KTNN được chính thức thành lập theo quy định tại Nghị định số 70-CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ, là tổ chức hoàn toàn mới trong hệ thống chính trị, không có tổ chức tiền thân. Sự ra đời của KTNN đánh dấu một bước phát triển mới của hệ thống các công cụ kiểm tra, kiểm soát về quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính Nhà nước khi nước ta bắt đầu thực hiện chuyển đổi cơ chế quản lý từ tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.
Trong 30 năm qua, KTNN đã không ngừng phát triển, với địa vị pháp lý được hiến định tại Điều 118 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: “KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”. Từ cơ quan được Luật định, KTNN trở thành cơ quan được Hiến định, khẳng định vị thế, vai trò, trách nhiệm của KTNN trong kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực ngày càng lớn mạnh
Những ngày đầu mới thành lập (1994-1995), KTNN chỉ có hơn 60 công chức, kiểm toán viên là những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - kế toán, được tuyển dụng từ các cơ quan trung ương và địa phương. Đến nay, KTNN đã có 2.303 công chức, viên chức, kiểm toán viên, trong đó: Ngạch Kiểm toán viên cao cấp chiếm 2,7%, ngạch Kiểm toán viên chính chiếm 27,7%, ngạch Kiểm toán viên chiếm 53,6% và ngạch khác chiếm 16%; chuyên ngành kinh tế chiếm 58%, chuyên ngành kỹ thuật chiếm 25% và chuyên ngành khác chiếm 17%.
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kiểm toán viên của KTNN từng bước được tăng cường, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, chuyên nghiệp với 100% Kiểm toán viên nhà nước có trình độ đại học trở lên, được đào tạo bài bản trong nước và quốc tế (46 tiến sĩ và 1.200 thạc sĩ); tạo được uy tín với đơn vị được kiểm toán cũng như đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chức năng, nhiệm vụ và kỳ vọng của Đảng, Quốc hội và nhân dân đối với KTNN.
Để xây dựng và phát triển ngành KTNN có năng lực, uy tín và hội nhập quốc tế; phát triển đội ngũ cán bộ, công chức ở quy mô phù hợp, tinh thông nghiệp vụ, có đạo đức cách mạng theo phương châm “nghệ tinh, tâm sáng” đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới, KTNN đã và luôn coi trọng tất cả các khâu trong công tác cán bộ đảm bảo chất lượng, hiệu quả từ công tác tuyển dụng, công tác đánh giá, công tác quy hoạch, công tác điều động, luân chuyển và bố trí cán bộ. Cụ thể:
Công tác tuyển dụng, phát triển đội ngũ: Luôn bám sát chỉ tiêu biên chế được giao và yêu cầu của vị trí việc làm, thực hiện công khai, đúng quy định và theo nguyên tắc cạnh tranh nhằm lựa chọn những cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, đủ tiêu chuẩn theo từng chức danh; đội ngũ công chức từng bước được tăng cường về số lượng, chất lượng, cơ cấu công chức dần hoàn thiện, đủ năng lực và trình độ thực thi công vụ. Để có được nguồn công chức, viên chức chuyên nghiệp, KTNN đã đẩy mạnh chính sách thu hút nhân tài từ đội ngũ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài, thủ khoa đại học, đồng thời thu hút đội ngũ chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, KTNN đã tuyển dụng 85 sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng của ngành.
Công tác đánh giá: Đánh giá công chức cũng là khâu quan trọng trong quá trình quản lý công chức. Thời gian qua, công tác đánh giá cán bộ luôn được Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo KTNN quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhằm thúc đẩy mặt mạnh, khắc phục mặt yếu, hướng tới nâng cao hiệu quả công tác cán bộ, là căn cứ để thực hiện các khâu của công tác cán bộ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả... Đặc biệt, trong những năm gần đây, thực hiện đổi mới trong công tác đánh giá lãnh đạo các đơn vị trực thuộc kết hợp với tổ chức kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng bí thư, phó bí thư và tập thể cấp ủy nhằm đảm bảo sự đồng bộ, nhất quán, liên thông trong công tác đánh giá công chức và đánh giá đảng viên; được Ban Cán sự đảng, Ban Thường vụ đảng ủy KTNN đánh giá cao và các đơn vị trực thuộc đồng thuận cao.
Công tác quy hoạch: Được thực hiện công khai, minh bạch gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng đã tạo sự chủ động trong công tác cán bộ; chuẩn bị được nguồn cán bộ vững vàng về chính trị, trong sáng về đạo đức, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ và năng lực, nhất là năng lực trí tuệ và thực tiễn tốt, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo sự kế thừa giữa các thế hệ cán bộ lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu của Ngành. KTNN đã xây dựng quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp cho 5 giai đoạn (2005-2010, 2011-2016, 2016-2021, 2021-2026 và 2026-2031). Hàng năm đều có đánh giá, bổ sung quy hoạch hoặc đưa ra khỏi quy hoạch đối với công chức không đủ điều kiện, tiêu chuẩn.
Công tác bố trí, sử dụng, điều động luân chuyển: Đảm bảo khách quan, dân chủ; sử dụng cán bộ đúng chỗ, đúng lúc, phát huy tốt năng lực, sở trường trên vị trí công tác mới, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; tạo điều kiện tốt cho việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách, tạo nguồn cán bộ có khả năng chuyên sâu một việc, biết nhiều việc và những đơn vị mới, địa bàn mới; là cơ hội, điều kiện để cán bộ trẻ có triển vọng trưởng thành nhanh hơn, toàn diện và vững chắc hơn, đáp ứng yêu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài của toàn Ngành.
Việc thực hiện nghiêm túc chủ trương điều động, luân chuyển của Ban Cán sự đảng thời gian qua là biện pháp quan trọng trong công tác cán bộ, không chỉ nhằm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức của Ngành một cách toàn diện, có điều kiện rèn luyện, thử thách và trưởng thành, mà còn nhằm điều chỉnh cơ cấu đội ngũ công chức toàn Ngành thực hiện tốt nhiệm vụ, nhất là những đơn vị mới thành lập và có khó khăn trong tuyển dụng. Điều này tạo sự đồng đều và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong toàn Ngành, góp phần khắc phục sự trì trệ, tư tưởng cục bộ, tình trạng khép kín trong từng đơn vị; thực sự tạo điều kiện tốt cho việc bồi dưỡng, rèn luyện, tạo nguồn cán bộ lâu dài của KTNN và các đơn vị mới, địa bàn mới. Đây cũng là cơ hội, điều kiện để cán bộ trẻ có triển vọng trưởng thành nhanh hơn, toàn diện và vững chắc hơn, đáp ứng yêu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài của toàn Ngành; nâng cao một bước chuyển biến về mặt nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các đơn vị trực thuộc cũng như cán bộ, công chức; đưa công tác luân chuyển, điều động đối với công chức trong toàn Ngành là việc làm thường xuyên có tính lâu dài.
Từ năm 2010 đến nay, KTNN đã thực hiện điều động, luân chuyển 241 công chức lãnh cấp vụ; điều động 305 công chức, viên chức lãnh đạo cấp phòng; điều động 331 công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo; biệt phái 26 công chức, viên chức. Đặc biệt, thực hiện nghiêm Luật Phòng chống tham nhũng, mỗi năm các đơn vị trực thuộc KTNN đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với gần 200 lượt công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, KTNN luôn xác định đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững. Vì vậy, KTNN luôn chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài; từng bước xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ và nhu cầu phát triển từng giai đoạn của Ngành. Đến nay, đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý đã được kiện toàn, phát triển toàn diện, bảo đảm tính kế thừa, phát triển và có sự chuyển tiếp liên tục, vững chắc giữa các thế hệ cán bộ lãnh đạo, giữ vững sự ổn định lâu dài trong toàn Ngành. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo vững vàng về chính trị, trong sáng về đạo đức, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ và năng lực, nhất là năng lực trí tuệ và thực tiễn tốt, đủ về số lượng đáp ứng yêu cầu cán bộ của toàn Ngành.
Thêm vào đó, những năm qua, đội ngũ cán bộ lãnh đạo của KTNN là nguồn cán bộ lãnh đạo cho các cơ quan ở Trung ương và địa phương.
Bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiệp vụ tinh thông, đạo đức trong sáng
Một trong những yếu tố rất quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của KTNN là công tác đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp trong suốt 30 năm qua luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác cán bộ.
Thời gian qua, công tác này đã có những chuyển biến tích cực, trở thành nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng, không ngừng đổi mới cả về nội dung và hình thức, đào tạo theo hướng gắn với thực tiễn đáp ứng yêu cầu thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, sẵn sàng thích nghi với môi trường công nghệ kiểm toán hiện đại, theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã từng bước góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, kiểm toán viên có trình độ chuyên môn cao, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, hướng tới mục tiêu tạo được sự thay đổi về chất trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn.
Đặc biệt, năm 2021, KTNN đã triển khai xây dựng quy định đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán. Đây là một điểm mới đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng kể từ khi thành lập Ngành với mục tiêu xây dựng đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước ngày càng chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng và đạo đức nghề nghiệp trong sáng.
Cùng với đó, đội ngũ giảng viên của KTNN luôn được chú trọng xây dựng và kiện toàn theo hướng tăng cường giảng viên từ nguồn cán bộ, công chức, viên chức của Ngành. KTNN đã xây dựng đội ngũ giảng viên uy tín, chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, giàu kinh nghiệm thực tiễn, có phương pháp sư phạm, giúp học viên nắm bắt nhanh kiến thức, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
"30 năm qua, KTNN đã tổ chức 1.377 lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho 75.448 lượt công chức, viên chức, người lao động; 384 lớp tin học cho 11.870 lượt công chức, viên chức để thực hiện mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán; gần 2.457 lượt công chức, viên chức được cử tham gia hội thảo, khảo sát học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, học các chứng chỉ kiểm toán viên quốc tế ACCA, CPA..."
Không ngừng xây dựng đội ngũ đủ đức, đủ tài, tinh thông nghiệp vụ
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ là cái gốc của mọi việc”, “muốn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” và khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Càng ngày càng thấm thía cán bộ là cái gốc của công việc, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, do vậy cũng có thể nói nếu xây dựng Đảng là then chốt, thì công việc của ban tổ chức các cấp cũng là then chốt của then chốt. Nếu cái chốt này mà rắn chắc, cứng cáp thì công việc trôi chảy, suôn sẻ, nếu chẳng may cái chốt này nó mọt, nó trục trặc, thì không biết tình hình sẽ thế nào”, để tiếp nối kết quả đã đạt được trong 30 năm qua, thực hiện có hiệu quả Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2030, KTNN sẽ không ngừng xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực đủ đức, đủ tài và tinh thông nghiệp vụ, đặc biệt phải có bản lĩnh, dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai, phải liêm chính, đạo đức trong sáng, công tâm, kỷ cương, kỷ luật chặt chẽ, đoàn kết, thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ và thích ứng, bắt kịp nhanh với những xu thế mới, hiện đại trong môi trường luôn thay đổi.
Theo đó, để phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới, KTNN tập trung một số giải pháp chủ yếu sau:
Phát triển đội ngũ công chức, kiểm toán viên đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tinh thông về nghiệp vụ chuyên môn, tương xứng với yêu cầu của nghề nghiệp kiểm toán, chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nhiệm vụ kiểm toán và xứng tầm vai trò tiên phong, dẫn dắt ASOSAI. Việc phát triển nguồn nhân lực phải được tính toán một cách khoa học dựa trên cơ sở xác định vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ và lộ trình cụ thể theo từng giai đoạn.
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đảm bảo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của KTNN, đặc biệt có cơ chế, chính sách ưu tiên phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên gia giỏi thực hiện công tác kiểm toán.
Sắp xếp bố trí, sử dụng công chức, viên chức phải căn cứ vào Đề án vị trí việc làm, tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ và yêu cầu công việc thực tế, đồng thời gắn việc đánh giá trình độ, năng lực với công việc, vị trí đảm nhiệm một cách khách quan và công tâm.
Đổi mới công tác đánh giá để xây dựng kế hoạch tạo nguồn cán bộ, chú trọng trẻ hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, Kiểm toán viên nhà nước.
Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gắn lý luận với thực tiễn, nhất là tiếp cận và vận dụng phương pháp kiểm toán hiện đại, kỹ năng kiểm toán theo hướng chuyên nghiệp, giỏi về nghiệp vụ chuyên môn. Đồng thời, thường xuyên quán triệt, giáo dục đội ngũ kiểm toán viên có văn hóa ứng xử, bản lĩnh chính trị vững vàng, đẩy mạnh đào tạo kiến thức, trình độ, kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin để áp dụng trong hoạt động kiểm toán; kết hợp đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch, luân chuyển, điều động, biệt phái để rèn luyện cán bộ, kiểm toán viên trong hoạt động thực tiễn.
Xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực KTNN theo từng giai đoạn, đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra về quy mô, tần suất, tiến độ, phạm vi kiểm toán theo Luật KTNN sửa đổi và phải đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế cũng như điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Có thể khẳng định, chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của KTNN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Với những kết quả đạt được trong thời gian qua và sự quyết tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo KTNN, đội ngũ công chức, viên chức của KTNN sẽ tiếp tục được tăng cường, nâng cao về năng lực chuyên môn; kỹ năng và phương pháp làm việc khoa học, chuyên nghiệp; đạo đức nghề nghiệp trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, góp phần xây dựng KTNN trở thành công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công./.