Quy mô nền kinh tế đạt gần 91.000 tỷ đồng
Chiều 9/10, ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024 và nhiệm vụ trong tâm quý 4/2024.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính 9 tháng tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2023; riêng quý 3 tăng 12,7%. Quy mô nền kinh tế tỉnh đạt gần 91.000 tỷ đồng, mở rộng gần 8.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực công nghiệp - xây dựng mở rộng hơn 3.700 tỷ đồng; tiếp đến là khu vực dịch vụ 2.600 tỷ đồng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản gần 971 tỷ đồng; thuế sản phẩm và trợ cấp sản phẩm 642 tỷ đồng.
Cơ cấu GRDP 9 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,3%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 31,8%; khu vực dịch vụ chiếm 34,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 17,1%.
Quảng Nam xếp vị thứ 27/63 tỉnh, thành phố; xếp vị thứ 8/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung về quy mô GRDP. Xếp vị thứ 50/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; xếp vị thứ 12/14 tỉnh Bắc Trung bộ Duyên hải miền Trung về tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo cho biết, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ vào quý 3/2024 với mức tăng trưởng 31,8%. Mặc dù xuất phát từ nền giảm sâu của quý 3/2023 (-21,1%), nhưng sự phục hồi này vẫn góp phần quan trọng vào đà tăng trưởng chung của nền kinh tế nhờ thị trường xuất khẩu đang dần ổn định, cùng với các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong các nhóm ngành công nghiệp, hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo đã có những tín hiệu phục hồi khá tích cực.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng đạt hơn 6.000 tỷ đồng, giảm 0,9% so với tháng trước nhưng tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2023; luỹ kế 9 tháng ước đạt 55.100 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, dịch vụ lữ hành dẫn đầu với mức tăng trưởng ấn tượng 67,9%. Doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 13,8%. Các dịch vụ khác có mức tăng trưởng đạt 9,6%; trong khi đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 7,2%.
Xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì đà khởi sắc
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì đà khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực. Luỹ kế 9 tháng, đã giải quyết thủ tục hải quan cho 560 doanh nghiệp, thực hiện thông quan hàng hóa cho 103.678 tờ khai, tăng 18,5% so với cùng kỳ, trong đó 38.606 tờ khai xuất khẩu, tăng 15,52% và 65.072 tờ khai nhập khẩu, tăng 20,58%.
Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 3.116,73 triệu USD, tăng 16,46% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 1.394,69 triệu USD, tăng 10,28% và kim ngạch nhập khẩu đạt 1.722,04 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ, nhập khẩu tăng là ở các mặt hàng đầu vào phục vụ sản xuất và xuất khẩu đã góp phần thúc đẩy sản xuất trong tỉnh tiếp đà hồi phục.
Nhiều chương trình tín dụng ưu đãi để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay phục hồi sản xuất kinh doanh được các ngân hàng thương mại tiếp tục đẩy mạnh. Đến nay, nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 92.900 tỷ đồng, tăng 8,9% so với đầu năm, tăng 13,2% so với cùng kỳ.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 27/9/2024, có 848 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 5,6% so với cùng kỳ, số vốn đăng ký 4.680 tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước; 389 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,8% so với cùng kỳ; doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong là 1.237 doanh nghiệp, giảm 0,7% so với cùng kỳ. Tổng số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và giải thể là 1.298, tăng 14,6% so với cùng kỳ.
Công tác tăng cường quản lý và hỗ trợ các doanh nghiệp FDI đóng trên địa bàn tỉnh được tiếp tục đẩy mạnh nhằm thu hút đầu tư, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vấn đề về đất đai, địa điểm, giải phóng mặt bằng, cấp phép đầu tư, đặc biệt là những dự án có quy mô lớn, sản phẩm công nghệ cao, thu hút nhiều lao động, có khả năng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, đã cấp mới 28 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 4.817 tỷ đồng; thu hồi 08 dự án, tăng 04 dự án so với cùng kỳ; ngừng hoạt động 01 dự án; điều chỉnh 21 dự án, tăng 13 dự án so với cùng kỳ.
Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.168 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 228.576 tỷ đồng. Cấp mới 10 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 134,85 triệu USD; thu hồi 02 dự án, giảm 01 dự án so với cùng kỳ; ngừng hoạt động 01 dự án FDI; điều chỉnh 17 dự án tăng vốn 1,672 triệu USD, tăng 9 dự án so với cùng kỳ.
Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 201 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 6,356 tỷ USD. Đây là động lực rất quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư Quảng Nam.