Phát triển khu công nghiệp: Một số kinh nghiệm quốc tế

Trong những thập kỷ qua, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (sau đây gọi chung là KCN) với các mô hình khác nhau ngày càng được coi như một hình thức quan trọng để các quốc gia trên thế

ở Việt Nam, sự hình thành và phát triển các KCN đã tạo ra những nhân tố quan trọng, giúp chúng ta đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH), phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy cải cách hành chính, đổi mới cơ chế quản lý, giảm bớt tệ nạn quan liêu, tham nhũng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. 

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, hoạt động của các KCN tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, một phần là do đây là mô hình mới đối với chúng ta. 

Việc nghiên cứu hoạt động phát triển và quản lý nhà nước đối với các loại hình KCN ở một số nước trên thế giới, đặc biệt là ở các nước châu á đang phát triển (điều kiện kinh tế-xã hội có nhiều nét tương đồng với Việt Nam) có thể giúp chúng ta rút ra một số bài học kinh nghiệm có giá trị thiết thực đối với Việt Nam.

I. Các giai đoạn phát triển của KCN

Cũng như bất cứ sự kiện xã hội nào đều có quá trình ra đời, hưng thịnh và suy thoái, để rồi vĩnh viễn qua đi hoặc chuyển hoá thành hoạt động khác, các KCN cũng có “vòng đời” của mình gồm 3 giai đoạn với những đặc trưng riêng:

Giai đoạn 1: Là thời kỳ hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng , từng bước hoàn thiện chính sách và thủ tục, mở mang khu với mục tiêu trước mắt là thu hút các nhà đầu tư vào “lấp đầy” KCN, nhằm nhanh chóng làm sống động KCN, thu hồi chi phí triển khai xây dựng, tạo lập càng nhiều càng tốt công ăn việc làm. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, việc khấu hao các chi phí triển khai xây dựng KCN có thể kéo dài trung bình 20-25 năm, nhanh cũng phải mất 10 năm, còn nếu sau 10-15 năm mà vẫn còn trống đa phần diện tích KCN, thì có thể kết luận, KCN đó gặp thất bại.

Giai đoạn 2: Giai đoạn trưởng thành, được đặc trưng bởi sự phát triển các mối liên kết kinh tế ngày càng chặt chẽ và hiệu quả giữa các doanh nghiệp trong và ngoài KCN, bởi định hướng này càng rõ nét việc nâng cao hàm lượng khoa học của các công nghệ và sản phẩm của KCN.

Giai đoạn 3: Giai đoạn hoà nhập, tức KCN mất dần tính khép kín và vượt trội cả về các ưu đãi lẫn chất lượng cạnh tranh so với các vùng khác trong nước. Khi đó, KCN mất đi ý nghĩa ban đầu.

II. Các nguyên nhân thành bại trong việc xây dựng KCN

Ông Laurence S. Ting, Chủ tịch HĐQT Công ty liên doanh Tân Thuận nói: “Mỗi KCN đã thành công đều có những chỗ gần giống nhau, còn những KCX không thành công lại có những nhân tố thất bại khác nhau.”.

Phân tích kinh nghiệm của các nước khác nhau, ta có thể rút ra kết luận về những nguyên nhân dẫn đến sự thành bại của việc xây dựng các KCN là:

2.1. Các nguyên nhân thành công

Có thể quy nạp những điểm giống nhau của các KCN thành công với những điều kiện quan trọng chủ yếu sau:

- Môi trường chính trị ổn định, môi trường xã hội tốt, chính sách nhất quán, cởi mở.

- Lựa chọn vị trí thuận lợi, gần các đầu mối giao thông, mạng lưới giao thông và thiết bị vận tải đường bộ, đường biển, đường hàng không nhanh chóng, ổn định, thuận tiện.

- Có chính sách ưu đãi, khuyến khích đủ hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt về tài chính, thuế, thủ tục hành chính...

- Kết cấu hạ tầng tốt, thông tin liên lạc nhanh chóng, cung cấp điện, nước ổn định, đầy đủ, giá thành thấp.

- Lực lượng lao động dồi dào và được đào tạo chu đáo, giá nhân công hợp lý.

- Thời điểm xây dựng thích hợp.

- Tổ chức quản lý các KCN hiệu quả, các điều lệ, thủ tục hành chính đơn giản, rõ ràng, thuận lợi...

- Môi trường cư trú dễ chịu, an toàn và cơ sở vật chất cho hoạt động vui chơi giải trí tốt...

Tóm lại, một KCN muốn thành công cần phải quan tâm đến 3 lợi ích:

i) Lợi ích của nước sở tại

ii) Lợi ích của nhà đầu tư (trong và ngoài nước)

iii) Lợi ích của người lao động.

Đồng thời, công tác điều hành, quản lý KCN cũng là một yếu tố quan trọng không được coi nhẹ.

2.2. Các nguyên nhân thất bại

- Việc lựa chọn thời điểm thích hợp để xây dựng KCN chưa được quan tâm đúng mức

- Lựa chọn địa điểm KCN chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện sau:

+ Gần đầu mối giao thông như sâu bay, bến cảng, các tuyến đường quốc lộ, khu vực được cung cấp đủ và ổn định điện, nước, hệ thống thông tin...

+ Gần vùng dân cư tập trung để có nguồn cung cấp lao động, nhất là lao động có tay nghề thích hợp và giảm chi phí đi lại

+ Không nên xây dựng ở những nơi có kết cấu hạ tầng quá yếu kém, vì việc xây dựng mới và nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng rất khó khăn, đòi hỏi thời gian dài, nguồn vốn lớn, kỹ thuật công nghệ cao...

+ Gần các vùng nguyên vật liệu địa phương.

+ Không nên đặt KCN ở những khu vực kinh tế quá kém phát triển...

-  Thiếu các chính sách bảo hộ, hỗ trợ, thúc đẩy và khuyến khích có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Môi trường kinh doanh và đầu tư chưa thực sự thông thoáng, thuận lợi.

- Sự mất ổn định về chính trị trong nước khiến cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài không an tâm bỏ vốn.

- Ngoài ra, công tác marketing kém, KCN không phát huy hết năng lực sản xuất dự kiến, kết cấu hạ tầng trong KCN yếu kém, tổ chức hoạt động quản lý kém hiệu quả, tệ quan liêu, tham nhũng, thủ tục hành chính phiền hà...

 

Từ những nguyên nhân thành công và thất bại nêu trên, có thể nêu lên một số bài học có tính chất then chốt trong hoạt động tổ chức phát triển KCN như sau:

i) Mục tiêu của KCN phải được xác định rõ ràng để có thể hoạch định chiến lược phát triển, chính sách, biện pháp và có bước đi hợp lý.

Mỗi KCN khác nhau thì được thành lập với những mục đích lâu dài và trước mắt khác nhau. Chẳng hạn như nước chủ nhà muốn thúc đẩy lợi ích lâu dài của KCN cũng như hiệu quả liên kết và chuyển giao công nghệ thì cần có biện pháp để phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động của xí nghiệp KCN với khu vực còn lại của nền kinh tế, khuyến khích việc tham gia của các công ty trong nước vào KCN.  Ngược lại, nếu vì lợi ích ngắn hạn, vì thu nhập ngoại hối thì không cần có những quy định khuyến khích sự đầu tư và tham gia của các doanh nghiệp hướng vào thị trường trong nước vào KCN. Thông thường, thời kỳ đầu nên phấn đấu đạt mục tiêu ngắn hạn, khi đã có điều kiện phát triển sẽ hướng vào những mục tiêu dài hạn.

ii) Cần phải xác định đúng thời gian, địa điểm và quy mô xây dựng KCN để có thể đạt hiệu quả cao nhất trong đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác và phát triển, tạo tâm lý thuận lợi để thu hút vốn đầu tư.

iii) Phải lựa chọn đúng các loại ngành công nghiệp, loại hình sản phẩm để sản phẩm được phát triển trong KCN phải có thị trường tiêu thụ trong nước đồng thời có thể tìm được thị trường tiêu thụ trên thế giới và tận dụng được lợi thế tài nguyên của nước chủ nhà.

iv) Xây dựng tốt hệ thống kết cấu hạ tầng và hệ thống dịch vụ (tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, hải quan, bưu điện, y tế, khách sạn, vui chơi giải trí, cư trú, xuất nhập cảnh...) thuận lợi; đảm bảo tốt an ninh trật tự xã hội, an toàn về người và tài sản của nhà đầu tư . 

v) Xây dựng một hệ thống đồng bộ các chính sách khuyến khích đầu tư vào KCN (chính sách ưu đãi, bảo hộ, hỗ trợ... đối với các nhà đầu tư).

vi) Tổ chức khuếch trương cho việc xây dựng KCN để thu hút đầu tư của các Công ty xuyên quốc gia vào KCN. Chương trình khuếch trương bao gồm một loạt các biện pháp được xây dựng một cách tỷ mỉ và phối hợp chặt chẽ với nhau.

vii) Phải lựa chọn đúng đối tác.

viii) Phải có bộ máy quản lý KCN đủ năng lực, hoạt động tích cực, hiệu quả. Cần áp dụng chế độ quản lý “một cửa, tại chỗ” đối với KCN.

Về bộ máy quản lý KCN

Khác với Việt Nam, phần lớn luật pháp của các nước Châu á đều có quy định rõ ràng về sự tồn tại của một cơ quan quyền lực trung ương để giám sát sự phát triển của KCN, định rõ một Bộ trưởng hay cơ quan chịu trách nhiệm toàn bộ về sự phát triển của KCN và trao cho tổ chức đó các quyền rất lớn để kiểm soát sự phát triển KCN trên toàn quốc.

ở những nước này, luật pháp về KCN thường trao cho một Bộ trưởng hoặc cơ quan quản lý KCN cấp trung ương (TW) quyền xây dựng các quy định để thực hiện pháp luật về KCN. Các quy định này có thể gồm cả việc bỏ bớt hoặc bổ sung thêm vào hệ thống luật pháp hiện có. Bộ trưởng này có quyền đề ra các quy định “khi cần thiết hoặc thích hợp”. 

Các quy định liên quan đến hải quan thông thường do Bộ trưởng chịu trách nhiệm về hải quan dự thảo hoặc ít nhất thì cũng được sự nhất trí hoặc phối hợp với Bộ trưởng đó.

Cơ quan quản lý KCN ở cấp TW chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ các chức năng quan trọng của KCN, nhằm bảo đảm sự nhất quán trên toàn quốc. Các chi nhánh của cơ quan này được thành lập tại mỗi tỉnh hoặc KCN để theo dõi giải quyết các vấn đề hàng ngày của KCN.

Chức năng cơ bản của cơ quan quản lý KCN ở cấp trung ương là :

- Đề xuất phát triển và quản lý nhà nước các KCN trong phạm vi toàn quốc.

- Khuyến khích các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước đầu tư vào KCN...

Về tổ chức xúc tiến đầu tư

Khác với các nỗ lực khuyến khích đầu tư hải ngoại rất hạn chế của Việt Nam, phần lớn các nước châu á đã có và vẫn đang có các cơ quan khuyến khích đầu tư có quyền lực mạnh, hoạt động hiệu quả. Cần lưu ý về sự khác biệt lớn về quan điểm và thái độ giữa một cơ quan quy định đầu tư và một cơ quan khuyến khích đầu tư. Các nhà đầu tư hướng về xuất khẩu phản ứng rất mạnh với các nỗ lực xúc tiến đầu tư. Một cơ quan khuyến khích đầu tư tốt sẽ đảm bảo cho chương trình KCN được thăm dò thị trường cẩn thận, ổn định nguồn thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng vào KCN.

Có ba phương án cơ bản để tiến hành công tác xúc tiến đầu tư: Trao trách nhiệm xúc tiến đầu tư ở Việt Nam cho một cơ quan của Chính phủ, một tổ chức của khu vực tư nhân, hoặc một cơ quan tương tự như một cơ quan Chính phủ. Kinh nghiệm cho thấy rằng, nếu các cơ quan tương tự như cơ quan Chính phủ (một cơ quan bán chính phủ) được cấp vốn thích đáng sẽ là các cơ quan hiệu quả nhất trong công tác xúc tiến đầu tư. Các cơ quan như vậy không bị hạn chế bởi các cơ cấu, thủ tục và thang lương truyền thống của Chính phủ. Do vậy, họ có thể tuyển các nhân viên marketing của các Công ty tư nhân để thực hiện thành công nhiệm vụ này. Khi giao trách nhiệm và nguồn lực cho bất kỳ một tổ chức nào để thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư của đất nước thì cũng cần xác định mục tiêu của tổ chức đó một cách rõ ràng, nghĩa là cơ quan đó có trách nhiệm thu hút đầu tư nước ngoài vào trong nước, do đó định hướng của họ là tập trung vào việc thu hút các nhà đầu tư chứ không phải điều tiết các nhà đầu tư.

Có bốn loại các nhà đầu tư mà có thể thu hút để đầu tư vào bất kỳ nước nào. Loại thứ nhất là các nhà đầu tư quan tâm đến việc xây dựng một cơ sở sản xuất trong một nước để cung cấp cho thị trường nội địa. Loại thứ hai là các nhà đầu tư quan tâm đến phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên của một nước, như dầu, khoáng sản, gỗ. Loại thứ ba quan tâm đến việc mua các đầu tư thuộc sở hữu nhà nước đang được tư nhân hoá. Loại thứ tư là các nhà đầu tư theo định hướng xuất khẩu muốn tìm kiếm một cơ sở sản xuất có khả năng cạnh tranh để cung ứng cho thị trường xuất khẩu. Đối với ba loại trên, việc lựa chọn địa điểm là hạn chế. Họ được hấp dẫn bởi những gì có trong một nước, ví dụ: Quy mô của thị trường nội địa, sự sẵn có của dầu, khí, hoặc khoáng sản, và sự sẵn có của các doanh nghiệp nhà nước với mức giá chào mà họ có khả năng thu được lợi nhuận. Các loại nhà đầu tư này không bị ảnh hưởng bởi nỗ lực xúc tiến. Riêng loại thứ tư – các nhà đầu tư chế tác theo định hướng xuất khẩu (gồm cả các nhà đầu tư vào KCN) chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nỗ lực xúc tiến và những khuyến khích.

Về chính sách khuyến khích đầu tư và chủ đầu tư hạ tầng KCN  

Phải làm sao để trọn bộ các chính sách khuyến khích có khả năng cạnh tranh. Khuyến khích chủ yếu mà phần lớn các KCN đưa ra là miễn thuế. Các khuyến khích phải so sánh được với những khuyến khích tại các nơi cạnh tranh, vì các nhà đầu tư xuất khẩu sẽ chịu chi phối bởi các mức độ khuyến khích khi mọi điều kiện khác đều ngang bằng. Tuy nhiên, các khuyến khích không thể bù trừ được cho các yếu kém về kết cấu hạ tầng hay môi trường đầu tư, có nghĩa là vài năm miễn thuế không thể bù nổi đường sá tồi tàn hoặc cung cấp điện không đủ tin cậy.

Các nước châu á đã đạt được thành công trong phát triển KCN, Chính phủ các nước này đứng ra trực tiếp tự mình phát triển KCN, không cần phải dựa vào một nhà đầu tư nào từ bên ngoài để phát triển chương trình này. Rất hiếm thấy trường hợp như Việt Nam, do thiếu vốn, Chính phủ đã dựa vào các hoạt động liên doanh giữa các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển các KCN. Có ý kiến cho rằng, các tranh chấp giữa các đối tác hợp doanh và những khó khăn về tài chính tăng lên trong một số trường hợp sẽ làm cho KCN phát triển chậm lại; đồng thời ở những nơi có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, doanh nghiệp không thể kinh doanh hạ tầng KCN thì khó có thể phát triển KCN và công nghiệp để chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Từ việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế có thể rút ra một số kết luận sau đây:

- KCN là một khái niệm động, gắn liền với điều kiện hình thành và phát triển cụ thể của nó ở các nước khác nhau, trong các thời kỳ lịch sử khác nhau. Đây là một thực thể kinh tế có chức năng và mục tiêu nhất định, được phát triển và được quản lý theo những yêu cầu khách quan, phù hợp với đặc điểm và trình độ phát triển kinh tế của quốc gia, quốc tế và là một bộ phận hữu cơ của môi trường đầu tư kinh doanh trong nền kinh tế quản lý.

- Để cho KCN có thể hình thành và phát triển một cách thuận lợi cần đảm bảo các yếu tố bên trong và bên ngoài phù hợp với chức năng và mục tiêu đặt ra cho mỗi KCN, tránh chạy theo hình thức, phong trào, rập khuôn, máy móc.

- Cần tham khảo các kinh nghiệm thành công và không thành công của các KCN trong và ngoài nước khi thiết kế, tổ chức phát triển và quản lý một KCN nhất định./.

  • Tags: