Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng chợ có vai trò quan trọng, góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Đây cũng là nơi lưu thông và cung cấp hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng khác, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời tạo công ăn việc làm, gia tăng cơ hội sinh kế cho người dân và tạo nguồn thu cho ngân sách. Sự phát triển của chợ cũng được coi là yếu tố phản ánh tốc độ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Hội thảo quốc tế với chủ đề “Phát triển chợ đầu mối ở Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức có sự tham gia của hàng trăm khách mời và cơ quan báo chí, truyền thôngTrong đó, chợ đầu mối là kênh tiêu thụ hiệu quả để kết nối sản xuất với phân phối và người tiêu dùng, chủ yếu thu hút, tập trung lượng hàng hóa lớn tiếp tục phân phối tới các chợ dân sinh và các kênh lưu thông khác. Bởi vậy, chợ đầu mối có vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất tập trung và tiêu thụ hàng hóa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các cơ sở, doanh nghiệp trong nước.
Đặc biệt, đối với mặt hàng nông sản là thế mạnh của Việt Nam, chợ đầu mối chính là nguồn cung cấp chủ yếu cho thị trường tiêu thụ tại các thành phố lớn dưới sự kiểm tra, kiểm soát của các ngành chức năng nhằm đảm bảo chất lượng hàng hoá, vệ sinh an toàn thực phẩm đến tay người tiêu dùng.
Chính sách khuyến khích đầu tư phát triển chợ đầu mối còn hạn chế
Những năm qua, chợ đầu mối đã và đang phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến hết năm 2017, cả nước có 8.539 chợ, trong đó có 83 chợ đầu mối, chiếm 0,97% tổng số chợ của cả nước. Tốc độ phát triển chợ đầu mối bình quân giai đoạn 2010 - 2017 đạt 4,5% (theo thống kê năm 2010 có 63 chợ đầu mối). Một số tỉnh tập trung nhiều chợ đầu mối có thể kể đến Thanh Hóa (11 chợ), Quảng Bình (11 chợ), Hà Nội (6 chợ), Hưng Yên (4 chợ), Hồ Chí Minh (3 chợ)…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hội - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thẳng thắn nhìn nhận, cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, cũng như chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển mạng lưới chợ đầu mối còn hạn chế và chưa phù hợp, dẫn đến đối tượng được hưởng trong phạm vi hẹp, hầu như không có chính sách ưu đãi (thuế, đất đai, tín dụng...).
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Nguyễn Văn Hội thẳng thắn nhìn nhận về thực trạng phát triển mạng lưới chợ đầu mối tại Việt Nam hiện nayBên cạnh đó, mặc dù các chợ đầu mối đã đáp ứng nhu cầu về không gian mua bán, lưu giữ hàng hóa trong ngày nhưng diện tích dành cho xây dựng hệ thống kho, bãi đỗ xe và đường giao thông nội bộ cho xe vận chuyển hàng hóa còn hạn chế. Một số chợ diện tích quá nhỏ và đã trở nên quá tải, nhất là vào thời điểm mùa vụ, làm hạn chế lượng hàng hóa và xe cộ lưu thông qua chợ.
Đặc biệt, đa số các chợ đầu mối vẫn áp dụng phương thức giao dịch truyền thống (giao ngay) là chủ yếu, mua bán qua hợp đồng còn ít, không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chủ yếu các thương mại gom hàng từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ hoặc trang trại. Các dịch vụ hỗ trợ mua bán (ngân hàng; bảo hiểm; phân loại, bao gói, bảo quản hàng hoá nông sản…) hầu như chưa được tổ chức và cung ứng tại các chợ, kể cả những chợ đầu mối nông sản quy mô lớn dù hoàn toàn có khả năng triển khai.
Phó Vụ trưởng cũng cho rằng, việc kết nối giữa chợ đầu mối và chợ dân sinh, siêu thị còn hạn chế, dẫn đến chợ đầu mối chưa phát huy được tối đa vai trò phân phối và tiêu thụ của mình. Ở nhiều nơi, các loại hàng hóa là rau, củ, quả phần lớn được người dân từ các tỉnh chở trực tiếp đến bán tại các chợ, trong khi nguồn hàng thì chưa được kiểm soát chặt chẽ về mặt an toàn thực phẩm cũng như nguồn gốc xuất xứ. Cùng với đó, do còn hạn chế trong công tác khai thác thị trường, quảng bá sản phẩm nên hàng hóa tại chợ đầu mối chưa cung cấp được cho các siêu thị.
Sự hạn chế còn bộc lộ ở công tác gắn kết giữa các địa phương trong triển khai thực hiện quy hoạch phát triển chợ và trong thu hút các dự án đầu tư vào phát triển các loại hình chợ nông thôn và chợ đầu mối tiêu thụ nông sản.
Tập trung phát triển hệ thống chợ đầu mối hiện đại và chất lượng
Vụ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, trong điều kiện mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế, “chợ đầu mối hiện nay không những phải chú trọng phát triển về mặt số lượng, mà đặc biệt cần chú trọng về mặt chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh mới. Bên cạnh việc mở rộng quy mô, chợ đầu mối cần chú trọng tổ chức hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tăng cường các dịch vụ phụ trợ, các khu chức năng.”
Đồng tình với quan điểm của Vụ trưởng, đại diện Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam Carlos Dominguez cũng chỉ ra rằng tại Tây Ban Nha hiện nay, chợ đầu mối không chỉ dừng lại là một nơi buôn bán hàng hóa mà còn mở rộng phát triển hệ thống dịch vụ công như chế biến, ăn uống, truyền thông,… mà vẫn đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, cũng như giải quyết các vấn đề môi trường và rác thải một cách hợp lý. Ông Carlos Dominguez nhận định, mạng lưới chợ đầu mối cần được quan tâm đầu tư hơn nữa về dịch vụ logistics, ứng dụng công nghệ, đội ngũ nhân sự quản lý,… để có thể mang lại nhiều giá trị lợi ích kinh tế và gìn giữ các giá trị văn hóa cho Việt Nam.
Đại diện Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam Carlos Dominguez chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn từ quá trình phát triển hệ thống chợ đầu mối tại Tây Ban NhaĐược biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai phát triển mạng lưới chợ đầu mối theo các quy hoạch có liên quan đã được phê duyệt, đồng thời rà soát, bổ sung, tích hợp các quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tính đồng bộ và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội chung. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức đầu tư hoặc liên kết, hợp tác cùng đầu tư xây dựng (kể cả xây mới và nâng cấp, mở rộng) và sau đó là quản lý kinh doanh khai thác, phát triển chợ đầu mối.
Để đáp ứng nhu cầu xây dựng các chợ đầu mối với đầy đủ các khu chức năng, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng các bên liên quan bố trí quỹ đất hợp lý cũng như kiến nghị Nhà nước có các chính sách ưu tiên đầu tư phát triển các hệ thống giao thông đường bộ kết nối chợ đầu mối, đi cùng với việc chú trọng đầu tư, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất của chợ đầu mối khang trang, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của thị trường.
Song song với đó tạo lập môi trường, điều kiện thuận lợi nhằm thay đổi các phương thức mua bán, giao dịch tại chợ đầu mối theo hướng hiện đại, phát triển các dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, giám định chất lượng hàng hóa và các dịch vụ thương mại khác tại chợ đầu mối để nâng cao hiệu quả giao dịch của chợ nông sản, trước hết là các chợ đầu mối có khối lượng giao dịch lớn, phạm vi lan tỏa rộng.
Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, công tác giám sát và thực thi chặt chẽ tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm để đưa hàng hóa ra thị trường thông qua các chợ đầu mối và cải thiện tình hình vệ sinh môi trường tại các chợ sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong quản lý và phát triển chợ đầu mối của Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh khoa học công nghệ thế giới không ngừng chuyển mình mỗi ngày, cần ứng dụng công nghệ hiện đại trong các phương thức truy xuất nguồn gốc hàng hóa, thực phẩm từ đầu tới cuối chuỗi cung ứng, đảm bảo quyền lợi tối đa cho người tiêu dùng.
Lễ ký kết bản ghi nhớ liên kết hợp tác phát triển chợ đầu mối tại Việt NamCũng trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện Tổng Công ty Mercasa - đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Tây Ban Nha cùng đại diện Công ty TNHH MTV Proton của Việt Nam đã ký kết bản ghi nhớ liên kết hợp tác phát triển chợ đầu mối tại Việt Nam, sẵn sàng thổi một luồng gió mới hiện đại và hiệu quả cho hệ thống tiêu thụ đặc trưng trong nước.