Sáng 12/7, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường đã có buổi làm việc với đại diện chủ thể quyền của Abbott Laboratories (Hoa Kỳ) về các vấn đề liên quan đến hành vi xâm phạm nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm, nhãn hiệu của Abbott tại Việt Nam.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) nhằm nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng cũng như nâng cao nhận thức về hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng, nhất là đối với các thương hiệu, sản phẩm của các doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Phát hiện hơn 700 sản phẩm “mạo danh” nhãn hiệu Abbott
Chia sẻ tại buổi làm việc, bà Vũ Thị Hồng Yến - Luật sư Chủ điều hành - Giám đốc Công ty Luật TNHH Rouse Việt Nam, Người đại diện Sở hữu công nghiệp cho biết, Abbott Laboratories được thành lập tại Hoa Kỳ năm 1888. Với 135 xây dựng và phát triển, Abbott Laboratories là công ty toàn cầu hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Tại Việt Nam, Abbott Laboratories đã có mặt từ năm 1995 và đóng góp trên 280 tỷ VNĐ cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Từ nhiều năm qua, Abbott Việt Nam đã phân phối nhiều nhãn hiệu, sản phẩm nổi tiếng và được người tiêu dùng Việt ưa chuộng. Trong đó phải kể đến các sản phẩm thuộc phân khúc dược phẩm: Bột điện giải (Pedialyte), thuốc giảm đau hạ sốt Brufen, thuốc điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp Klacid... Cùng các sản phẩm tại phân khúc chẩn đoán như: bộ theo dõi đường huyết liên tục (FreeStyle Libre), máy xét nghiệm miễn dịch tự động Architect...
Đặc biệt, trong phân khúc hàng hóa là sản phẩm dinh dưỡng, gần 30 năm qua, Abbott Việt Nam đã sản xuất và phân phối các sản phẩm sữa phục vụ người lớn, trẻ nhỏ như: Pedia sure, Similac, Ensure, Abbott Grow, Glucerna...
“Các sản phẩm của Abbott được đánh giá cao về chất lượng và nhận được sự đón nhận của người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là đối với các sản phẩm sữa”, bà Vũ Thị Hồng Yến thông tin.
Song đại diện chủ thể quyền của Abbott tại Việt Nam cũng tỏ ra lo ngại, từ năm 2018 trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kéo theo tình trạng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh các sản phẩm, thương hiệu xâm phạm nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm của Abbott tại Việt Nam.
“Qua xác minh, khảo sát thực tế tại thị trường trong nước, Abbott Việt Nam đã phát hiện hơn 700 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm của Abbott và khoảng hơn 100 doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh các sản phẩm xâm phạm quyền của Abbott tại Việt Nam”, bà Yến thông tin và cho rằng, các hình thức xâm phạm rất tinh vi, chuyên nghiệp.
“Đến thời điểm hiện nay, Abbott Việt Nam chưa phát hiện ra hàng giả, tuy nhiên, chất lượng của các sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu của Abbott Việt Nam là rất đáng lo ngại, bởi đối tượng sử dụng các sản phẩm sữa của Abbott chủ yếu là người già, người có bệnh và các em nhỏ".
Lấy ví dụ cụ thể về các hình thức xâm phạm, đại diện chủ thể quyền của Abbott tại Việt Nam cho biết, Ensure, Glucerna và Pediasure là ba nhãn hiệu thường xuyên bị xâm phạm theo hình thức giả mạo nhãn hiệu. Bao bì hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sử dụng dấu hiệu khó phân biệt đối với nhãn hiệu của Abbott về cả hình thức, phát âm và font chữ hoặc màu sắc.
Trong khi đó, đối với hành vi xâm phạm quyền với nhãn hiệu, đại diện Abbott Việt Nam chia sẻ, “Grow+hình hươu cao cổ” là nhãn hiệu thường xuyên bị xâm phạm trên thị trường do mức độ nổi tiếng và uy tín, danh tiếng gắn liền với Abbott.
Thông tin về các kênh bán hàng, địa điểm kinh doanh các sản phẩm xâm phạm nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm, nhãn hiệu của Abbott tại thị trường Việt Nam, bà Yến cho biết, thay vì các thành phố lớn, hiện nay, các sản phẩm xâm phạm được đưa về tiêu thụ tại khu vực nông thôn, các tỉnh, thành nhỏ. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng vi phạm thường đưa hàng về các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ; hoặc bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử; các kênh mạng xã hội, trang thông tin như facebook, zalo, icheck.vn...
Trước thực trạng này, để bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng cũng như của doanh nghiệp, đại diện chủ thể quyền của Abbott tại Việt Nam đã phối hợp với các lực lượng chức năng trong đó có lực lượng QLTT, Công an... thường xuyên nắm tình hình thị trường và phát hiện nhiều hành vi vi phạm.
Điển hình, gần đây nhất, tháng 10/2022, Rouse Việt Nam đã phối hợp với Cục QLTT Ninh Bình kiểm tra, thu giữ 33 sản phẩm xâm phạm và xử phạt vi phạm hành chính 43 triệu đồng đối với hai cửa hàng bỉm sữa đang kinh doanh các sản phẩm xâm phạm nhãn hiệu của Abbott. Trước đó, ngày 20/12/2021, Cục QLTT TP. Hà Nội đã phối hợp kiểm tra tại Công ty TNHH Bảo Chi và thu giữ 2.000 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm nhãn hiệu của Abbott. Đối tượng vi phạm hiện đã bị khởi tố với tội danh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Bên cạnh việc phối hợp, chia sẻ thông tin với các lực lượng chức năng, đại diện chủ thể quyền của Abbott tại Việt Nam cũng đã chủ động phối hợp với các sàn thương mại điện tử để rà soát và tháo gỡ định kỳ các đường dẫn có chứa sản phẩm xâm phạm, giả mạo. Cùng với đó, định kỳ gửi thư khuyến cáo. Trong Quý I/2023, Rouse Việt Nam đã gửi 105 thư khuyến cáo đến các doanh nghiệp, công ty sản xuất sữa giả mạo, xâm phạm và đã loại bỏ được 179 dòng sản phẩm xâm phạm, giả mạo.
“Với những nỗ lực của Rouse, chúng tôi đã góp phần ngăn chặn nhiều danh mục sản phẩm bị làm giả, xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu của Abbott. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đủ”, bà Yến thông tin và kỳ vọng, sau buổi làm việc với lãnh đạo Tổng cục QLTT hôm nay, Abbot Việt Nam sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ, đồng hành của lực lượng QLTT trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng xâm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là đối với các thương hiệu, sản phẩm của các doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin
Lắng nghe và ghi nhận những chia sẻ từ phía chủ thề quyền của Abbott tại Việt Nam, Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Thanh Bình khẳng định, phòng, chống và ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng QLTT trong những năm qua và công tác này tiếp tục là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của lực lượng trong giai đoạn hiện nay và thời gian sắp tới.
Tháng 3/2021, Tổng cục đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT về việc thực hiện Kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025. Đến nay, Kế hoạch này đã mang lại nhiều kết quả, góp phần vào thành công chung của công tác đấu tranh, phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, theo Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Thanh Bình, trong những năm gần đây, lực lượng QLTT đã có nhiều vụ việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm có liên quan đến các sản phẩm của Tập đoàn Abbott, trong đó chủ yếu tập trung vào các sản phẩm sữa.
Cụ thể, từ năm 2018 đến năm 2022, toàn lực lượng đã kiểm tra, xử lý 119.497 hộp, trên 10.000 chai/lon, 2.035 thùng, sản phẩm sữa các loại cho người lớn và trẻ em, trong đó có các sản phẩm mang nhãn hiệu của Abbott như Ensure, Pediasure, Similac... Trong đó, các hành vi vi phạm chủ yếu là hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu và hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
“Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng uy tín thương hiệu của Abbott nhằm trục lợi, nhập lậu các sản phẩm từ nước ngoài dưới hình thức hàng xách tay để kinh doanh tại thị trường Việt Nam”, Phó Tổng Cục trưởng thông tin và cho biết thêm, một số đối tượng sản xuất đã thu mua các vỏ hộp sữa bằng kim loại cũng như bằng giấy đã qua sử dụng về để vệ sịnh lại, sau đó đóng gói các sản phẩm sửa bột cũng như sữa nước giả sản phẩm của Abbott để bán ra ngoài thị trường. Do vậy, về mặt cảm quan ban đầu là rất khó phát hiện.
Trong thời gian tới, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như bảo vệ uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam, Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Thanh Bình đề nghị, Abbott Việt Nam tăng cường phối hợp với lực lượng QLTT trong việc hỗ trợ đào tạo, tập huấn về việc phân biệt hàng thật - hàng vi phạm các sản phẩm, thương hiệu của Abbott. Đồng thời, Abbott Việt Nam cần tăng cường theo dõi, giám sát thị trường, cung cấp thông tin cho lực lượng QLTT để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Về phía lực lượng QLTT, Phó Tổng Cục trưởng khẳng định, lực lượng QLTT cả nước sẽ tiếp tục tập trung và xử lý dứt điểm các tụ điểm, địa bàn vi phạm nổi cộm tại các tỉnh, thành phố trên cả nước; giao trách nhiệm quản lý địa bàn đến từng vị trí công chức, lãnh đạo để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cũng trong buổi làm việc, đưa ra các giải pháp giúp Abbott Việt Nam ngăn ngừa, phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT Thân Đức Công cho rằng, lực lượng QLTT sẵn sàng đồng hành, phối hợp cùng doanh nghiệp, song trong quá trình bảo vệ quyền lợi của mình, cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, doanh nghiệp cần đi vào các vấn đề, vụ việc cụ thể.
“Qua quá trình rà soát, nắm tình hình thị trường, doanh nghiệp cần cung cấp cho cơ quan chức năng địa chỉ, đối tượng và các hành vi vi phạm cụ thể, từ đó, phối kết hợp, kiểm tra và xử lý”, Cục trưởng Thân Đức Công thông tin và đề xuất, Abbott Việt Nam cần xây dựng bộ hồ sơ phân biệt hàng thật, hàng giả, hàng vi phạm không chỉ giúp người tiêu dùng phòng, tránh mua phải các sản phẩm vi phạm mà còn giúp các cơ quan chức năng trong việc thực thi công vụ.
“Từ cuối năm 2021, Tổng cục QLTT đã mở cửa Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật, hàng giả, hàng vi phạm tại 62 Tràng Tiền, Hà Nội. Đây là một kênh truyền thông hữu ích giúp doanh nghiệp phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi vi phạm”, Cục trưởng Thân Đức Công chia sẻ và kỳ vọng, thời gian tới, các sản phẩm của Abbott Việt Nam sẽ có mặt tại Phòng Trưng bày, giúp người tiêu dùng nhận diện, phân biệt các sản phẩm vi phạm.