Các nhà máy cơ khí lớn - những đứa con đầu lòng của ngành cơ khí Việt Nam đã ra đời tại Hà Nội. Những năm 60-70 thế kỷ trước, các sản phẩm cơ khí của thời kỳ đầu xây dựng CNXH như: Máy tiện, máy đột dập, các loại máy động lực diezen, bếp dầu, xe đạp các loại,… từng là niềm tự hào, không những của Hà Nội, mà còn là của toàn ngành công nghiệp Việt Nam.
Dù nhiều lúc thăng trầm, nhưng ở thời kỳ phát triển nào, cơ khí vẫn luôn được coi là ngành công nghiệp chủ lực số một của Hà Nội. Từ phục vụ cho thị trường máy móc, linh phụ kiện của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông… cho đến phục vụ cho thị trường về hàng tiêu dùng gia dụng, đồ dùng văn phòng, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí…
Đến năm 2013, cơ khí Hà Nội đã đạt giá trị trên 54 nghìn tỷ đồng (theo giá 1994), chiếm tỷ trọng tới 40% giá trị toàn ngành công nghiệp, thu hút trên 180 nghìn lao động, với trên 12 nghìn cơ sở sản xuất. Đây là ngành công nghiệp thu hút đông đảo loại hình DN, bao gồm cả DN Nhà nước, DN dân doanh, DN có vốn FDI, hộ tiểu chủ và cá thể, với đủ loại quy mô lớn, vừa và nhỏ. Từ 5 năm trở lại đây, nhất là khi hội nhập với sự tham gia mạnh mẽ của khối FDI, cơ khí Hà Nội đã có tăng trưởng rất nhanh về giá trị xuất khẩu với các sản phẩm: Biến thế, dây và cáp điện, máy X quang, siêu âm, ống thép, khung nhà thép tiền chế, khuôn mẫu, bao bì kim loại, các chi tiết linh kiện cơ khí cho sản phẩm điện tử, ô tô, xe máy, máy văn phòng,…
Cơ khí Hà Nội đã ứng dụng nhanh các công nghệ mới như: Công nghệ gia công CNC, thiết kế và chế tạo có sự trợ giúp của máy tính CAD/CAM, tự động hóa các chức năng với bộ điều khiển chương trình logic PLC. Các công nghệ mới về hàn, đột dập tấm lớn và các chi tiết nhỏ chính xác cao, sử dụng các phần mềm thiết kế và điều khiển chuyên dụng, chế tạo khuôn mẫu, đúc áp lực, sử dụng các công cụ tiên tiến như công nghệ plasma, laze, robots,… Tại Hà Nội đã có những khu cụm công nghiệp gồm các DN trong và ngoài nước chuyên sâu cho linh kiện cơ khí chính xác cho ngành điện tử, ô tô, xe máy,….
Hà Nội đã hình thành các nhóm DN chuyên doanh về sản phẩm, tạo ra sức cạnh tranh cao như: Thép kết cấu, sản phẩm thép Inox, thép trang trí nội ngoại thất, các loại cửa thép, tấm lợp, các loại bồn chứa, tủ, két, thiết bị áp lực, dụng cụ cắt gọt; Các loại phụ tùng, các loại chi tiết của thiết bị đồng bộ cho ngành dầu khí, xi măng, thủy điện, nhiệt điện, phát dẫn điện, khai thác mỏ, phát thanh, truyền hình,..
Nhiều sản phẩm cơ khí có giá trị lớn, công nghệ cao của Hà Nội như: Ô tô, xe máy, xe đạp, máy biến thế, động cơ, dây chuyền thiết bị thực phẩm, nồi hơi, đồ gia dụng, khuôn mẫu, dây và cáp điện, khóa, quạt, phụ tùng linh kiện xe máy,… đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội. Đã có một số DN cơ khí chủ lực của Hà Nội nhận được gói hỗ trợ của thành phố về lãi suất suất sau đầu tư, lãi suất vay vốn lưu động,..
Quá trình CNH và HĐH đất nước đang diễn ra mạnh mẽ. Nhu cầu về số lượng, chủng loại sản phẩm cơ khí là rất cao. Để tăng sức cạnh tranh, còn rất nhiều nút thắt cần nhanh chóng tháo gỡ, khơi thông, nhất là về thị trường, về công nghệ và thiết bị, vật liệu, vốn đầu tư, quản lý, nguồn nhân lực,… đòi hỏi phải có các giải pháp phát triển mạnh mẽ hơn cho ngành cơ khí, như sau:
Thứ nhất: Cần nhanh chóng tái cấu trúc, sắp xếp lại ngành cơ khí trên địa bàn toàn quốc.
Thứ hai: Tập trung được các nguồn lực cần thiết cho các sản phẩm cơ khí trọng điểm quốc gia, đồng thời phát huy được tính chủ động sáng tạo của địa phương trong khuyến khích hỗ trợ các DN cơ khí trên địa bàn.
Thứ ba: Tiếp tục nghiên cứu và ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời và đủ mạnh để bảo hộ cho các sản phẩm cơ khí trong nước trước sản phẩm ngoại, nhất là đối với các sản phẩm cơ khí trọng điểm.
Thứ tư: Ưu tiên các chính sách vay vốn lãi suất ưu đãi cho các sản phẩm cơ khí trọng điểm, các sản phẩm cơ khí công nghệ cao.
Thứ năm: Hỗ trợ các DN cơ khí trong nghiên cứu phát triển R&D để thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng công nghệ mới trong các DN.
Thứ sáu: Tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản phẩm cơ khí toàn cầu.