Tôi còn nhớ vào năm 2015, lần đầu tiên tiếp xúc với một nguyên lãnh đạo một Công ty sản xuất phân bón dầu khí. Nghe anh nói chuyện miên man từ sản xuất đến đưa phân đạm về tay người nông dân mà nhiều người như nghe chuyện trên mây. Quả thực, sống và lớn lên ở một đất nước có nền “văn minh lúa nước” nhưng hầu hết những người sinh ra và lớn lên ở các thành phố lớn khó mà thấu được tầm quan trọng của một nguồn phân bón chất lượng cao, ổn định. Đặc biệt là nỗi đau của những người nông dân bị mất mùa, mất đi bao công sức cả một năm “giãi nắng dầm mưa” chỉ vì phân bón giả.
Những năm gần đây, ngành sản xuất phân bón của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Từ chỗ phải nhập gần 60%, Việt Nam đã chủ động được nguồn cung urê, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, phát triển được những loại phân bón mới như DAP, kali. Các doanh nghiệp Việt đã đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao hàm lượng dinh dưỡng, chất lượng sản phẩm phân lân và phân NPK.
Các nhà máy sản xuất phân bón trong nước hiện có thể đáp ứng đủ nhu cầu phân urê, phân lân, phân NPK và hướng tới xuất khẩu một số sản phẩm. Hiện, nhu cầu tiêu thụ phân bón vô cơ trong cả nước vào khoảng 90% tổng nhu cầu tiêu thụ. Nhu cầu tiêu thụ phân hữu cơ và một số chủng loại khác chỉ vào khoảng 10%.
Nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước hiện vào khoảng 11 triệu tấn trong đó, phân vô cơ chiếm khoảng 90%. Theo các năm, nhu cầu tiêu thụ cũng có sự dao động đang kể ở mức 1,4 triệu tấn lân, 2,3 triệu tấn urê, gần 4 triệu tấn NPK. Các loại phân còn lại như DAP, kali, SA dao động ở mức 850-950 tấn.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện đang là cổ đông sáng lập và sở hữu hai Nhà máy sản xuất phân đạm lớn nhất nước ta gồm Nhà máy Đạm Phú Mỹ - Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí (PVFCCo sản xuất từ năm 2004) và Nhà máy Đạm Cà Mau - Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC sản xuất năm 2012). Hai nhà máy đều được đặt ở Nam Bộ nhưng một nhà máy đặt ở miền Đông (PVFCCo – Bà rịa Vũng Tàu) còn một nhà máy đặt ở miền Tây (Cà Mau). Trong những năm qua, cả hai nhà máy đều vận hành ổn định với Tổng công suất của cả hai nhà máy vào khoảng 1,6 triệu tấn phân đạm (Ure)/năm, đảm bảo cung cấp từ 70% - 100% nhu cầu phân đạm của cả nước.
Ở đây cần phải nói thêm rằng, hai nhà máy sản xuất phân bón hóa học nói trên thuộc lĩnh vực Chế biến Dầu khí. Đây là một trong 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, là một mắt xích quan trọng tạo nên chuỗi giá trị gia tăng hoàn chỉnh của ngành dầu khí Việt Nam từ khâu Tìm kiếm thăm dò, Khai thác - Khí - Điện - Chế biến - Phân phối sản phẩm và Dịch vụ dầu khí.
Nếu nói Thăm dò khai thác là nền tảng thì ngành chế biến dầu khí là “đỉnh” của chuỗi giá trị dầu khí. Chế biến dầu khí sẽ cung cấp các sản phẩm thiết yếu, giá trị cao cho nền kinh tế đất nước như xăng dầu, hóa chất, nhựa, xơ sợi… Đặc biệt, công nghệ chế biến dầu khí đã góp phần sản xuất ra hàng triệu tấn phân đạm, urê chất lượng cao đảm bảo hỗ trợ người nông dân có được những vụ mùa bội thu.
Hàng năm, lĩnh vực chế biến dầu khí đóng góp khoảng 20%-25% tổng doanh thu của toàn Tập đoàn, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia, góp phần bình ổn thị trường trong nước và thúc đẩy sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thực hiện chiến lược phát triển Ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025, trong những năm vừa qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tập trung đầu tư xây dựng và phát triển lĩnh vực Chế biến Dầu khí đã hình thành ngành công nghiệp mũi nhọn của ngành dầu khí cũng như của đất nước.
Có thể nói rằng, với sự phát triển ổn định và bền vững của lĩnh vực chế biến dầu khí nói chung và sản xuất phân bón dầu khí nói riêng không chỉ góp phần hỗ trợ bà con nông dân cả nước có một nguồn phân bón ổn định, chất lượng cao mà thực sự góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, để đời sống hàng chục triệu người nông dân Việt Nam ngày càng giàu có hơn.