TÓM TẮT:
Bài viết này tập trung phân tích những quy định pháp luật về xử lý nước thải trong các khu công nghiệp. Đồng thời, bài viết cũng đánh giá quá trình thực thi những quy định pháp luật này trong thực tiễn. Thông qua những phân tích đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về xử lý nước thải trong khu công nghiệp và nâng cao hiệu quả thực thi.
Từ khóa: Nước thải trong khu công nghiệp, xử lý nước thải, khu công nghiệp
1. Đặt vấn đề
Phát triển khu công nghiệp là một tất yếu khách quan trong bối cảnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung xử lý chất thải, tạo việc làm,… Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong trong khu công nghiệp hàng ngày xả thải một lượng nước thải rất lớn. Nếu nước thải trong khu công nghiệp không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vì vậy, việc nghiên cứu pháp luật trong lĩnh vực này và quá trình thực thi là cần thiết.
2. Nội dung
2.1. Khái niệm pháp luật về xử lý nước thải trong khu công nghiệp
Vấn đề xử lý nước thải trong khu công nghiệp được thực hiện từ khâu giải phóng mặt bằng đến khi khu công nghiệp đi vào hoạt động. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ nghiên cứu pháp luật về xử lý nước thải trong quá trình khu công nghiệp hoạt động.
Trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa có quy định chính thức khái niệm xử lý nước thải hay xử lý nước thải trong khu công nghiệp. Vì vậy, để tìm hiểu khái niệm xử lý nước thải trong khu công nghiệp, chúng ta xuất phát từ khái niệm xử lý chất thải nói chung. Theo quy định Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/04/2015 về quản lý chất thải và phế liệu: “Xử lý chất thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật (khác với sơ chế) để làm giảm, loại bỏ, cô lập, cách ly, thiêu đốt, tiêu hủy, chôn lấp chất thải và các yếu tố có hại trong chất thải”[1]. Theo định nghĩa này, chúng ta thấy rằng xử lý chất thải là một quá trình loại bỏ những chất độc hại ra khỏi chất thải đảm bảo khi chất thải được đưa ra môi trường không gây ô nhiễm môi trường. Những giới hạn của các thông số kỹ thuật giúp cho cơ quan quản lý nhà nước xác định được chất thải đã được xử lý phù hợp hay chưa được gọi là quy chuẩn kỹ thuật môi trường[2].
Chất thải có ba dạng tồn tại cơ bản là: rác thải, khí thải và nước thải. Tuy nhiên, sự phân chia này cũng chỉ mang tính chất tương đối. Bởi vì, thực tế nhiều khi rác thải có thể bị lẫn trong nước thải. Trong khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh thường sẽ thải ra một lượng chất thải tương đối lớn. Nếu như lượng nước thải này không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Pháp luật là công cụ quan trọng nhất để nhà nước quản lý vấn đề xử lý nước thải trong khu công nghiệp. Pháp luật về xử lý nước thải trong khu công nghiệp là tổng hợp các quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm loại bỏ những chất độc hại trong nước thải tại các khu công nghiệp đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
2.2. Thực trạng pháp luật về xử lý nước thải trong khu công nghiệp và thực tiễn thi hành tại Việt Nam
Vấn đề xử lý nước thải trong khu công nghiệp tuân thủ theo các quy định trong các văn bản chủ yếu sau: Văn bản hợp nhất Luật Bảo vệ môi trường số 13/VBHN-VPQH ngày 04/07/2019, Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/06/2015 về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/04/2015 về quản lý chất thải và phế liệu, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/05/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Trách nhiệm xử lý nước thải trong khu công nghiệp thuộc về các chủ thể sau:
Thứ nhất, trách nhiệm của chủ nguồn nước thải.
Chủ nguồn nước thải trong khu công nghiệp chủ yếu là các doanh nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình hoạt động, cơ sở sản xuất của các chủ thể này thải ra môi trường một lượng nước thải nhất định. Theo nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật trước đây, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp có thể tự mình xây dựng nhà máy xử lý nước thải hoặc ký hợp đồng xử lý nước thải với chủ cơ sở kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp[3]. Tuy nhiên, “từ ngày 01 tháng 01 năm 2020, các dự án đầu tư thứ cấp mới trong các khu công nghiệp phải đấu nối vào hệ thống xử lý tập trung của khu công nghiệp”[4]. Với những quy định này, hiện nay, trong các khu công nghiệp ở nước ta, vấn đề xử lý nước thải có ba trường hợp như sau:
- Trường hợp 1: Nhóm những cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhà máy xử lý nước thải riêng và tự xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật;
- Trường hợp 2: Nhóm những cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhà máy xử lý nước thải riêng nhưng chỉ xử lý nước thải ban đầu và vẫn đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung;
- Trường hợp 3: Nhóm những cơ sở sản xuất, kinh doanh ký hợp đồng và đấu nối và hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Quy định trong Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/05/2019 về yêu cầu khu công nghiệp phải có nhà máy xử lý nước thải tập trung phù hợp với công suất hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam hiện nay. Điều đó giúp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền dễ dàng hơn trong quản lý nước thải do hạn chế được tình trạng phải kiểm tra nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, pháp luật chưa có quy định rõ ràng về trường hợp doanh nghiệp đang có nhà máy xử lý nước thải nhưng có thể đến một thời điểm nào đó nhà máy xử lý nước thải bị hư hỏng, xuống cấp và không đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải nữa thì sẽ phải xây dựng nhà máy xử lý nước thải mới hay phải ký hợp đồng và đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ngoài ra, những quy định pháp luật chưa xác định trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khi tăng quy mô sản xuất, kinh doanh phải tăng công suất của nhà máy xử lý nước thải.
Chủ nguồn nước thải trong khu công nghiệp phải xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, còn một số khu công nghiệp mà chủ nguồn thải xử lý nước thải chưa đạt yêu cầu hoặc thậm chí không xử lý đã xả thẳng ra môi trường. Những hành vi đó đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng[5]. Pháp luật cũng quy định về trường hợp hệ thống thu gom nước mưa phải tách riêng với hệ thống thu gom nước thải[6]. Tuy nhiên, không phải cơ sở sản xuất, kinh doanh nào trong khu công nghiệp cũng thực hiện nghiêm chỉnh quy định này. Có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn lợi dụng trời mưa để xả thải ra môi trường. Có nghĩa là các chủ thể này cho nước thải hòa lẫn vào nước mưa để chảy ra môi trường mà chưa qua xử lý[7].
Thứ hai, trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp phải xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Theo đó: “từ ngày 01 tháng 01 năm 2020, việc tiếp nhận dự án đầu tư mới vào khu công nghiệp phải phù hợp với khả năng tiếp nhận, xử lý nước thải của hệ thống xử lý nước thải tập trung”. Tức là, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp phải xây dựng nhà máy xử lý nước thải đảm bảo xử lý được hết nước thải trong khu công nghiệp đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Tại nhiều địa phương các khu công nghiệp đã hoàn thiện nhà máy xử lý nước thải tập trung. Ví dụ điển hình là theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các khu công nghiệp trên địa bàn của thành phố đã đi vào hoạt động đều có nhà máy xử lý nước thải[8].
Để đảm bảo chất lượng hoạt động xử lý nước thải, pháp luật quy định chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp phải có bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường với số lượng tối thiểu 3 người và phải có trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành về quản lý môi trường; khoa học, công nghệ, kỹ thuật môi trường; hóa học; sinh học và có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực môi trường. Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phải có công trình bảo vệ môi trường và phải vận hành thường xuyên, liên tục, bảo đảm diện tích cây xanh trong khu công nghiệp theo quy định[9].
Thứ ba, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong xử lý nước thải khu công nghiệp.
Có nhiều cơ quan tham gia quản lý vấn đề xử lý nước thải trong khu công nghiệp. Cơ quan quản lý ở trung ương như Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường,… Cơ quan quản lý ở địa phương như Ủy ban nhân dân các cấp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường… Các cơ quan này trong phạm vi quyền hạn theo quy định của pháp luật thực hiện nhiệm vụ quản lý vấn đề xử lý nước thải trong khu công nghiệp. Trong quá trình quản lý, các cơ quan này cần có sự phối hợp, hợp tác để đạt hiệu quả tốt nhất.
Trong số những cơ quan quản lý nhà nước về xử lý nước thải trong khu công nghiệp, Ban quản lý khu công nghiệp là cơ quan rất đặc thù. Cơ quan này thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp trong khu công nghiệp. Tác giả cho rằng, Ban quản lý khu công nghiệp có điều kiện để phát hiện sớm những hành vi vi phạm pháp luật về xử lý nước thải trong khu công nghiệp. Vì thế, trong thời gian tới, chúng ta cần quan tâm tới giải pháp nâng cao vai trò của cơ quan này.
2.3. Giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về xử lý nước thải trong khu công nghiệp và nâng cao hiệu quả thi hành
Trên cơ sở những phân tích về thực trạng pháp luật xử lý nước thải trong khu công nghiệp, tác giả xin đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật lĩnh vực này và nâng cao hiệu quả thực thi. Cụ thể:
Thứ nhất, hoàn thiện một số quy định của pháp luật về xử lý nước thải trong khu công nghiệp
- Pháp luật cần quy định rõ: (1) Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh bắt đầu vào doanh nghiệp để thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh từ 1/1/2020 thì bắt buộc phải ký hợp đồng với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng và đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung;
(2) Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh đã hoạt động trong khu công nghiệp nghiệp trước 1/1/2020 thì: - Nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh đã đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung thì tiếp tục thực hiện như cũ; - Nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhà máy xử lý nước thải riêng và đáp ứng yêu cầu thì tiếp tục tự xử lý nước thải ; - Nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung mà nhà máy xử lý nước thải riêng của họ không đáp ứng yêu cầu xử lý nước thải nữa thì phải ký hợp đồng với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng và đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung.
- Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng quy mô hoạt động thì phải tăng công suất của nhà máy xử lý nước thải hoặc phải ký hợp đồng với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng và đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Việc ký hợp đồng với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp có thể để xử lý toàn bộ nước thải, hoặc để xử lý phần nước thải mà cơ sở sản xuất, kinh doanh không xử lý hết được.
- Đối với trường hợp các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp có nhà máy xử lý nước thải riêng nhưng không có cán bộ có trình độ chuyên môn thì phải ký hợp đồng thuê cán bộ có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực này hướng dẫn việc vận hành nhà máy xử lý nước thải.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả thực thi các quy định của pháp luật về xử lý nước thải khu công nghiệp.
- Nâng cao vai trò của Ban quản lý khu công nghiệp trong quản lý vấn đề xử lý nước thải khu công nghiệp. Theo đó, cần giao thêm quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp trong quản lý vấn đề bảo vệ môi trường khu công nghiệp nói chung, trong xử lý nước thải khu công nghiệp nói riêng. Ban quản lý khu công nghiệp sẽ có quyền, trách nhiệm phát hiện những hành vi vi phạm về xử lý nước thải và kịp thời lập biên bản. Sau đó, Ban quản lý khu công nghiệp sẽ báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tiến hành xử lý những chủ thể vi phạm.
- Tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp về quyền và trách nhiệm xử lý nước thải của họ. Nội dung chủ yếu của việc tuyên truyền là quy định của pháp luật về xử lý nước thải khu công nghiệp. Nhấn mạnh về chế tài xử phạt nếu các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về xử lý nước thải trong khu công nghiệp. Hình thức tuyên truyền, giáo dục gồm: đăng trên bảng tin của khu công nghiệp, đài phát thanh, website, băng rôn, khẩu hiệu,… Việc tuyên truyền, giáo dục có tác dụng tác động vào nhận thức của con người dần dần dẫn đến thay đổi hành vi. Biện pháp này không có tác dụng ngay lập tức nhưng người ta vẫn sử dụng vì chi phí của nó tương đối rẻ.
- Thanh tra, kiểm tra vấn đề thực thi các quy định pháp luật về xử lý nước thải khu công nghiệp. Đây là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hoạt động này phải được thực hiện thường xuyên bao gồm cả thanh tra, kiểm tra có báo trước và thanh tra, kiểm tra đột xuất. Hoạt động thanh tra, kiểm tra có tác dụng giúp cho các chủ thể thực thi nghiêm chỉnh hơn quyền và trách nhiệm trong xử lý nước thải tại các khu công nghiệp.
- Đối với vấn đề lắp đặt hệ thống quan trắc tự động tại các khu công nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải nghiêm khắc. Những khu công nghiệp đến nay chưa có hệ thống quan trắc tự động cần phải triển khai lắp đặt luôn. Còn đối với khu công nghiệp chưa hoạt động thì cơ quan nhà nước kiên quyết không phê duyệt.
3. Kết luận
Bài viết trên đây đã phân tích những quy định pháp luật về xử lý nước thải trong khu công nghiệp; chỉ ra những ưu điểm, tồn tại của pháp luật trong lĩnh vực này. Đồng thời, bài viết cũng đánh giá quá trình thi hành pháp luật về xử lý nước thải trong khu công nghiệp. Trên cơ sở những phân tích đó, tác giả đã đề xuất những giải pháp hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này và nâng cao hiệu quả thực thi trong thực tiễn.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Khoản 16 Điều 3 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/04/2015 về quản lý chất thải và phế liệu.
[2] Khoản 5 Điều 3 Văn bản hợp nhất Luật Bảo vệ môi trường số 13/VBHN-VPQH ngày 04/07/2019.
[3] Điều 9 Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/06/2015 về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
[4] Mục 19 Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/05/2019.
[5] Đắc Mạnh (2011), Nước thải từ khu công nghiệp lại gây ô nhiễm môi trường, Website: www.baodanang.vn, cập nhật: Thứ Tư, 22/06/2011, 16:10 [GMT+7], https://www.baodanang.vn/channel/5403/201106/nuoc-thai-tu-khu-cong-nghiep-lai-gay-o-nhiem-moi-truong-2057550/
[6] Điều 37 Luật Tài nguyên nước năm 2012.
[7] Vân Nhi (2019), Tại khu công nghiệp Di Trạch, huyện Hoài Đức: Nhiều doanh nghiệp xả thải chưa xử lý ra môi trường, Website: kinhtedothi.vn, cập nhật: 08-04-2019 09:30, http://kinhtedothi.vn/tai-khu-cong-nghiep-di-trach-huyen-hoai-duc-nhieu-doanh-nghiep-xa-thai-chua-xu-ly-ra-moi-truong-340330.html
[8] UBND Thành phố Hà Nội (2018), Báo cáo tình hình phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp; tình hình phát triển hạ tầng xã hội khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, tháng 5/2018.
[9] Điều 15 Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/06/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Chính phủ (2015), Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/04/2015 về quản lý chất thải và phế liệu.
- Văn phòng Quốc hội (2019), Văn bản hợp nhất Luật Bảo vệ môi trường số 13/VBHN-VPQH ngày 04/07/2019.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (2015), Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/06/2015 về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
- Chính phủ (2019), Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/05/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.
5. Đắc Mạnh (2011), Nước thải từ khu công nghiệp lại gây ô nhiễm môi trường, Website: www.baodanang.vn, cập nhật: Thứ Tư, ngayg 22/06/2011, 16:10[GMT+7], <https://www.baodanang.vn/channel/5403/201106/nuoc-thai-tu-khu-cong-nghiep-lai-gay-o-nhiem-moi-truong-2057550/>
- Quốc hội (2012), Luật Tài nguyên nước.
- Vân Nhi (2019), Tại khu công nghiệp Di Trạch, huyện Hoài Đức: Nhiều doanh nghiệp xả thải chưa xử lý ra môi trường, Website: kinhtedothi.vn, cập nhật: 08-04-2019 09:30, <http://kinhtedothi.vn/tai-khu-cong-nghiep-di-trach-huyen-hoai-duc-nhieu-doanh-nghiep-xa-thai-chua-xu-ly-ra-moi-truong-340330.html>
- UBND Thành phố Hà Nội (2018), Báo cáo tình hình phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp; tình hình phát triển hạ tầng xã hội khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, tháng 5/2018.
LAWS ON THE TREATEMENT OF WASTEWATER IN INDUSTRIAL ZONES
TA VAN KHOI
Academy of Politics Region II
ABSTRACT:
This paper analyzes laws on the treatement of wastewater in industrial zones. The paper also evaluates the enforcement of these laws in practice. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to improve the efficiency of laws on the treatement of wastewater in industrial zones.
Keywords: Wastewater in industrial zones, wastewater treatment, industrial zones.