Phát triển cụm công nghiệp làng nghề trong quá trình hội nhập

Trong quá trình CNH, HĐH ở nước ta, các hình thức tổ chức sản xuất công nghiệp theo lãnh thổ như: khu công nghiệp tập trung, khu công nghiệp vừa và nhỏ, cụm công nghiệp làng nghề đã phát triển. Sau k

 Khác với khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp làng nghề có quy mô nhỏ hơn, điều kiện và phương tiện xử lý môi trường, các cơ sở hạ tầng kém hơn. Cụm công nghiệp làng nghề khác với khu công nghiệp vừa và nhỏ ở chỗ: Khu công nghiệp vừa và nhỏ bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, được hình thành chủ yếu do thành lập doanh nghiệp vừa và nhỏ mới và do di chuyển các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở thành phố ra để khắc phục ô nhiễm môi trường. Còn các cụm công nghiệp làng nghề gồm các cơ sở sản xuất được hình thành từ các hộ kinh doanh gia đình, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở làng nghề.

I. Phát triển cụm công nghiệp làng nghề là yêu cầu cấp thiết giải quyết mặt bằng cho sx-kd và khắc phục ô nhiễm môi trường ở làng nghề

Trong những năm đổi mới làng nghề ở nông thôn Việt Nam đã có sự phát triển mạnh và đạt được những thành tích đáng ghi nhận, đó là:

(1) Qui mô và GTSX của các làng nghề không ngừng tăng lên qua các năm.

Nhiều làng nghề mới hình thành, nhiều làng nghề phát triển trở thành xã nghề, vùng nghề. Theo số liệu điều tra của Tổ chức quốc tế Nhật Bản (2001) cả nước có 2017 làng nghề, trong đó làng nghề ở Bắc Bộ chiếm 63%, đặc biệt vùng châu thổ sông Hồng chiếm tới 43% số làng nghề toàn quốc, số làng nghề và lao động trong các làng nghề đã tăng lên rõ rệt.

Tốc độ tăng giá trị sản xuất  ở các làng nghề trong những năm qua đạt khá cao, vượt quá tốc độ tăng chung của công nghiệp cả nước.

(2) Nhiều làng nghề đã có sự chuyển đổi cơ cấu sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường. Nhiều làng nghề đã chú ý đổi mới công nghệ. Nhìn chung sản xuất kinh doanh của các làng nghề được duy trì và phát triển, một số sản phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài.

(3) Về tổ chức SX-KD, ở nhiều làng nghề đã có sự đa dạng hoá các hình thức tổ chức SX-KD, thúc đẩy sản xuất hàng hoá phát triển. Theo số liệu của JICA (2001) tại các làng nghề trong cả nước có 851 doanh nghiệp (công ty TNHH, công ty tư nhân, công ty cổ phần) và 277 hợp tác xã hoạt động.

Với sự phát triển “khá nóng” như vậy, các làng nghề đã nổi lên 2 mâu thuẫn lớn phải giải quyết,đó là:

1- Thiếu mặt bằng cho duy trì và mở rộng SX-KD của các làng nghề.

2. Phải xây dựng chiến lược phát triển làng nghề và giải pháp thích hợp để giải quyết ô nhiễm môi trường trong quá trình phát triển làng nghề.

Hình thành và phát triển các cụm công nghiệp làng nghề là giải pháp hữu hiệu để giải quyết hai mâu thuẫn trên trong quá trình phát triển các làng nghề.

II. Quá trình hình thành và phát triển cụm công nghiệp làng nghề và lợi ích của nó

Từ khi có quyết định số 132/2000/QĐ-TTg ngày 24/11/2000 của Chính phủ về khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn thì các địa phương đã triển khai khá mạnh việc xây dựng và phát triển các cụm công nghiệp làng nghề. Qua điều tra điển hình tại 4 tỉnh: Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, Nam Định, cho thấy, các tỉnh này đã kịp thời đề ra nghị quyết của tỉnh uỷ, UBND tỉnh và đã triển khai trong thực tế việc xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề.

Các cụm công nghiệp làng nghề được hình thành và phát triển bằng hai con đường chính: i) Sự tự phát từ một cụm sản xuất do các hộ tự xây dựng, sau đó phát triển thành cụm công nghiệp làng nghề; ii) xây dựng mới cụm công nghiệp làng nghề.

Hiện nay đang tồn tại hai loại cụm công nghiệp làng nghề: i) Cụm công nghiệp làng nghề đa nghề như cụm công nghiệp làng nghề xã Đình Bảng, Tiên Sơn, Bắc Ninh và ii) Cụm công nghiệp làng nghề đơn nghề (phổ biến).

Từ thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh sau gần 3 năm thành lập cho thấy cụm công nghiệp làng nghề đã có ưu điểm và lợi ích rõ rệt sau đây:

- Thúc đẩy phát triển CN–TTCN ở các địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế các tỉnh.

- Tạo mặt bằng cho mở rộng và tăng quy mô sản xuất của nhiều làng nghề.

Như vậy, có thể coi cụm công nghiệp làng nghề là cứ điểm, là khâu đột phá trong phát triển làng nghề ở trình độ mới qui mô nâng lên, hạn chế ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng sự phát triển.

III - Một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển và nâng cao vai trò cụm công nghiệp làng nghề trong quá trình hội nhập.

1. Qui hoạch phát triển các cụm công nghiệp làng nghề.

Phải coi trọng công tác qui hoạch phát triển các CCNLN vì khâu này phải đi trước và nó ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển lâu dài của cụm. Tư tưởng cần quán triệt trong qui hoạch là: phải tính toán mục tiêu và hiệu quả của CCNLN. Về mục tiêu thành lập CCNLN là hạn chế ô nhiễm môi trường và phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó nhấn mạnh trước hết đến mục tiêu hạn chế ô nhiễm môi trường. Ngành nào, sản phẩm nào để lại sản xuất phân tán ở làng nghề (thêu ren, mây tre đan….) có hiệu quả thì không nhất thiết phải thành lập CCNLN. Ngành nào, sản phẩm nào nếu sản xuất phân tán ở làng xã làm môi trường bị ảnh hưởng thì kiên quyết thành lập CCNLN để tách khu vực sản xuất ra khỏi khu dân cư. Cần tránh tình trạng biến CCNLN thành một khu dân mới và nhân rộng ô nhiễm môi trường ra nơi mới.

Qui hoạch phát triển CCNLN cần chú ý các kết hợp với: i) Qui hoạch phát triển ngành nghề trong chiến lược lâu dài; ii) Qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; iii) Qui hoạch sử dụng đất đai của tỉnh; iv) Qui hoạch phát triển các khu công nghiệp tập trung, khu công nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh.

2. Thực hiện các giải pháp giảm ô nhiễm môi trường.

Trên thực tế, chưa có tiến bộ và thay đổi đáng kể trong giải quyết ô nhiễm môi trường ở các làng nghề khi thành lập CCNLN.

Để giảm ô nhiễm môi trường ở các làng nghề và các CCNLN, cần có giải pháp đồng bộ về: Qui hoạch, công nghệ sản xuất, xử lý môi trường và chính sách kèm theo.

- Về qui hoạch: Thành lập và phát triển các CCNLN để tách khu vực sản xuất ra khỏi khu vực dân cư và tạo điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất. Trong mỗi một CCNLN, cần giành một diện tích đất đai nhất định để trồng cây xanh.

- Về công nghệ sản xuất: Cần thay đổi và đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ ít gây ô nhiễm môi trường, ví dụ: lò ga thay lò hộp sử dụng than củi trong các làng và các cụm công nghiệp sản xuất gốm sứ.

- Về xử lý ô nhiễm: Tại các CCNLN có thể thành lập các xí nghiệp xử lý chất thải và áp dụng các phương tiện xử lý chất thải. Nên có các giải pháp để nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi người lao động. Mỗi cơ sở sản xuất - kinh doanh phải có giải pháp xử lý tập trung phế thải ở CCNLN với sự hỗ trợ có hiệu quả của Nhà nước.

- Về chính sách, nên có chính sách đầu tư hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường.

3. Tổ chức bộ máy quản lý đối với CCNLN.

Để quản lý CCNLN có hiệu lực và hiệu quả, vấn đề mấu chốt là phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý nội bộ cụm. Trong đó sẽ phân công phân cấp: Ai làm chức năng quản lý nhà nước? Ai quản lý nội bộ CCNLN?

Bộ máy chính quyền các cấp (tỉnh, huyện, xã) - với cơ quan giúp việc là các cơ sở ban, ngành của tỉnh và các phòng, ban của huyện, là cơ quan quản lý nhà nước đối với các CCNLN. Nhà nước chịu trách nhiệm về qui hoạch, chỉ đạo thực hiện qui hoạch, ban hành, chỉ đạo và kiểm tra thực hiện các qui định, hướng dẫn có tính pháp qui về xây dựng và phát triển CCNLN.

Ban Quản lý dự án CCNLN ở các huyện là ban chuyên môn do Nhà nước tổ chức ra để lo việc: đầu tư, triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng và đưa CCNLN vào hoạt động.

Ban điều hành hoạt động CCNLN (thực chất là ban quản lý nội bộ cụm) là một tổ chức do CCNLN thành lập, sau khi công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật của cụm về cơ bản hoàn thành. Ban này hoạt động như một đơn vị sự nghiệp có thu, hoặc  một đơn vị thực hiện hạch toán kinh tế.

4. Hoàn thiện môi trường thể chế cho phát triển và quản lý các CCNLN.

Sau khi có Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg ngày 24/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, nhiều địa phương (tỉnh, huyện) đã ban hành các văn bản pháp qui để tiến hành xây dựng và phát triển CCNLN. Các văn bản pháp qui này đã tạo cơ sở pháp lý để triển khai khá nhanh các công việc liên quan đến hình thành, phát triển các cụm. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần có qui định thống nhất của Nhà nước để tạo môi trường thể chế cho quản lý, hoạt động, phát triển các CCNLN, đó là:

- Cần ban hành về mặt pháp qui các tiêu chí đánh giá làng nghề và cụm công nghiệp làng nghề. Nên thống nhất khái niệm: cụm công nghiệp làng nghề.

- Xây dựng cơ chế cho việc thành lập, phát triển, quản lý các CCNLN.

- Nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước đối với hình thành và phát triển CCNLN. Ví dụ, Nhà nước hỗ trợ việc xây dựng hạ tầng cơ sở ngoài hàng rào, cấp điện, nước đến CCNLN, hỗ trợ 30% kinh phí giải phóng mặt bằng trong hàng rào, hỗ trợ kinh phí lập qui hoạch chi tiết CCNLN, ưu tiên trong việc tính giá thuê đất, hỗ trợ công tác đào và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ công tác tiếp thị…

5. Phát triển các hoạt động dịch vụ với sự hỗ trợ của Nhà nước.

Các hoạt động dịch vụ như: đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tư vấn chất lượng, xúc tiến thương mại, tài chính ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng đối với đẩy nhanh sự phát triển, nâng cao hiệu quả sự phát triển các CCNLN.

Trên thực tế, các hoạt động dịch vụ trên còn rất nhỏ bé, chưa phát triển và phần lớn do cơ sở tự lo hoặc do tổ chức trung gian đảm nhận.

Cần chú trọng phát triển các loại hoạt động dịch vụ trên và Nhà nước cần có sự hỗ trợ chúng thông qua các hình thức sau:

- Miễn giảm phí khi thụ hưởng các dịch vụ đó;

- Miễn giảm thuế và được hưởng ưu đãi cho các tổ chức dịch vụ nếu các tổ chức đó phục vụ cho phát triển làng nghề và cụm công nghiệp làng nghề.

 

Tài liệu tham khảo

- Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2000 về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn.

- Các Báo cáo về tình hình phát triển làng nghề và cụm công nghiệp làng nghề ở các tỉnh: Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, Nam Định./.

  • Tags: