Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Bài báo nghiên cứu "Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" do ThS. Trần Thị Trân Châu (Giảng viên Trường Đại học Khánh Hòa) thực hiện.

Tóm tắt:

Tầm quan trọng của kinh tế tư nhân đã được Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII khẳng định: “Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”9. Trong giai đoạn 2010 - 2022, sự đóng góp về tỷ trọng khu vực kinh tế ngoài nhà nước vào GDP tăng từ 47,54% (năm 2010)5 lên 50,46% (năm 2022)7. Tuy nhiên, phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, như: các doanh nghiệp chưa chủ động hoặc ít liên kết với nhau; thiếu một “đầu tàu” hay “sếu đầu đàn” để dẫn dắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất trong nước và quốc tế. Trong quá trình nghiên cứu, tác giả đã khai thác số liệu từ Niên giám Thống kê Việt Nam hàng năm, sử dụng phương pháp thống kê, mô tả, tổng hợp nhằm phân tích thực trạng phát triển kinh tế tư nhân giai đoạn 2010 - 2023. Từ đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Từ khóa: kinh tế tư nhân, phát triển kinh tế tư nhân, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, phát triển kinh tế tư nhân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng và Nhà nước đã khẳng định tại Văn kiện Đại hội Đại biểu lần thứ XIII. Khu vực kinh tế tư nhân luôn chiếm tỷ trọng từ 45% - 50% GDP của cả nước, thu hút nhiều lực lượng lao động ở nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm. Tuy nhiên, phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam hiện nay còn bộc lộ một số hạn chế, như: điều kiện về pháp lý, kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều bất cập và chồng chéo; cách đo lường chỉ số tổng sản phẩm trong nước (GDP) hiện nay chưa chú trọng xem xét các yếu tố thuộc về xã hội và môi trường. Để cải thiện những hạn chế còn tồn tại và đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trong thời gian tới, tác giả phân tích thực trạng phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn 2010 - 2023, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

2. Tổng quan tài liệu nghiên cứu

Trong những năm qua, có rất nhiều tài liệu nghiên cứu về phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam theo nhiều cách tiếp cận khác nhau. Nghiên cứu “Một số vấn đề lý luận - Thực tiễn về phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam” (Nguyễn Văn Thành và Trần Kim Chung, 2023) và “Khu vực kinh tế tư nhân: Thực trạng và giải pháp” (Lại Tiến Dĩnh, 2021), “Thực trạng và giải pháp phát triển thành phần kinh tế tư nhân” (Trần Thị Hoa, 2022) và “Một số giải pháp phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế ở Việt Nam hiện nay” (Lê Văn Thơi, 2023) đã phân tích thực trạng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trong thời gian qua, những hạn chế, bất cập và đề xuất một số giải pháp cho phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam trong thời gian tới. Thông qua các nghiên cứu, tác giả đã phân tích thực trạng, vai trò, hạn chế và đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân một cách có lộ trình và trở thành một trong những khu vực kinh tế phát triển bền vững của Việt Nam.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Thực trạng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2023

          Trong giai đoạn 2010 - 2023, kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã đạt những kết quả sau:

          Thứ nhất, số lao động có việc làm ở khu vực tư nhân luôn cao hơn so với các khu vực khác.

Bảng 1. Số lượng lao động có việc làm phân theo khu vực kinh tế

Đơn vị tính: nghìn người

kinh te

Nguồn: Tổng hợp từ Niên giám thống kê Việt Nam, năm 2023.

Từ Bảng 1, cho thấy, số lượng lao động ở khu vực tư nhân càng ngày càng tăng và chênh lệch giữa lao động của khu vực tư nhân với lao động của khu vực nhà nước và khu vực FDI rất nhiều. Số lao động ở khu vực tư nhân luôn cao hơn so với 2 khu vực còn lại. Điều này cho thấy, kinh tế tư nhân ở Việt Nam ngày càng phát triển và đã thu hút được nhiều lao động tham gia vào khu vực này. Điều này đã giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là sử dụng lao động tại chỗ, đồng thời làm tăng sự lựa chọn cho người lao động và người sử dụng lao động, dẫn đến làm tăng khả năng cạnh tranh trong thị trường lao động.

Thứ hai, cơ cấu về số lượng doanh nghiệp ở khu vực tư nhân ngày càng tăng nhiều so với khu vực nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Hình 1: Cơ cấu về số lượng doanh nghiệp ở 3 khu vực giai đoạn 2010 - 2023 (%)

Nguồn: Tổng hợp từ Niên giám thống kê Việt Nam năm 2023, *: Tác giả.

Giai đoạn 2010 - 2019, tỷ trọng khu vực doanh nghiệp tư nhân luôn tăng qua các năm và chiếm tỷ trọng rất cao (trên 96%) so với khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Hình 1). Từ sau năm 2019, tỷ trọng khu vực tư nhân tuy có giảm, nhưng mức độ giảm không nhiều và vẫn là khu vực chiếm tỷ trọng cao nhất trong cả 3 khu vực. Từ năm 2023, tỷ trọng khu vực tư nhân đã tăng lên rất nhanh. Khu vực kinh tế tư nhân đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp hơn so với khu vực nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp một lượng lớn vào ngân sách nhà nước. Trong giai đoạn 2010 - 2023, sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực công, thương nghiệp, dịch vụ ngoài nhà nước có sự chênh lệch nhiều.

Hình 2: Tỷ trọng (%) về thu ngân sách nhà nước của 3 loại hình kinh tế

giai đoạn 2010 - 2023

Nguồn: Tổng hợp từ Niên giám thống kê Việt Nam năm 2015, 2019, 2022, *: Tác giả.

Từ Hình 2, cho thấy, giai đoạn 2010 - 2016, khu vực doanh nghiệp nhà nước đóng góp rất nhiều cho ngân sách nhà nước và sự đóng góp của khu vực này cao hơn so với 2 khu vực còn lại. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016 - 2023, sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhà nước bắt đầu giảm mạnh và thay vào đó là 2 khu vực còn lại; đặc biệt, khu vực công, thương nghiệp, dịch vụ ngoài nhà nước ngày càng tăng nhanh và cách xa nhiều so với khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, năm 2021, tỷ trọng thu ngân sách nhà nước của khu vực công, thương nghiệp, dịch vụ ngoài nhà nước đạt mức cao nhất so với khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Hình 2).

Thứ tư, kinh tế tư nhân đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 39% - 40% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, lực lượng doanh nghiệp tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi “diện mạo” đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

3.2. Một số hạn chế trong phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam thời gian qua

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam còn một số hạn chế:

Một là, các chính sách và môi trường pháp lý của khu vực kinh tế tư nhân chưa đầy đủ và còn chồng chéo. Một số doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn bị đối xử không công bằng so với các doanh nghiệp lớn và có tiếng.

Hai là, các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ còn thiếu sự liên kết với nhau, không tạo ra được tiếng nói chung để nâng cao năng lực canh tranh, đặc biệt thiếu doanh nghiệp là “sếu đầu đàn” để dẫn dắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ba là, năng suất lao động của doanh nghiệp tư nhân còn thấp. Đa số doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các hộ kinh doanh gia đình, cá thể nên sử dụng nhiều lao động và máy móc không hiện đại, sử dụng hình thức thủ công nhiều trong quá trình sản xuất, dẫn đến năng lực sản xuất bị hạn chế và năng suất lao động tạo ra không cao.

Bốn là, việc phát triển doanh nghiệp trong loại hình kinh tế tư nhân còn mang nặng tính hình thức, phát triển bề rộng, chưa quan tâm đến chất lượng và bề sâu. Nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ được hình thành chủ yếu từ các hộ gia đình, dẫn đến kết quả số lượng đơn vị thành lập nhiều, nhưng thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh thiếu ổn định và bền vững, hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao.

Năm là, trình độ quản lý của các chủ doanh nghiệp còn thấp. Các chủ doanh nghiệp tư nhân trưởng thành qua học hỏi, qua bạn hàng, từ kinh nghiệm thực tiễn và chỉ có một số được đào tạo qua trường lớp chính quy về quản trị doanh nghiệp, hay quản lý về kinh tế chung, nên các chủ doanh nghiệp tư nhân khó khăn trong việc cạnh tranh. Đồng thời, với sự phát triển kinh tế toàn cầu như hiện nay, việc kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân với những hạn chế như trên sẽ là rào cản sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam nói chung.

3.3. Một số giải pháp nhằm phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Trong thời gian qua, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Để phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo tác giả, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp dưới đây.

Thứ nhất, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi, môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn và bình đẳng cho phát triển kinh tế tư nhân, quan tâm nhiều hơn tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ.

Thứ hai, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ đối với các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cần có chính sách thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ tham gia vào các cụm liên kết ngành, các chuỗi giá trị trong nước và quốc tế, các chuỗi giá trị toàn cầu để từng bước tạo ra nền kinh tế tuần hoàn.

Thứ ba, đưa ra những quy định chặt chẽ, ràng buộc về trách nhiệm đối với những doanh nghiệp đưa chất thải ra ngoài môi trường; phát triển những thị trường, sản phẩm tái chế, tái sử dụng; khuyến khích, thúc đẩy hợp tác các doanh nghiệp ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Thứ tư, tăng cường đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là những vấn đề liên quan đến cấp thoát nước, thủy lợi, xử lý chất thải. Đồng thời, cần có chính sách, cơ chế ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp tư nhân ở nước ngoài tham gia vào đầu tư trong nước, hoặc tham gia vào cung cấp các dịch vụ cơ sở hạ tầng để góp phần bổ sung thêm nguồn vốn đầu tư cho xã hội và giảm bớt gánh nặng về vốn cho Nhà nước.

Thứ năm, phát triển kinh tế tư nhân cần tập trung theo hướng khoa học công nghệ, đổi mới tư duy sáng tạo và chuyển đổi số trong kinh doanh. Đồng thời, các doanh nghiệp, công ty cần chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

4. Kết luận

Phát triển kinh tế tư nhân là tất yếu khách quan trong nền kinh tế thị trường đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam khẳng định tại Đại hội lần thứ XIII. Với quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu và phát triển của khoa học công nghệ, việc phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là điều cần thiết. Từ kết quả phân tích cho thấy, tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế đất nước trong thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế để doanh nghiệp tư nhân phát triển. Nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trên một cách hiệu quả để hạn chế những tiêu cực và phát huy hơn nữa hiệu quả của khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới.

 

Tài liệu trích dẫn và tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Hà Nội.

2. Lại Tiến Dĩnh (2021). Khu vực kinh tế tư nhân: Thực trạng và giải pháp. Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 19.

3. Lê Văn Thơi (2023). Một số giải pháp phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 26.

4. Nguyễn Văn Thành và Trần Kim Chung (2023). Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Truy cập tại: https://tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/mot-so-van-de-ly-luan-thuc-tien-ve-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-o-viet-nam

5. Tổng cục Thống kê (2016), Niên giám thống kê Việt Nam 2015, NXB Thống kê, Hà Nội.

6.  Tổng cục Thống kê (2020), Niên giám thống kê Việt Nam 2019, Hà Nội.

7. Tổng cục Thống kê (2023), Niên giám thống kê Việt Nam 2022, Hà Nội.

8. Trần Thị Hoa (2022). Thực trạng và giải pháp phát triển thành phần kinh tế tư nhân. Tạp chí Tài chính, truy cập tại: https://tapchitaichinh.vn/thuc-trang-va-giai-phap-phat-trien-thanh-phan-kinh-te-tu-nhan.html

9. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022). Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Tài liệu Hội thảo, ngày 12 tháng 3 năm 2022.

 

Developing Vietnam's private economy until 2030 with a vision to 2045

Master. Tran Thi Tran Chau

Lecturer, Khanh Hoa University

Abstract:

The importance of the private economy was affirmed by the 13th National Congress of the Communist Party of Vietnam with the statement of strongly developing Vietnam’s private economic sector in terms of quantity, quality, efficiency, and sustainability to become an important driving force of the country’s economic development. In the period 2010 - 2022, the contribution of the non-state economic sector to the country’s GDP increases from 47.54% (2010)5 to 50.46% (2022)7. However, the development of the private economy in Vietnam still faces limitations. For example, private businesses are not proactive and have little connection with each other. It lacks of leading businesses to lead small and medium-sized enterprises to participate in the domestic and international production value chain. In this study, data were collected from the Vietnam Statistics Department's Yearbook. Statistical, descriptive, and synthetic methods were used to analyze the development of the private economy in the period 2010 – 2023. Based on the study’s findings, some solutions were proposed to develop Vietnam's private economy until 2030, with a vision to 2045.

Keywords: private economy, private economic development, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18 tháng 8 năm 2024]