Gạo ngon tất nấu cơm ngon
Mặc dù có lợi thế là đã đảm nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc giai đoạn trước đó, nhưng ông Nguyễn Tấn Hoành khi nhận nhiệm vụ làm người cầm lái của “con tàu” Tấm lá Phú Mỹ - VNSTEEL vẫn có những sức ép tâm lý không hề nhỏ. Tuy nhiên, vì xuất thân là “dân” kỹ thuật lại gắn bó nhiều năm với đơn vị nên ông Hoành nhìn nhận rất rõ những ưu việt về công nghệ mà Tấm lá Phú Mỹ- VNSTEEL đang sở hữu, cùng với sự nhanh nhẹn, quyết đoán và phương pháp quản trị đơn giản mà hiệu quả, tân Tổng giám đốc của Tấm lá Phú Mỹ đã có những trải nghiệm đặc biệt trong hơn 720 ngày cầm lái qua.
Tổng giám đốc Hoành quan niệm “sản xuất thép cũng không khác gì sản xuất lúa gạo, gạo ngon thì cơm ngon”. Với tư duy của người cán bộ kỹ thuật, chất lượng sản phẩm là thứ đầu tiên mà ông nhắm tới. Theo quy luật, đầu vào mà chất lượng thì đầu ra sẽ chất lượng. Tấm lá Phú Mỹ không nằm ngoài mẫu số chung đó. Trước đây, Phú Mỹ gặp phải ba vấn đề, đó là sản lượng - không bao giờ đạt 50- 60% công suất thiết kế. Thứ hai, không có thị trường. Thứ ba là chất lượng – không đạt. Thế nhưng chất lượng không đạt mà lại bán giá rất cao. Nghe tưởng như nghịch lý nhưng thực tế đã diễn ra như vậy ở Phú Mỹ trong thời gian dài.
Mặc dù vậy, Phú Mỹ có rất nhiều thuận lợi. Thứ nhất, được sự hỗ trợ tuyệt đối từ Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP về tài chính để ký hợp đồng dài hạn và ổn định lượng nguyên liệu HRC từ Nhà máy FHS Hà Tĩnh.
Thứ hai, cùng là thành viên dưới ngôi nhà Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP, Công ty TNHH MTV Thép Tấm lá Phú Mỹ - VNSTEEL rất trân trọng sự liên kết trong hệ trong thống với hai đơn vị anh em là Tôn Phương Nam và Tôn mạ Thăng Long. Đây chính là hai khách hàng chính hỗ trợ mua hàng của Tấm lá Phú Mỹ trong nhiều năm qua với sản lượng tiêu thụ luôn ổn định từ 40-50% tổng sản lượng của Phú Mỹ mỗi tháng.
Thứ ba, nhà máy nằm tại cảng, vị trí đất đai rất tốt.
Thứ tư, máy móc thiết bị rất hiện đại.
Rất trân trọng tài nguyên của Tấm lá Phú Mỹ, khi nhận nhiệm vụ là Tổng giám đốc Hoành quyết định đặt cược với những nung nấu của mình bấy lâu nay.
Ông đã làm thế nào?
Trước tiên, ông bắt tay vào việc đi khảo sát thị trường xem vì sao khách hàng lại không mua của Tấm lá Phú Mỹ? Và ông bắt đầu từ đối tác khó tính nhất là BlusCope Steel. Tại đây, tân lãnh đạo của Tấm lá Phú Mỹ đã có thông tin: Mười mấy năm trước Phú Mỹ là đỉnh, họ vẫn sử dụng đều. Nhưng sau đó, vì chất lượng không đảm bảo theo đúng cam kết, khi phản hồi lại không nhận được hồi âm tích cực, nên họ đưa Phú Mỹ vào danh sách đen, không chọn làm đối tác nữa.
Với vai trò là người cầm lái mới, Tổng giám đốc Nguyễn Tấn Hoành đề nghị cho Tấm lá Phú Mỹ một cơ hội bằng cách: lập tức thu hồi tất cả các hàng cũ không đạt chất lượng, sau đó cung cấp mặt hàng mới đảm bảo chất lượng và kèm theo là những cam kết mới. Từ đó, khách hàng này đã thay đổi, tháng nào cũng lấy của Phú Mỹ từ 2.000 đến 5.000 tấn thép cán nguội.
Về giá cả, Phú Mỹ luôn có giá bán cao hơn các đơn vị khác nhiều. Nhìn thấy vấn đề này đã lâu, ông Hoành tìm cách hạ giá thành để làm sao tiệm cận với các đối tác khác. Muốn hạ giá thành thì phải áp dụng các giải pháp kỹ thuật như chuẩn hóa đầu vào, nâng cao chất lượng sản phẩm của mình bằng các giải pháp công nghệ, một mặt, tiết giảm chi phí sản xuất bằng cách tối ưu hóa mọi mặt trong quản lý, đặc biệt là học hỏi các đối tác nước ngoài. Ngoài ra, muốn giá thành được thị trường chấp nhận thì phải tăng sản lượng, ít nhất phải đạt 75- 80% công suất, muốn tăng sản lượng phải mở rộng thị trường, mà muốn mở rộng thị trường thì phải chuẩn chất lượng và giá cả hợp lý. Bài toán giá thành tưởng như lòng vòng mà lại cực kỳ biện chứng.
Mở rộng thị trường bằng chất lượng và uy tín
Nếu như trong sản xuất, chất lượng đã đưa lên hàng đầu thì trong kinh doanh, với đối tác, Tổng giám đốc Nguyễn Tấn Hoành tạo dựng một phong cách làm việc uy tín, không nói hai lời.
Ông chia sẻ: “Cam kết có thể chỉ cần qua điện thoại, bất kể ngày mai giá có lên hay xuống thế nào thì vẫn không thay đổi gì, trường hợp gặp khó khăn có thể nói khách hàng chia sẻ, nhưng đã hứa là phải thực hiện bằng mọi giá”. Dần dà, những “hạt giống uy tín” mà ông gieo vào lòng các khách hàng đã bén rễ, nảy mầm và lên cây. Họ đã vui vẻ, nhiệt tình tìm đến Phú Mỹ. Mối quan hệ thủy chung như một đó cũng không dễ kiếm trong thời buổi mà chỉ cần qua một đêm là lợi nhuận giữa các sự chênh lệch quá lớn khiến hoàn toàn có thể khiến người ta không thể cầm lòng. Ông Hoành chọn cho mình cách kinh doanh này vì ông coi khách hàng là cùng chung lợi ích, cùng chung mục tiêu – đó cũng chính là nền móng của sự phát triển bền vững mà người “cầm lái” của Tấm lá Phú Mỹ đang nhắm tới cho “con tầu” của mình.
Rồi Phú Mỹ nhắm tới việc mở rộng thị trường nước ngoài, bởi quan niệm của ông Hoành là phải làm với đối tác nước ngoài thì nước ngoài mới biết mình là ai, phải tăng cường giao tiếp quốc tế, nói bằng giọng nói của hội nhập. Ông rất thường xuyên gọi điện thoại trực tiếp cho khách hàng nước ngoài để thương thuyết một cách thẳng thắn kiểu “Giá nào thì ông mua được, đừng để tôi trả giá qua giá lại mất thời gian, về chất lượng tôi luôn đảm bảo”. Năm 2021 Phú Mỹ túc tắc xuất khẩu, rồi gia công cho các nhà xuất khẩu rất nhiều.
Mặc dù dịch covid- 19, ai cũng khó khăn nhưng công nhân Tấm lá Phú Mỹ vẫn có việc làm, làm gia công cho Hoa Sen, cho các đơn vị khác, vượt công suất thiết kế 30%, công suất thiết kế ví dụ cán là 33.000 nhưng Phú Mỹ cán 39.500 tấn. Phú Mỹ đã có đủ đơn hàng sản xuất đến hết tháng 11 nên mùa dịch này cũng chính là mùa cả nhà máy công xưởng của Phú Mỹ vẫn ào ào thi đua sản xuất.
Từ năm 2020 trở đi, ngoài hai đơn vị “người nhà”, Phú Mỹ còn mở rộng cửa đón thêm các khách hàng khác đảm bảo yếu tố cạnh tranh đáp ứng yêu cầu của khách hàng trên tinh thần cùng nhau phát triển bền vững.
Sau 2 năm, bức tranh tài chính của Tấm lá Phú Mỹ đã hoàn toàn đổi mầu: năm 2020 lợi nhuận đạt 80 tỷ đồng; 9 tháng đầu năm 2021 dự kiến sản lượng tăng 30% so với cùng kỳ năm 2020 và lợi nhuận khoảng 122 tỷ đồng. Mục tiêu của năm 2021 là xóa lỗ và có lợi nhuận để lại khoảng 10 tỷ.
Đã qua hơn 720 ngày chèo lái, những con số “biết nói” đó đã cho thấy trình độ, năng lực, bản lĩnh của một người cầm lái. Nhắc đến Tấm lá Phú Mỹ bây giờ người ta đã thay đổi những suy nghĩ mặc định về một “điểm đen” của VNSTEEL, đồng thời, cũng bớt đi những nghi ngờ về sự ăn may, hên- sui. Ngược lại là những mong đợi về sự phát triển bền vững, về cái tâm và cái tầm của người lãnh đạo có năng lực, đầy quyết tâm và trách nhiệm, về một Tấm lá Phú Mỹ thực sự giầu và đẹp hơn lên mỗi ngày đúng như tên gọi của nó.