Mục tiêu “phi carbon”
Để đáp ứng “tình trạng khẩn cấp về sinh thái và khí hậu”, dự luật đặt ra mục tiêu “phi carbon” vào năm 2050, được hiểu là sự cân bằng trên lãnh thổ Pháp giữa lượng phát thải do con người tạo ra từ các nguồn và lượng CO2 con người xử lý bằng các “bể khí nhà kính”. Theo các chuyên gia, tham vọng này có thể đạt được nếu lượng khí thải nhà kính giảm 6 lần so với mức của năm 1990.
Trong dự luật, mục tiêu chính sách năng lượng là giảm 40% mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch của Pháp vào năm 2030 so với mức của năm 2012 (so với mục tiêu 30% trước đó) và hoãn lại việc giảm 50% tỷ lệ năng lượng hạt nhân trong sản xuất điện từ năm 2025 đến năm 2035 (so với mục tiêu giảm 71,7% đặt ra vào năm 2018).
Chính phủ Pháp cũng cam kết đóng cửa các nhà máy điện than còn lại cuối cùng ở Pháp vào năm 2022 (điện than chiếm 1,1% sản lượng điện ở Pháp trong năm 2018). Để làm điều đó, tuổi thọ của các nhà máy sản xuất điện than sẽ bị hạn chế tối đa, làm giảm lợi nhuận và dẫn đến việc đóng cửa nhà máy. Quy định về tuổi thọ mới sẽ áp dụng kể từ ngày 1-1-2022 đối với các cơ sở sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch trên lãnh thổ Pháp và đối với những cơ sở thải ra hơn 0,55 tấn carbon dioxide trên mỗi megawatt điện, dự luật chỉ rõ.
Trước ngày 1-7-2023 và sau đó cứ 5 năm một lần, một luật mới sẽ xác định các mục tiêu và thiết lập ưu tiên cho hành động của chính sách năng lượng quốc gia để đáp ứng tình trạng khẩn cấp về sinh thái và khí hậu.
Dự luật năng lượng và khí hậu cũng bao gồm các biện pháp chống lại tình trạng “sàng nhiệt” (những tòa nhà có mức tiêu thụ năng lượng cực cao, rơi vào hạng F và G trong bảng xếp hạng), việc cải tạo các tòa nhà là thách thức lớn trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu, theo Bộ Năng lượng Pháp.
Từ năm 2021, chủ sở hữu những tòa nhà tiêu thụ năng lượng cao sẽ không thể tự do tăng tiền cho thuê căn hộ nếu không tiến hành cải tạo. Các biện pháp hạn chế hơn được lên kế hoạch trong dài hạn: Tất cả các chủ sở hữu của những tòa nhà loại này sẽ phải đạt được vào năm 2028 việc cải thiện hiệu suất năng lượng của nhà ở, buộc phải giảm xuống hạng E (với một số ngoại lệ nhất định liên quan đến các hạn chế kỹ thuật, kiến trúc hoặc chi phí không tương xứng với giá trị của tài sản).
Dự luật này cũng duy trì hội đồng cấp cao về khí hậu, hằng năm sẽ phải báo cáo về quá trình thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Các quy định mới cũng được đề ra nhằm chống gian lận với các chứng chỉ tiết kiệm năng lượng (EEC), phát triển hydro carbon thấp, giấy chứng nhận bảo đảm nguồn gốc hoặc cung cấp điện.
Dự luật năng lượng và khí hậu ban đầu được gọi là “luật nhỏ về năng lượng”, đã được tranh cãi qua nhiều tháng. Dự luật là chủ đề của một thỏa thuận giữa Hạ viện và Thượng viện Pháp vào cuối tháng 7-2019 trong ủy ban hỗn hợp.
Thay thế tàu hỏa chạy dầu diesel
Theo Giám đốc Alstom tại Pháp - Jean-Baptiste Eyméoud - cho biết ngày 2-10-2019, Tập đoàn đóng tàu đường sắt Alstom của Pháp muốn nhân rộng các giải pháp để thay thế khoảng 1.200 đầu tàu diesel đang lưu hành ở Pháp. Alstom đang xem xét ba giải pháp để chuyển đổi các đoàn tàu chạy bằng diesel hiện có.
Giải pháp đầu tiên là loại bỏ 2 trong số 4 động cơ diesel để thay thế chúng bằng pin. Điều này sẽ cho phép các đoàn tàu rời khỏi các nhà ga bằng pin, tạo ra ít ô nhiễm không khí và tiếng ồn hơn cho các thành phố khi các đoàn tàu đi qua, trước khi tiếp tục ở chế độ động cơ diesel.
Giải pháp thứ hai - một điều mới lạ tại Alstom - là biến đổi hoàn toàn bộ phận diesel để có các đoàn tàu chạy ở chế độ kép, hoạt động bằng điện lưới hoặc pin, như đã được đề xuất bởi Bombardier và Siemens, đối thủ cạnh tranh chính của Alstom.
Giải pháp cuối cùng, phiên bản tàu hydro do Alstom phát triển sẽ ở chế độ kép, vừa điện vừa hydro (không giống như phiên bản của Đức chạy từ tháng 9-2018 và chỉ chạy bằng hydro).
Công ty đường sắt Pháp SNCF dự định loại bỏ các đoàn tàu chạy động cơ diesel trước năm 2035 và một phần lớn các đoàn tàu hiện tại sẽ bắt đầu được cải tạo để thay đổi chế độ vận hành mà không cần phải kéo điện lưới cho tất cả các tuyến đường.
Chính phủ Pháp cam kết đóng cửa các nhà máy điện than còn lại cuối cùng ở Pháp vào năm 2022. Để làm điều đó, tuổi thọ của các nhà máy sản xuất điện than sẽ bị hạn chế tối đa, làm giảm lợi nhuận và dẫn đến việc đóng cửa nhà máy.