thay đổi quá nhiều. Vì vậy, mình sẽ tiếp tục làm việc ở đây cho đến khi về hưu thôi”.
Và ở Thép tấm lá Phú Mỹ - VNSTEEL, có rất nhiều người lao động như thế, “dành cả thanh xuân” cho Phú Mỹ và rồi “an cư lạc nghiệp” tại nơi này, biến vùng đất nơi mình làm việc trở thành quê hương thứ hai, với một công việc ổn định và một gia đình đong đầy hạnh phúc.