Hiệu quả đến từ công tác nắm địa bàn
Là một trong những thành phố có hoạt động kinh doanh sôi động nhất trên cả nước, do vậy, ngay từ những ngày đầu năm 2023, Cục Quản lý Thị trường TP. Hồ Chí Minh đã triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ công tác quản lý thị trường. Trong đó, tập trung vào công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung kiểm tra tại các khu vực địa bàn nổi cộm, các nhóm hàng hóa trọng điểm; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm nhằm ổn định thị trường.
Dù đã rất nỗ lực, song theo Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường TP. Hồ Chí Minh Trương Văn Ba, 6 tháng đầu năm, các hoạt động buôn lậu; sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng; các vi phạm về an toàn thực phẩm... trên địa bàn thành phố vẫn không thuyên giảm.
“Các đối tượng đã lợi dụng địa bàn rộng, với nhiều kho hàng, bến bãi để chứa trữ, làm điểm trung chuyển hàng hóa, thực hiện các vi phạm. Có nhiều trường hợp tái phạm", ông Trương Văn Ba cho biết.
Chưa kể, thông qua thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, nhiều đối tượng đã sử dụng những thủ đoạn tinh vi, luôn thay đổi để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”, Cục trưởng Trương Văn Ba nhận định.
Nửa đầu năm, lực lượng Quản lý Thị trường TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện kiểm tra 1.805 vụ việc, xử lý 1.594 vụ vi phạm, số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 30 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 30 tỷ đồng, chuyển 8 vụ việc sang cơ quan công an xem xét khởi tố hình sự.
Để có được kết quả này, Cục trưởng Trương Văn Ba cho rằng, lực lượng Quản lý Thị trường Thành phố đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các lực lượng chức năng địa phương trong công tác chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại. Đặc biệt, là đến từ hiệu quả của công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình cũng như có sự phân công quản lý để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Điển hình, mới đây, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Cục Quản lý Thị trường TP. Hồ Chí Minh, Đội Quản lý Thị trường số 2 đã kiểm tra đồng loạt 3 nhà thuốc, phát hiện gần 8.000 đơn vị sản phẩm thuốc tân dược, thực phẩm chức năng không hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.
Hay vụ việc tạm giữ gần 3.500 đơn vị sản phẩm đồ chơi, đồ dùng trẻ em không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng trị giá hàng hóa trên 110 triệu đồng. Đặc biệt là vụ kiểm tra, thu giữ trên 10.000 m2 tấm lợp lấy sáng Polycarbonate trị giá gần 1,9 tỷ đồng tại huyện Hóc Môn...
Không chỉ tập trung kiểm tra, rà soát tại các địa bàn trọng tâm, trong 6 tháng đầu năm lự lượng Quản lý Thị trường TP. Hồ Chí Minh còn chú trọng kiểm tra các nhóm hàng hóa trọng điểm; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm nhằm ổn định thị trường, như kiểm tra 69 vụ, xử lý 52 vụ liên quan đến thuốc lá điếu nhập lậu và thuốc lá điện tử; kiểm tra, xử lý 408 vụ kinh doanh hàng hóa nhập lậu, tạm giữ 658.419 sản phẩm với tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính trên 22 tỷ đồng; kiểm tra xử lý 545 vụ vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, tạm giữ 560.283 đơn vị sản phẩm...
Liên quan đến hàng giả, trong nửa đầu năm, các Đội Quản lý Thị trường đã tăng cường kiểm tra tại các trung tâm thương mại, tuyến đường phố, địa bàn nổi cộm và kiểm tra 439 vụ, tạm giữ gần 50.000 đơn vị sản phẩm là quần áo, mỹ phẩm, túi xách, linh phụ kiện, phụ tùng xe máy... làm giả các thương hiệu lớn đã được bảo hộ tại thị trường Việt Nam.
Tiếp tục bám sát địa bàn, xử lý nghiêm các vi phạm
6 tháng cuối năm, tình hình kinh tế thành phố sẽ có nhiều chuyển biến tích cực nhưng cũng đan xen nhiều thách thức khi giá cả hàng hóa dự báo có nhiều biến động do ảnh hưởng của việc tăng lương cơ bản. Chưa kể, cuối năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng tăng mạnh dẫn đến tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ tiếp tục gia tăng...
Thêm vào đó, dự báo, cuối năm hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm trên thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok... sẽ phát triển theo chiều hướng tăng ở hầu hết các nhóm hàng hóa. Do vậy, lực lượng Quản lý Thị trường Thành phố sẽ chú trọng kiểm tra, rà soát kỹ tình hình giá cả hàng hóa, xử lý nghiêm các trường hợp không niêm yết giá, tăng giá bất hợp lý, găm hàng.
Cục trưởng Trương Văn Ba nhấn mạnh, nửa cuối năm, lực lượng Quản lý Thị trường Thành phố tiếp tục tăng cường xác định đối tượng, tuyến đường, địa bàn, hàng hóa trọng điểm; tăng cường kiểm soát tại các khu vực ga đường sắt, các tuyến từ đường biển, đường sông, đường hàng không và các khu vực tập kết hàng hóa, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa...
Đặc biệt, phân công rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn cho từng kiểm soát viên thị trường; gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả công tác chuyên môn nhằm xây dựng nội bộ trong sạch, nâng cao năng lực công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đồng thời ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức làm công tác đấu tranh chống buôn lậu; kiểm soát các hành vi lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán online, mạng xã hội (Facebook, Zalo...) để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trong 6 tháng cuối năm, công tác Quản lý Thị trường sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng “lửa thử vàng gian nan thử sức” tin rằng, lực lượng Quản lý Thị trường sẽ tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Qua đó, góp phần xây dựng thị trường thành phố ngày càng phồn thịnh, phát triển và xây dựng hình ảnh tốt đẹp của người chiến sỹ Quản lý Thị trường trên mặt trận đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.