Hội nghị được nghe phổ biến thông tin về Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong 30 đổi mới vừa qua, Việt Nam đã rất tích cực thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế trên cả 4 phương diện: đơn phương, song phương, khu vực và đa phương. Bắt đầu từ năm 1986, Việt Nam đã đơn phương xóa bỏ rất nhiều rào cản thương mại. Trên bình diện khu vực, Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 và ngay sau đó gia nhập Khu vực Thương mại tự do ASEAN. Khi gia nhập Khu vực Thương mại tự do ASEAN lần đầu tiên, Việt Nam biết thế nào là giảm thuế nhập khẩu về 0%. Tiếp theo đến năm 2000, Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ. Bên cạnh vấn đề xóa bỏ thuế nhập khẩu, thì Việt Nam biết thế nào là tự do hóa dịch vụ và lần đầu tiên biết đến các khái niệm có liên quan đến đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ. Đến cuối năm 2006, Việt Nam ký Nghị định thư gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, đánh dấu mốc mới bước hội nhập toàn cầu của Việt Nam. Một loạt các khái niệm mới khác đã được đưa vào trong công việc như xóa bỏ bảng giá tính thuế tối thiểu của Hải quan,… Như vậy, con đường của Việt Nam đi trong 30 năm qua đã từng bước một tiến dần tới chuẩn mực của thế giới.
Tuy nhiên, không phụ thuộc vào một khu vực thị trường, từ năm 2010, Chính phủ Việt Nam chủ trương ký một loạt hiệp định thương mại tự do với các khu vực thị trường trọng điểm, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ, thị trường Liên minh châu Âu và thị trường Nga, thông qua đó giúp Việt Nam tái cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn. Việt Nam đã ký, đàm phán và tìm cách ký khu vực thị trường tự do với những thị trường lớn, đặc biệt là tìm cách đàm phán và ký các hiệp định thương mại tự do với các thị trường có cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu bổ sung cho cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Kết quả, đến năm 2015, Việt Nam đã kết thúc đàm phán 4 hiệp định: Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Những hiệp định này chứa đựng rất nhiều yếu tố tác động rất quan trọng trong công tác điều hành công việc, điều hành quản lý. Đây là cơ hội mới cho xuất khẩu vào Mỹ, Nga và EU, đồng thời cũng đặt ra thách thức mới cho tất cả các khâu quản lý của các vụ, cục của Bộ Công Thương.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh yêu cầu: Tất cả các đồng chí chuyên viên trong Bộ phải thay đổi tư duy quản lý và tư duy làm chính sách mới là điều quan trọng nhất. Tư duy quản lý và tư duy chính sách phải chuyển sang nền tảng luật lệ dựa vào cam kết. Cả 4 hiệp định này đều tăng cường đến minh bạch hóa, đòi hỏi khả năng tương tác cao với khu vực; đồng thời hỗ trợ cho tiến trình đổi mới qúa trình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam. Chính vì thế, các đồng chí chuyên viên trong Bộ phải tự mình trau dồi, tự mình tìm hiểu để có sự liên hệ đến công việc hàng ngày mình.