Tìm giải pháp sáng tạo thúc đẩy hành động phát triển kinh tế tuần hoàn

Sáng ngày 10/12/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức “Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024: Từ Kế hoạch đến Hành động”

Tiếp nối thành công của Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam năm 2022 và năm 2023, Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn lần thứ 3 (năm 2024) có sự tham gia của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng đại diện các đối tác phát triển, Đại sứ quán, các doanh nghiệp lớn, các tổ chức phi chính phủ (NGO), trường đại học, Viện nghiên cứu và các chuyên gia đầu ngành về kinh tế tuần hoàn (KTTH).

Sự kiện do Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với VnEconomy và các đối tác đồng hành tổ chức. Ở lần thứ 3 Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024 có chủ đề “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - Từ Kế hoạch đến hành động”, sẽ gồm 01 Diễn đàn Phiên toàn thể và 03 Hội thảo chuyên đề. Mục tiêu của Diễn đàn sẽ phản ánh bức tranh tổng thể về các định hướng, cơ chế chính sách cũng như hiện trạng và các giải pháp sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; vai trò của khu vực tư nhân trong việc thực hiện nền kinh tế tuần hoàn.

Tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động

Tại Diễn đàn, các đối tác trong nước và quốc tế đã cùng nhau thảo luận về con đường chuyển đổi sang nền KTTH tại Việt Nam và cách thức thúc đẩy nền KTTH tại Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực ASEAN thiết lập một khung thể chế, pháp luật toàn diện cho KTTH.

Thực tế những năm qua, phát triển Kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Tại Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Đảng đã xác định tập trung vào mục tiêu “Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. KTTH được xem là cách tiếp cận phù hợp nhằm quản lý chất thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT), phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH trình Thủ tướng Chính phủ ban hành với sự tham gia và đóng góp ý kiến của các Bộ/ngành, địa phương, các chuyên gia trong và ngoài nước, sự hỗ trợ của các quốc tế

Tại phiên toàn thể Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên đã có bài phát biểu khai mạc khẳng định việc thực hiện KTTH là nhiệm vụ liên ngành và là trách nhiệm của toàn xã hội với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân.

thứ trưởng Kiên phát biểu về kinh tế tuần hoàn
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên phát biểu tại diễn đàn.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nhấn mạnh: “Hiện thực hóa Kế hoạch HĐQG; thực hiện KTTH sẽ góp phần tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động; phát triển các thực hành tốt, tạo dựng văn hóa và lối sống xanh, đồng thời thúc đẩy tạo việc làm xanh và phát triển chuỗi giá trị mới trong lĩnh vực KTTH“.

Tại Phiên 1 của Diễn đàn “Chuyển đổi nền KTTH tại Việt Nam: Chúng ta đang ở đâu? và chúng ta sẽ đi về đâu? Trình bày về “Khung chính sách KTTH cho giai đoạn 2020-2024”, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, nhằm sản xuất, tiêu dùng bền vững; hiệu quả tài nguyên, tận dụng giá trị chất thải, Dự thảo Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện Kinh tế tuần hoàn có mục tiêu đến năm 2035: Sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu; tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo; Kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường; Hiệu quả về kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo và bền vững.

dự thảo về kinh tế tuần hoàn
Một số lĩnh vực được đề xuất ưu tiên tại Dự thảo.

Theo Dự thảo các ngành, lĩnh vực và sản phẩm, dịch vụ ưu tiên sẽ bao gồm:Nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến gỗ và thủy sản; năng lượng; Khai thác khoáng sản và chế biến khoáng sản; Hóa chất; công nghiệp chế biến, chế tạo; Xây dựng, Giao thông vận tải; Du lịch, cộng sinh công nghiệp, đô thị; lĩnh vực hỗ trợ thực hiện Kinh tế tuần hoàn.

kinh tế tuân hoàn
Kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn sẽ tập trung vào các mục tiêu thúc đẩy các hoạt động  tái chế, tái sử dụng nhằm tối ưu hóa, tiết kiệm các nguồn tài nguyên, hạn chế rác thải...

Cùng với đó là 5 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035: Một là Nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển các thực hành tốt về thực hiện kinh tế tuần hoàn; Hai là Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thực hiện kinh tế tuần hoàn; Ba là Hỗ trợ thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; Bốn là Tăng cường quản lý chất thải để thực hiện kinh tế tuần hoàn; Năm là Đẩy mạnh liên kết, hợp tác,giám sát, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Ông Nguyễn Đình Thọ cũng đề cập đến một số thách thức trong triển khai thực hiện Kinh tế tuần hoàn như: Cách tiếp cận có hệ thống trong quản trị/hoạt động kinh tế chưa được áp dụng hiệu quả Các lợi ích lâu dài, bền vững từ BVMT và KTTH chưa được chú trọng,Thị trường hàng hóa, dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm tái chế...chưa được quan tâm, hỗ trợ, một số công cụ chính sách như đầu tư công, thuế giá trị gia tăng, thuế BVMT chưa được đồng bộ…

Theo đó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường đề 4 xuất định hướng xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, thực hiện kinh tế tuần hoàn như: Sớm ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH; Thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế xã hội và quản lý chất thải của các ngành, lĩnh vực, vùng, miền và địa phương; Rà soát, sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách, pháp luật, các chế tài xử lý để khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn; Rà soát, sửa đổi, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên

Cũng tại phiên 1 chia sẻ nhiều mô hình kinh nghiệm liên quan đến thúc đẩy KTTH như Đổi mới và công nghệ để thực hiện KTTH, các kinh nghiệm mô hình Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thông qua các khu công nghiệp sinh thái hỗ trợ KTTH…

khu công nghiệp sinh thái

UNDP tham vấn bốn ưu tiên chính để thúc đẩy Kinh tế tuần hoàn

Trong phiên đối thoại về “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - Từ lập kế hoạch đến hành động” diễn ra sáng ngày 10/12/2024, đại diện từ cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đã cùng nhau thảo luận về cơ hội, thách thức và nguồn lực cần thiết để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới.

Trong buổi chiều, Diễn đàn tiếp tục được chia thành 03 phiên chuyên đề tập trung vào các nội dung: Thiết kế theo hướng KTTH (vật liệu thay thế); Sản xuất và tiêu dùng bền vững (Tái sử dụng, tái nạp, dịch vụ, công cụ số, thị trường…) và Biến chất thải thành tài nguyên (phân loại và tái chế).

đại diện UNDP
Bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc phát biểu tại Diễn đàn.

Tại phiên khai mạc diễn đàn, Bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam chia sẻ: Chúng ta đang ở thời điểm trước thềm năm 2025. Chỉ còn 5 năm nữa là tới vạch đích của mục tiêu Phát triển bền vững và một nửa chặng đường cho tới Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đến năm 2030.

“Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho giai đoạn này: giảm gần 16% lượng phát thải khí nhà kính, đảm bảo xử lý 95% nước thải đô thị và tăng GDP bình quân đầu người lên 7.500 USD. Những tham vọng này phản ánh cam kết của Việt Nam đối với phát triển bền vững và phúc lợi của người dân”, bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.

Phát biểu bên lề Diễn đàn, Bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhấn mạnh: “Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cần ưu tiên bốn việc chính. Thứ nhất, lồng ghép thiết kế sinh thái, thiết kế hoàn vào các chính sách và đưa các mục tiêu có thể đo lường được vào lộ trình kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, thúc đẩy đổi mới và khả năng cạnh tranh.

Thứ hai, ưu tiên các ngành chính như nông nghiệp, điện tử, nhựa, dệt may và vật liệu xây dựng để giúp Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và mở ra các cơ hội cho tăng trưởng bền vững. Thứ ba, đảm bảo các thể chế hiệu quả và cấu trúc quản trị hợp lý sẽ giảm bớt rào cản và thúc đẩy đổi mới. Cuối cùng, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn phải là nỗ lực của toàn xã hội, đặt con người và công bằng xã hội vào trung tâm trong khi thúc đẩy các quan hệ đối tác như Đối tác hành động về nhựa quốc gia và Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam để biến tầm nhìn thành hành động.”

Phan Vi