Tại Nghị quyết số 124/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023 có nội dung Chính phủ giao các Bộ, ngành phối hợp đẩy mạnh triển khai các tiện ích trên VneID, sớm xây dựng hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá công tác chuyển đổi số.
Đẩy mạnh triển khai các tiện ích trên ứng dụng VneID
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tổ chức triển khai nhanh, có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân để thực hiện thống nhất, đồng bộ, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, tạo thuận lợi cho phát triển du lịch.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh 02 dịch vụ liên thông “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí”.
Đẩy mạnh triển khai các tiện ích trên VneID, phấn đấu đến cuối năm 2023 phát triển ít nhất 10 tiện ích trên các ứng dụng VneID và có ít nhất 20 triệu người dân sử dụng với tỉ lệ người dân sử dụng ứng dụng VneID hàng tháng tăng từ 3% - 5%.
Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các đề án, báo cáo về phát triển quan hệ với các đối tác quan trọng; chủ trương, định hướng ứng xử với các sáng kiến của các nước lớn. Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các thỏa thuận, cam kết đã ký trong các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2023 các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy thực hiện có hiệu quả.
Sớm xây dựng hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá công tác chuyển đổi số
Chính phủ cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số; bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin, tốc độ truy cập mạng băng thông rộng phục vụ chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06; sớm triển khai xây dựng hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá công tác chuyển đổi số ở cấp quốc gia, cấp bộ, ngành và địa phương.
Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách, tăng cường thông tin đậm nét về các quyết sách của Đảng, Quốc hội, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh, kịp thời báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử của các bộ, ngành và địa phương để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) đánh giá, từ đầu năm 2023, công tác chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06 đã đạt được một số kết quả tích cực.
Các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ. Đã hoàn thành về cơ bản cấp 100% căn cước công dân gắn chip cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn toàn quốc; cấp trên 48 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân (vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao).
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 13 bộ, ngành, 63 địa phương, 01 doanh nghiệp nhà nước và 03 doanh nghiệp viễn thông với hơn 1 tỷ lượt tra cứu, khai thác thông tin công dân. Đây là tiền đề quan trọng để tạo ra nhiều tiện ích, phục vụ thiết thực cho người dân, doanh nghiệp như: Tích hợp thẻ căn cước công dân với thẻ bảo hiểm y tế (đã có trên 95% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sử dụng với gần 36,5 triệu lượt khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân); làm sạch 41 triệu thông tin tín dụng ngân hàng; bước đầu sử dụng thẻ căn cước công dân thay thế thẻ ATM với trên 17.000 lượt sử dụng; triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với dịch vụ ăn uống…
Bên cạnh đó, các cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch, đất đai, tài chính, cán bộ, công chức, viên chức được đẩy mạnh xây dựng, kết nối, liên thông và ứng dụng ngay…