Chiều 11/10, tại tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công - đã có buổi làm việc với lãnh đạo 5 địa phương gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.
Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Tư pháp, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, buổi làm việc nhằm lắng nghe những khó khăn, vướng mắc về giải ngân vốn đầu tư công từ phía 5 tỉnh thành khu vực miền Trung gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng đề nghị các địa phương đề xuất các giải pháp, cũng như hiến kế để tháo gỡ khó khăn, cùng Chính phủ đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Ngoài nhiệm vụ liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công thì các địa phương báo cáo thêm nội dung khác để hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 và tiến đến hoàn thành nhiệm vụ nhiệm kỳ.
“Từ nay đến hết nhiệm kỳ, thời gian không còn nhiều, do đó, cần phải tháo gỡ tất cả các khó khăn để tạo đà năm 2025 có tốc độ tăng trưởng vượt trội, đảm bảo hoàn thành kế hoạch nhiệm kỳ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Đỗ Thành Trung, tổng kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 677.944,639 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương (NSTW) là 245.595,739 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương (NSĐP) là 432.348,9 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ đã giao 100% kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương. Đến ngày 30/9, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã phân bổ, chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 665.199,9 tỷ đồng, đạt 98,1%. Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 12.744,7 tỷ đồng.
Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/9/2024 là 320.566,5 tỷ đồng, đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ năm 2023 đạt 51,38%.
Trong 5 địa phương tham dự cuộc họp, chỉ có duy nhất Quảng Nam chưa hoàn thành việc phân bổ chi tiết 100% kế hoạch với số vốn là 442,465 tỷ đồng.
Ước thanh toán đến hết 30/9/2024, Thừa Thiên Huế giải ngân 4.068,4/6.957,9 tỷ đồng được giao, đạt 58,47%; TP. Đà Nẵng giải ngân 3.520/7.291,9 tỷ đồng được giao, đạt 48,27%; Quảng Nam giải ngân 2.672,9/6.520,6 tỷ đồng được giao, đạt 40,99%; Quảng Ngãi giải ngân 2.305,3/6.902,9 tỷ đồng được giao, đạt 33,40%; Bình Định giải ngân 5.456,1/7.865,7 tỷ đồng được giao, đạt 69,37%.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 5 địa phương gặp khó khăn, vướng mắc trong việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đó là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân chính là ảnh hưởng tới công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng như việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất còn khó khăn do tình trạng xây nhà trên đất nông nghiệp; sử dụng đất sai mục đích hoặc mua bán bằng giấy viết tay, lấn chiếm đất hành lang công trình công cộng…
Luật Đất đai mới được ban hành, nhiều dự án phải tính toán lại chi phí giải phóng mặt bằng theo quy định mới của Luật Đất đai.
Bên cạnh đó, 5 địa phương nêu ra các khó khăn, vướng mắc liên quan tới năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư và năng lực triển khai dự án của nhà thầu. Cụ thể, một số chủ đầu tư thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư còn chậm trễ, vẫn còn một số trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án làm tăng tổng mức đầu tư và làm chậm việc triển khai thực hiện dự án.
Việc đăng ký bố trí vốn của một số chủ đầu tư chưa phù hợp với khả năng và tiến độ triển khai thực tế; Năng lực của một số nhà thầu tư vấn thiết kế không tương xứng với hồ sơ dự thầu, chưa đáp ứng theo yêu cầu thực tế của dự án; Năng lực của một số chủ đầu tư và ban quản lý dự án còn nhiều hạn chế, còn thụ động trong việc đề xuất các giải pháp cụ thể...
Bên cạnh đó, các địa phương nêu ra khó khăn, vướng mắc liên quan tới các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài bởi các dự án này khi cần thực hiện điều chỉnh dự án; gia hạn, điều chỉnh Hiệp định vay phải tuân theo quy định của các Nghị định liên quan đến vay vốn, sửa đổi Hiệp định vay vốn của Chính phủ.
Có 3 địa phương báo cáo chưa được đảm bảo cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương để bố trí cho các dự án đầu tư công do tình hình thị trường bất động sản có nhiều biến động nên kế hoạch tổ chức đấu giá, thu tiền sử dụng đất tại các địa phương còn chậm triển khai hoặc chưa thể triển khai. Các tháng cuối năm ở miền Trung thường là mùa mưa bão, nguy cơ sạt lở đất cao, ảnh hưởng đến công tác thi công trên thực địa của nhiều dự án.
Các địa phương đề xuất sửa đổi các quy định của pháp luật để tạo thuận lợi hơn trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công.
Các nội dung liên quan đến lĩnh vực đất đai như sự không thống nhất trong xác định phân loại đất, nguyên tắc sử dụng đất; chênh lệch giữa giá bồi thường theo khung quy định của nhà nước với giá thị trường; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng… Khó khăn trong việc xác định nguồn vốn cho chi phí lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho rằng, nguyên nhân giải ngân chậm vẫn là do công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập. Trong một số thời điểm, tại một số dự án, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét.
Tại buổi làm việc, các tỉnh đã đề xuất sớm trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi để sớm giải quyết các vướng mắc còn tồn tại, ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.