Nằm ở phía nam Trung Quốc, tỉnh Quảng Tây có biên giới đất liền phía Tây Nam tiếp giáp với các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam. Vùng biển phía nam của Quảng Tây tiếp giáp Vịnh Bắc bộ của Việt Nam.
Nhiều tiềm năng
Quảng Tây có diện tích 236.700km2, lớn thứ 9 về diện tích tại Trung Quốc và đứng thứ 10 về dân số với khoảng 50 triệu người. Năm 2009, GDP của Quảng Tây xếp thứ 15 tại Trung Quốc, tăng trưởng xuất khẩu đứng đầu cả nước. Quảng Tây có tiềm lực lớn và ưu thế rõ rệt trong việc đẩy nhanh phát triển kinh tế. Những mặt nổi bật của Quảng Tây được thể hiện như sau:
Ưu thế vị trí khu vực: Quảng Tây là tỉnh vừa giáp biển lại vừa giáp biên duy nhất ở miền tây Trung Quốc, nằm trong vành đai kinh tế Hoa Nam và là cửa ngõ nối thông với vành đai kinh tế tây nam Trung Quốc với vành đai kinh tế ASEAN. Với ưu thế địa lý như trên, Quảng Tây là cánh cửa ra biển thuận tiện nhất ở vùng tây nam Trung Quốc, đồng thời còn là cánh cửa và con đường giao thông mấu chốt để Trung Quốc giao lưu với các nước ASEAN.
Ưu thế về tài nguyên. Quảng Tây là một trong 10 tỉnh có kim loại màu ở Trung Quốc, có 12 loại khoáng sản với trữ lượng đứng đầu cả nước. Trong đó trữ lượng nhôm đạt hơn 1 tỷ tấn và Quảng Tây sẽ phát triển thành trung tâm của nhôm lớn nhất Trung Quốc. Tài nguyên phi kim loại của Quảng Tây cũng rất phong phú, tại đây còn có thể phát triển trung tâm sản xuất xi măng lớn nhất ở miền nam Trung Quốc. Quảng Tây còn có tiềm năng khai thác tài nguyên năng lượng nước làm thủy điện rất lớn, là một trung tâm quan trọng trong việc “đưa điện từ miền tây về miền đông” của Trung Quốc. Tài nguyên nông, lâm nghiệp, tài nguyên động, thực vật, tài nguyên biển cũng rất phong phú.
Ưu thế chính sách. Quảng Tây đồng thời được hưởng chính sách tự trị của khu vực dân tộc thiểu số, chính sách của chiến lược Đại khai thác miền tây và chính sách mở cửa vùng biển cũng như chính sách mở cửa biên giới.
Ngoài ra, tại Quảng Tây đã hình thành một loạt các ngành nghề có ưu thế như ngành chế biến đường, ngành sản xuất kim loại màu, chế tạo ô tô và máy móc, vật liệu xây dựng, thực phẩm, y dược.
Quan hệ giữa Việt Nam và Quảng Tây
Tháng 11/2006, chính phủ hai nước Việt Nam – Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận hợp tác “Hai hành lang một vành đai kinh tế” nhằm xây dựng và phát triển quan hệ về đầu tư, thương mại, sản xuất và du lịch giữa hai nước.
Hai hành lang kinh tế bao gồm: (I) hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; (II) hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Vành đai kinh tế Việt Nam – Trung Quốc bao gồm thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam và tỉnh Hải Nam, Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây) của Trung Quốc.
Việt Nam và Quảng Tây cũng là cầu nối về cả đường bộ, đường biển và đường hàng không giữa Trung Quốc và ASEAN.
Cho đến nay, hai nước Việt Nam – Trung Quốc đã đề ra rất nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển các hành lang kinh tế này. Lấy tuyến trục giao thông và các hoạt động kinh tế làm nòng cốt, hai bên đã bắt tay xây dựng các tuyến đường xuyên quốc gia, nối liền các hành lang kinh tế.
Về buôn bán, trao đổi thương mại: Hai bên đã tích cực khai thác những thuận lợi của đường biên giới chung trong việc trao đổi buôn bán hàng hóa. Quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Quảng Tây với Việt Nam đã phát triển nhanh chóng. 11 năm qua, Việt Nam đã trở thành bạn hàng lớn nhất của Quảng Tây. Năm 2009, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 4 tỷ USD, chiếm gần 20% tổng kim ngạch 2 nước với các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu là cao su, dệt may, hàng nông, thủy sản.
Về đầu tư, Quảng Tây và Việt Nam đã có nhiều dự án đầu tư lẫn nhau. Các mục tiêu chung mà Việt Nam và Trung Quốc cùng hướng tới là: củng cố và phát triển tình hữu nghị truyền thống; tăng cường hợp tác giao thông, xây dựng đường sắt, đường bộ, hàng không, xây dựng đường cao tốc Nam Ninh – Hà Nội, không ngừng nâng cao hợp tác kinh tế, thương mại, mở rộng thương mại hàng hóa, cải thiện môi trường đầu tư; tăng cường phối hợp và hợp tác giữa các địa phương hai nước; tổ chức hội chợ Trung Quốc – ASEAN.
Về hợp tác phát triển, hai bên thường xuyên có những chuyến thăm cấp cao giữa chính quyền của tỉnh Quảng Tây và chính phủ Việt Nam cũng như các bộ, ngành của Việt Nam. Chính quyền Quảng Tây khẳng định luôn coi trọng việc phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với ASEAN, trong đó có Việt Nam, Phía Việt Nam cùng bày tỏ mong muốn hợp tác và phát triển với tỉnh Quảng Tây, trước hết trong việc xây dựng và khai thác các vành đai và hành lang kinh tế để phát triển kinh tế đất nước.
Đoàn chính quyền và doanh nghiệp của tỉnh Quảng Tây do ông Mã Tiêu, Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) dẫn đầu vừa có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ 11 – 14/9.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc, đoàn chính quyền và doanh nghiệp Quảng Tây đã gặp gỡ và làm việc cùng các lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp đoàn. Bên cạnh đó, đoàn còn làm việc cùng các bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam. Chuyến thăm của đoàn nhằm xây dựng và thúc đẩy quan hệ nhiều mặt giữa hai nước nói chung và giữa Việt Nam với tỉnh Quảng Tây nói riêng.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm của đoàn, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt Nam – Trung Quốc đã được tổ chức ngày 11/9. Theo thông tin từ Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, đơn vị tổ chức, có tới 54 dự án hợp tác thương mại, đầu tư và tín dụng với tổng giá trị 1,9 tỉ USD đã được ký kết tại Diễn đàn. Đây là một kết quả rất đáng khâm phục và ghi nhận tại một sự kiện rất có ý nghĩa đối với hai bên. Các phương thức hợp tác là thương mại, tín dụng và hợp tác đầu tư, trong đó có các dự án như: mua bán phụ tùng ắc quy, bột sắn, mua bán thiết bị cơ khí, xi măng, xây dựng nhà máy luyện kim, nhà máy điện gió, thủy điện, xây dựng khu đô thị, trung tâm thương mại, cải tạo nhà máy xi măng.
Tính đến nay, Trung Quốc đã có 743 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt hơn 3 tỷ USD, đứng thứ 15 trên tổng số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai nước Việt Nam – Trung Quốc đạt 21,35 tỷ USD, tăng 5,04% so với năm 2008. Hai nước Việt Nam – Trung Quốc nỗ lực cho hợp tác kinh tế, phấn đấu kim ngạch thương mại hai nước đạt 25 tỷ USD trong năm 2010.
Với những kết quả rất đáng mừng và nhiều triển vọng giữa hai bên, quan hệ hữu nghị Việt Nam – Quảng Tây sẽ là điểm kết nối trong khu vực mậu dịch tự do ASEAn với Trung Quốc nói chung và Việt Nam – Trung Quốc nói riêng.
Phát triển kinh tế Việt Nam và tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc
TCCT