Hàng loạt thành tích quan trọng
Phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Công Thương lần thứ III (giai đoạn 2020 - 2025), Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, 5 năm qua, cùng với phong trào thi đua của cả nước, ngành Công Thương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã được ký kết, như Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP).
Công nghiệp được tiếp tục củng cố, luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế cả nước. Tăng trưởng công nghiệp duy trì với tốc độ cao, bình quân trên 8%/năm là thước đo của việc hoàn thành các mục tiêu chiến lược về phát triển kinh tế đất nước và thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các ngành công nghiệp lớn (điện tử, dệt may, da giày…) tiếp tục tăng trưởng ổn định, đóng góp chủ đạo cho phát triển công nghiệp, xuất khẩu, nhu cầu của thị trường trong nước và xếp thứ hạng cao về năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Ngành năng lượng bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho nền kinh tế với chất lượng tốt hơn trước.
Trong lĩnh vực ngoại thương, Bộ Công Thương đã cùng các Bộ ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và biện pháp điều hành của Chính phủ. Qua đó đã thiết lập và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và đối tác thương mại theo phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế đối ngoại.
Những thành tựu đạt được của ngoại thương thể hiện rõ ở mức tăng trưởng ấn tượng của tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân thương mại đã nghiêng về xuất siêu, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu phát triển theo chiều hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 10,5%/năm; nhập khẩu kiểm soát tốt (tỷ trọng nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát chỉ còn chiếm tỷ trọng 6,8% vào năm 2019). Nhiều chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu bền vững giai đoạn 2011 - 2020 đã về đích trước kế hoạch.
Thị trường trong nước được tập trung thúc đẩy, là động lực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Hàng hóa ngày càng phong phú, chất lượng hàng hóa và phương thức phục vụ ngày càng được cải thiện. Thương mại trong nước liên tục phát triển với tốc độ tăng cao bình quân 9,1%/năm; đặc biệt thương mại điện tử phát triển rất nhanh với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 27%/năm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của mọi tầng lớp nhân dân.
Công tác cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường đã được tập trung hoàn thiện, phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Bộ Công Thương đã xây dựng, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, thông qua nhiều Luật có ý nghĩa quan trọng, qua đó, hình thành được một khung khổ pháp lý cơ bản điều chỉnh các hoạt động của nền kinh tế và tạo thuận lợi cho phát triển ngành.
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh được tập trung thực hiện và đạt được các kết quả tốt. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Công Thương đã tiến hành 4 lần cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính với tổng số các thủ tục hành chính được cắt giảm và đơn giản hóa đạt 380 thủ tục hành chính; đã kết nối 11 dịch vụ công trực tuyến với Cơ chế một cửa quốc gia (VNSW).
Công tác cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh được tập trung xử lý với việc đã cắt giảm được 880/1216 điều kiện kinh doanh (tương đương với 72,37%) thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ và trở thành một trong những Bộ đi đầu cả nước về công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Những thành tựu ngành Công Thương đạt được trong 5 năm qua cùng với sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Chính phủ, tinh thần lao động hăng say của hàng vạn CBCNV còn là kết quả của các phong trào thi đua yêu nước được phát động thường xuyên, liên tục trong toàn ngành Công Thương.
5 nhiệm vụ trong giai đoạn mới
Theo Phó Thủ tướng, chúng ta đang ở trong một giai đoạn lịch sử đầy thử thách, khó khăn nhưng cũng nhiều thời cơ và thuận lợi mới. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân và khả năng hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra.
Trong bối cảnh đó, ngành Công Thương cần có sự nhận diện sâu sắc, đánh giá đầy đủ về tình hình, cần có chiến lược và sách lược phù hợp quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đảng, Quốc hội đã đề ra, trước mắt là “mục tiêu kép” - đẩy lùi dịch bệnh và không để đứt gãy các hoạt động kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch ở mức cao nhất.
Trong thời gian tới, phong trào thi đua yêu nước của ngành Công Thương cần tập trung vào thực hiện nhiệm vụ to lớn mà Đảng và Nhà nước đã giao, cụ thể tập trung vào những nội dung sau:
Thứ nhất, xác định thể chế là khâu đột phá quan trọng của ngành, trong đó, đặc biệt lưu ý tới hoàn thiện hệ thống thể chế xử lý, ứng phó với các vấn đề về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và tác động đến các vấn đề về cạnh tranh, phòng vệ thương mại; tác động của những tiến bộ khoa học công nghệ nhanh chóng và đặc biệt là những tác động của dịch Covid-19 với cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và sự phân bố lại các trung tâm sản xuất và luồng thương mại toàn cầu…
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế để thúc đẩy phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp chuyên môn hóa, phát huy hiệu quả cao hơn các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất; tăng cường các chính sách hỗ trợ hình thành một số doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam có quy mô lớn, có thương hiệu và năng lực cạnh tranh toàn cầu trong các ngành công nghiệp lớn của đất nước, dần thay thế các doanh nghiệp FDI; xây dựng và hoàn thiện các Luật như Luật Công nghiệp hỗ trợ, Luật Thương mại điện tử, Luật Phòng vệ thương mại, sửa đổi Luật Thương mại...
Thứ hai, tiếp tục tập trung tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, hiện đại, hội nhập và phát triển bền vững. Tập trung vào các vấn đề về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nền kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của ngành, tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để số hóa, công nghệ hóa phương thức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí trong sản xuất công nghiệp và thương mại; phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử và nâng cao khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực;
Tận dụng tối đa lợi thế về độ mở cửa thương mại lớn để phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh và thu về lợi ích cao hơn trong chuỗi giá trị và tạo thuận lợi cho phát triển ngành, khai thác có hiệu quả quá trình tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu và các cơ hội đầu tư từ các tác động của xung đột thương mại, dịch Covid-19 như: Công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản; công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử; năng lượng tái tạo; logistics…; Cải tiến hệ thống đổi mới sản xuất quốc gia, chuyển đổi số trong tổ chức sản xuất, kinh doanh các ngành công nghiệp; tiếp tục phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng.
Thứ ba, tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đặc biệt là năng lực thực thi và hiện thực hóa các FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu.
Trong đó, cần phải tập trung tận dụng các cơ hội của việc tham gia các FTA quan trọng đã ký kết như EVFTA, CPTPP để góp phần củng cố và bảo đảm an ninh kinh tế, nâng cao vị thế đối với các quốc gia thành viên trước các xu hướng bảo hộ đang ngày càng diễn biến phức tạp; đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, cơ cấu lại các ngành hàng xuất khẩu hiệu quả hơn; nâng cao chất lượng hàng hóa theo hướng đáp ứng các quy định về TBT, SPS, yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm và quy tắc xuất xứ hàng hóa.
Thứ tư, tập trung phát triển thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả khu vực thị trường gần 100 triệu dân với sự gia tăng cao của tầng lớp trung lưu, trong đó, cần đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thương mại và phát triển thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế từ thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ năm, về phong trào thi đua yêu nước, các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần tăng cường chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hướng công tác thi đua vào nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, lấy kết quả công tác thi đua là một tiêu chí để đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Mỗi cán bộ, đảng viên phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, thực sự là hạt nhân trong các phong trào thi đua; tổ chức các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị; Chú ý đến việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhằm cổ vũ, động viên phong trào, tạo hiệu quả thiết thực.
Công tác khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo khen thưởng, đặc biệt quan tâm phát hiện nhân tố mới, tăng cường khen đột xuất; chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, những người lao động trực tiếp.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thực hiện phê bình và tự phê bình. Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tài, có tầm, tận tâm, tận lực phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.