Một xu hướng đang gia tăng, đó là việc cơ giới hóa phương tiện cá nhân trong các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Á. Với điểm khởi đầu thấp hơn so với các nước châu Âu, nhưng số lượng phương tiện giao thông vận tải ở các nước châu Á đang gia tăng với tốc độ chóng mặt trong thời gian gần đây (9 triệu phương tiện vận tải 4 bánh được bán ở Trung Quốc trong năm 2007 - gấp đôi về số lượng so với 3 năm trước).
Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA dự báo, số lượng phương tiện cá nhân sẽ tăng gấp đôi trong thời gian từ năm 2000-2030, các nước châu Á bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc sẽ chiếm khoảng ¾ trong tổng số 0,7 tỷ phương tiện mới được đưa vào sử dụng trong giai đoạn này.
Chính phủ các nước đã và đang xây dựng các chính sách và dự án để làm giảm xu hướng này, với định hướng như sau:
- Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, ưu tiên đối với vận tải khối lượng lớn, đặc biệt là vận tải tốc độ cao bằng xe buýt.
- Làm mới các đội xe (ô tô buýt, xe chở khách loại nhỏ…) để đạt các tiêu chuẩn khí thải địa phương, sử dụng nhiên liệu sạch và tiết kiệm nhiên liệu.
- Đầu tư vào việc cải thiện các điều kiện đô thị đối với phương tiện vận tải không có động cơ như: đường dành cho hành khách bộ hành và các làn đường dành cho người đi xe đạp.
- Ứng dụng Hệ thống Giao thông Thông minh ITS (Hệ thống ITS kết hợp với mô hình hệ thống máy tính, kiểm soát trung tâm và hệ thống giám sát tiên tiến để phát hiện và tránh ách tắc giao thông ở nút giao thông, thông qua việc chia tuyến đường và chủ động kiểm soát biển báo và tín hiệu giao thông) giúp cho việc đạt hiệu suất cao hơn trong vận tải, đặc biệt là làm giảm tắc nghẽn giao thông.
Lựa chọn cho Việt Nam
Theo tính toán, ngành giao thông vận tải Việt Nam sử dụng khoảng ¼ tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng của nước ta và sẽ là yếu tố chính quyết định mức độ nhập khẩu sản phẩm dầu mỏ. Các chỉ tiêu về năng lượng sử dụng trong giao thông là tiêu thụ nhiêu liệu trên khách hàng - km hoặc trên hàng hóa - km. Mức độ sử dụng năng lượng hiệu quả trong ngành giao thông được xác định thông qua mức sử dụng năng lượng cho từng loại phương tiện hoăc phương thức phát triển giao thông. Giảm chi phí luôn là mối quan tâm quan trọng trong xây dựng các chiến lược phát triển giao thông. Ở nước ta có hai xu hướng phát triển giao thông liên quan đến hiệu suất sử dụng năng lượng; đó là vai trò của ô tô, xe máy, xe buýt, các phương tiện giao thông đường sắt cho giao thông của khu vực đô thị và bán đô thị; và chuyên chở hàng hóa bằng đường bộ và đường biển, đường sông. Ở một khía cạnh khác, liên quan đến sử dụng năng lượng là mức tiêu hao nhiên liệu của phương tiện (bao gồm cả công nghệ và cách thức sử dụng), và tiềm năng sử dụng các loại nhiên liệu thay thế như nhiên liệu khí, hoặc xe điện.
Hiện nay, các cơ quan chức năng đang phối hợp với nhau xem xét, lựa chọn một phương thức quản lý phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam để đưa vào nội dung Dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, dự kiến sẽ trình Quốc hội lấy ý kiến vào cuối năm 2009. Lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong giao thông vận tải trước mắt ở Việt Nam được đề xuất bao gồm:
- Khuyến khích phát triển hệ thống vận tải khách công cộng tại các đô thị, hạn chế sự gia tăng phương tiện cá nhân; Ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông có năng lực vận tải lớn; tăng cường sử dụng mạng lưới giao thông đường sắt, đường thuỷ, kết hợp vận tải đa phương thức.
- Tăng cường quản lý đối với các cơ sở vận tải “sử dụng nhiều năng lượng” thông qua áp dụng các biện pháp quản lý và công nghệ bắt buộc, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
- Chính quyền địa phương lập kế hoạch ưu tiên phát triển và hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng, thực hiện phân làn, phân luồng giao thông hợp lý; quy định giờ hoạt động của một số loại phương tiện, giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các đô thị.
- Các nhà sản xuất áp dụng các công nghệ tiên tiến, sử dụng động cơ có hiệu suất cao, suất tiêu hao nhiên liệu thấp, nhằm đưa ra thị trường các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
- Khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch và các dạng nhiên liệu thay thế khác (nhiên liệu sinh học, ethanol, CNG, điện và xăng…) cho các phương tiện giao thông vận tải..
Trên cơ sở phân tích kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới và điều kiện cụ thể của Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách hy vọng sẽ lựa chọn được phương thức quản lý phù hợp để phát triển gành Giao thông vận tải nước ta theo hướng bền vững và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.