Phát triển Công nghiệp hỗ trợ - 4 việc cần làm ngay

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 vừa được phê duyệt đặt ra mục tiêu tới năm 2035, tổng sản lượng xe đạt khoảng 1,53 triệu chiếc. Để đạt mục tiê

Như vậy đã rõ, CNHT không phải ngành công nghiệp mang tính chất “phụ trợ” mà đây là ngành đóng vai trò xương sống trong nền công nghiệp.

Tiềm năng lớn

Hiện nay, dung lượng thị trường một số ngành đã đủ lớn để tập trung phát triển ngành cung ứng linh kiện và phụ tùng, đặc biệt ngành điện - điện tử, cơ khí chế tạo tập trung ở một số tập đoàn đa quốc gia như Samsung, LG, Nokia…

Theo Báo cáo của Bộ Công Thương trong Tờ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định phát triển CNHT, trong những năm tới, nhu cầu về vật liệu, linh phụ kiện và phụ tùng sẽ tiếp tục tăng. Dự kiến kim ngạch nhập khẩu các ngành điện - điện tử, dệt may - da dày, thép, cơ khí chế tạo có thể lên tới 70 tỷ USD. Trong khi đó, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phần kinh tế nhà nước chỉ đạt 40 tỷ USD năm 2014, nhỏ hơn nhiều giá trị nhập khẩu linh phụ kiện một số ngành chủ yếu trên, khoảng 53,2 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu linh kiện và vật liệu khoảng 40,14 tỷ USD gấp 6 lần giá trị sản xuất công nghiệp ngành điện, bằng 5 lần sản xuất công nghiệp ngành dầu khí.


Điều đó cho thấy quy mô và tiềm năng phát triển của ngành CNHT là rất lớn. Tuy nhiên, đóng góp vào GDP của các ngành công nghiệp chế tạo lại thấp trong so sánh tương quan với ngành điện và dầu khí, chưa tương xứng với giá trị sản xuất công nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu là các ngành công nghiệp chế tạo chủ yếu sử dụng linh kiện và phụ tùng là nhập khẩu. Còn các doanh nghiệp Việt Nam chỉ tham gia khâu lắp ráp là khâu tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất trong cơ cấu chuỗi giá trị. Các tập đoàn đa quốc gia thì có xu hướng dịch chuyển các dự án lắp ráp vào các nước đang có nguồn nhân lực giá rẻ như Việt Nam. Nhu cầu về sản phẩm CNHT của các dự án của một số tập đoàn đa quốc gia đầu tư ở Việt Nam đã đủ điều kiện để phát triển ngành CNHT, cải tiến chất lượng ngành công nghiệp và nền kinh tế.

Chính sách và đầu tư đang dàn trải

Các chính sách và đầu tư cho CNHT đang mang tính dàn trải, lồng ghép trong nhiều chính sách và chương trình khác nhau. Với nguồn lực ngân sách nhà nước còn eo hẹp, phần đầu tư cho ngành CNHT rất hạn chế, nên các doanh nghiệp rất khó tiếp cận sự hỗ trợ của Nhà nước. Để tạo sự phát triển đột phá của ngành CNHT, Nhà nước cần có sự đầu tư thích đáng cho ngành CNHT, bao gồm cả các dự án đầu tư và sự hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời cần dành riêng nguồn lực đầu tư mạnh mẽ cho ngành CNHT, không lồng ghép với các chương trình khác… Tóm lại, có rất nhiều việc phải làm nhưng tựu chung lại 4 nhóm vấn đề sau:

4 việc cần làm

Đầu tiên phải kể đến là bất cập trong nhận thức. Trong một thời gian dài, các doanh nghiệp Việt Nam đã quen với việc sản xuất tích hợp theo chiều dọc. Theo đó, mọi khâu của quá trình sản xuất sản phẩm đều được khép kín trong nội bộ doanh nghiệp, bất cứ doanh nghiệp cũng muốn có sản phẩm mang thương hiệu, trong khi khả năng cạnh tranh kém do cách tổ chức sản xuất. Trình độ công nghiệp Việt Nam có thể sản xuất được nhiều sản phẩm công nghiệp. Tuy nhiên trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập toàn cầu, khái niệm "sản xuất được" phải hiểu theo nghĩa là có khả năng trình độ công nghệ sản xuất được sản phẩm, đồng thời sản phẩm phải mang tính cạnh tranh và tồn tại được trên thị trường. Việc hội nhập quốc tế với nhiều hiệp định tự do sắp có hiệu lực hoàn toàn, sự cạnh tranh toàn cầu của các sản phẩm công nghiệp ngày càng gay gắt, phải thay đổi nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của CNHT, nếu không phát triển ngành CNHT sẽ không có ngành công nghiệp chế tạo.

Thứ hai là đầu tư của Nhà nước còn hạn chế. Các chủ trương mới chỉ mang tính chất động viên tuyên truyền, Nhà nước chưa đầu tư đủ nguồn lực bao gồm ngân sách và nhân lực cho CNHT. Sự quan tâm và đầu tư phát triển ngành CNHT chưa tương xứng với vai trò đặc biệt quan trọng của nó. Để tạo sự phát triển đột phá của ngành CNHT, Nhà nước cần có sự đầu tư thích đáng cho ngành CNHT, bao gồm cả các dự án đầu tư và sự hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời cần dành riêng nguồn lực đầu tư mạnh mẽ cho ngành CNHT, không lồng ghép với các chương trình khác.

Tiếp theo là đói vốn và công nghệ. Một thực tế cho thấy hiện nay, khoảng cách giữa khả năng các doanh nghiệp cung ứng nội địa với các doanh nghiệp nước ngoài là rất lớn về yêu cầu chất lượng, giá bán cũng như thời gian giao hàng. Nguyên nhân do các doanh nghiệp CNHT gặp rất nhiều khó khăn về vốn và công nghệ để có thể đầu tư trang thiết bị, mua chuyển giao công nghệ sản xuất phù hợp.

Cuối cùng là chất lượng nguồn nhân lực thấp. Việt Nam có nhiều thuận lợi về nguồn nhân lực như nguồn lao động trẻ, dồi dào. Tuy nhiên đối với CNHT thì nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng chuyên môn mới là điều quyết định. Nguyên nhân của việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao do nội dung đào tạo tại các trường kỹ thuật lạc hậu, không gắn với thực tiễn sản xuất. Giải pháp về trung hạn, Việt Nam sẽ tiếp nhận chuyển giao công nghệ, thay cho việc nghiên cứu, phát hiện công nghệ trong việc gia công, sản xuất các chi tiết quan trọng thay cho việc nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên để tiếp thu tốt các kỹ năng, kỹ thuật và công nghệ thì yêu cầu cấp bách phải có nguồn nhân lực có chất lượng cao.

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài:

Phải ưu tiên hỗ trợ lĩnh vực Việt Nam có lợi thế


Không một quốc gia nào đang trên đà phát triển như Việt Nam lại có thể làm CNHT cho tất cả các ngành, ngược lại, phải ưu tiên hỗ trợ lĩnh vực mình có lợi thế nhất. Sai lầm của chúng ta là mở ra đại trà, phát triển đến mức thừa mứa. Hiện nay, 50-60% diện tích đất trong các khu công nghiệp đang bị bỏ phí. Nơi nào cũng may mặc, nơi nào cũng dệt, giày da, không có sắc thái mang tính khác biệt của địa phương.

Chúng ta chưa có chính sách phát triển CNHT quốc gia, không thể làm một sản phẩm từ A đến Z, mà chỉ có thể "chen chân" vào một khâu trong chuỗi sản phẩm. Chính sách hiện tại cho CNHT chưa đủ mạnh để hấp dẫn, khuyến khích, chưa ưu tiên cho những doanh nghiệp hàng đầu, chưa ưu tiên hỗ trợ nghiên cứu phát triển, chưa giúp doanh nghiệp khởi nghiệp. Tôi cho rằng, sang năm 2015-2016, để đáp ứng được nhu cầu có được 50-60% giá trị gia tăng, phải chia thành hai cấp về CNHT.

Cấp 1 chủ yếu liên doanh với nước ngoài hoặc 100% nước ngoài; cấp 2 chủ yếu làm cho cấp 1 hoặc 100% doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam sẵng sàng sử dụng nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam nếu bảo đảm chất lượng, số lượng mà giá lại rẻ hơn. Công ty Canon đã phải đi tìm mãi ở Việt Nam những đơn vị cung cấp vỏ xốp, hộp giấy, nhựa,... mà không tìm được. Tôi khẳng định, các kiến thức kinh tế để xây dựng đất nước có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nước ta hiện vẫn đang tìm tòi một mô hình phù hợp để phát triển CNHT. Nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao về chất lượng công nhân Việt Nam và nước ta có tiềm năng rất lớn, đứng trước một cơ hội rất lớn để phát triển CNHT.

Ông Trương Thanh Hoài, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương:

Cần phải có Nghị định phát triển CNHT và Quỹ đầu tư CNHT


Ngành CNHT nội địa Việt Nam còn quá non trẻ và mới chỉ ở bước khởi đầu, còn nhiều yếu kém, cần nỗ lực và phải được Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn mới đáp ứng yêu cầu phát triển. Chính vì vậy nên chúng tôi đang xây dựng Dự thảo Nghị định phát triển CNHT, dự kiến được ban hành trong năm nay. Chúng tôi cho rằng, với thực trạng còn nhiều hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, việc ươm tạo và bồi dưỡng các doanh nghiệp đủ khả năng sản xuất quan trọng hơn các ưu đãi họ sẽ được hưởng. Vì thế, thay vì tập trung vào các ưu đãi, Dự thảo Nghị định lần này tập trung vào việc ươm tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ sản xuất của các doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia nhằm từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất của họ.

Một số điểm nhấn về chính sách có thể điểm qua như đề xuất chương trình quốc gia phát triển CNHT để tập trung được nguồn lực và thống nhất trong công tác chỉ đạo và điều hành. Chúng tôi thống nhất trưởng ban chỉ đạo chương trình ở cấp có thẩm quyền của Chính phủ. Điểm nhấn khác là phải xây dựng một số trung tâm phát triển CNHT tại các vùng kinh tế trọng điểm để hỗ trợ cho các doanh nghiệp  trong quá trình sản xuất.

Vốn tín dụng hiện nay cho CNHT có lãi suất cao hơn so với các doanh nghiệp FDI đang được hưởng mức lãi suất rất thấp từ công ty mẹ, từ trong nước của họ. Vì vậy, chúng tôi đề nghị thành lập một Quỹ đầu tư CNHT. Trong đó, Nhà nước góp vốn mang tính vốn điều lệ, vốn mồi. Bên cạnh đó, kêu gọi các nguồn vốn hợp pháp khác như ODA, các nguồn vốn phi chính phủ để phát triển CNHT… Tổng nguồn vốn của quỹ này là 30.000 tỉ đồng, trong đó “vốn mồi” từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn đầu là 2.000 tỉ đồng.