Thông tư 12/2024/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học biến đổi gen (phí thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với cây trồng biến đổi gen).
Thông tư này áp dụng đối với người nộp phí; tổ chức thu phí; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với cây trồng biến đổi gen.
Theo Thông tư, người nộp phí là tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với cây trồng biến đổi gen đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 23 Nghị định số 69/2010/NĐ-CP của Chính phủ về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen.
Tổ chức thu phí theo quy định tại Thông tư này, bao gồm: Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc cơ quan nhà nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao thực hiện thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với cây trồng biến đổi gen theo quy định pháp luật.
Mức thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với cây trồng biến đổi gen là 70 triệu đồng/01 lần thẩm định.
Kê khai, nộp phí
Chậm nhất là 05 ngày kể từ khi nhận được thông báo bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ chấp nhận hồ sơ đăng ký là hợp lệ, người nộp phí thực hiện nộp phí cho tổ chức thu phí theo hình thức quy định tại Thông tư 74/2022/TT-BTC quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính.
Chậm nhất ngày 05 hằng tháng, tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu phí mở tại Kho bạc Nhà nước. Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, thu, nộp và quyết toán phí theo quy định tại Thông tư 74/2022/TT-BTC .
Quản lý và sử dụng phí
Tổ chức thu phí được trích để lại 80% số tiền phí thu được để chi cho hoạt động thẩm định, thu phí theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí; nộp 20% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước.
Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước không thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thẩm định, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Thông tư 12/2024/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/3/2024.
Thông tư 12/2024/TT-BTC:
- Thay thế Thông tư số 186/2016/TT-BTC ngày 08 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học biến đổi gen.
- Bãi bỏ Điều 2 Thông tư số 55/2018/TT-BTC ngày 25 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của 07 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thu phí trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường.
Cây trồng biến đổi gen (Genetically Modified Crop - GMC) là loại cây trồng được lai tạo ra bằng cách sử dụng các kỹ thuật của công nghệ sinh học hiện đại, hay còn gọi là kỹ thuật di truyền, công nghệ gen hay công nghệ DNA tái tổ hợp, để chuyển một hoặc một số gen chọn lọc để tạo ra cây trồng mang tính trạng mong muốn.
Về bản chất của cây trồng biến đổi gen là sự biến đổi vật chất di truyền, tiếp nhận những gen mới, kết quả là xuất hiện những tính trạng mới. Quá trình biến đổi vật chất di truyền (thêm gen mới) nhờ vào công nghệ chuyển gen hiện đại. Nếu so sánh quá trình biến đổi gen với quá trình đột biến trong tự nhiên thì về bản chất của hai quá trình này gần giống như nhau. Bởi vì quá trình tiến hóa của sinh vật đều dựa vào quá trình biến đổi vật chất di truyền, trong đó đột biến đóng vai trò quan trọng.