Tình huống giả định được đưa ra là ngày 24/4/2023, cơn bão số 1 diễn biến phức tạp đổ bộ vào khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và ảnh hưởng trực tiếp tới các các địa phương thuộc Hà Nội, Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Nam… Trong các ngày 25, 26/4 mưa lớn kết hợp gió giật cấp 12 -13 xảy ra trên miền Bắc gây sự cố trạm biến áp. Cùng với đó, mưa lớn đã gây ngập úng cục bộ mặt bằng trạm làm hỏng đường truyền thông tin liên lạc.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, nhân viên vận hành trạm biến áp (TBA) 220 kV Hà Đông xử lý sự cố theo quy trình, quy định, Truyền tải điện Hà Nội điều động một đội công tác (tổ thí nghiệm - sửa chữa) với đầy đủ trang bị, dụng cụ để thực hiện nhiệm vụ xử lý đầu dây bị hư hỏng, xử lý nguy cơ tụt lèo đoạn dây.
Truyền tải điện Hà Nội phối hợp với Công ty Lưới điện cao thế Hà Nội (thuộc EVNHANOI) trong công tác xử lý sự cố nhằm đưa thiết bị ngăn lộ trở lại vận hành trong thời gian ngắn nhất.
Đối với phần ngập úng, các lực lượng tham gia diễn tập đã tổ chức các biện pháp ngăn nước từ ngoài tràn qua con lươn ngoài cổng trạm. Cùng với đó, đơn vị cho chạy hệ thống bơm chống úng tại trạm để bơm cưỡng bức nước ra ngoài bảo đảm đủ điều kiện an toàn vận hành.
Đối với phần thông tin liên lạc cũng được các lực lượng nhanh chóng khôi phục để phục vụ công tác điều hành hệ thống truyền tải điện.
Phát biểu rút kinh nghiệm sau diễn tập, đại diện EVNNPC và EVNHANOI đánh giá cao công tác phối hợp tổ chức diễn tập của EVNNPT khi công tác diễn tập nhuần nhuyễn, đúng theo phương án đề ra và bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và thiết bị.
Đại diện các đơn vị cũng cho rằng sự cố xảy ra trong thực tế có thể khác xa so với diễn tập vì vậy, công tác chỉ đạo cũng như xử lý sự cố tại hiện trường cần chủ động, linh hoạt hơn để thời gian khắc phục ngắn nhất nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng giám đốc EVNNPT cho biết, để ứng phó với mưa bão, đơn vị đã thực hiện phương châm "4 tại chỗ" là lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ; "3 trước" là chủ động phòng chống trước, phát hiện xử lý trước, phương tiện vật tư chuẩn bị trước.
Lưới điện do EVNNPT quản lý vận hành đi qua 63 tỉnh/thành phố trên cả nước, trong đó phần lớn là khu vực đồi núi cao, qua sông suối, nên chịu sự tác động lớn của thiên tai. Trong khi hệ thống truyền tải điện quốc gia có ý nghĩa quan trọng, nếu một sự cố xảy ra có thể gây mất điện một vùng rộng lớn.
Phó Tổng giám đốc EVNNPT đánh giá, công tác chuẩn bị diễn tập được tổ chức chi tiết, đầy đủ, tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, cuộc diễn tập PCTT& TKCN đã hoàn thành tốt các nội dung diễn tập đã đề ra.
Các đơn vị đã phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, thống nhất, xử lý các tình huống linh hoạt; phương án xử lý phù hợp, đúng nguyên tắc và phương châm chỉ đạo đạt hiệu quả cao, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và phương tiện.
Tình huống diễn tập sát với thực tế và phù hợp cho từng cấp độ quản lý, cấp độ rủi ro thiên tai và chuẩn bị và đáp ứng đầy đủ các nội dung như: Vật tư, nhân lực, trang bị dụng cụ thi công, phương tiện, thông tin liên lạc và đáp ứng được về thời gian xử lý. Bảo đảm hệ thống vận hành an toàn liên tục, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho con người và trang thiết bị được huy động trong qua trình diễn tập.
Mùa mưa bão 2023 đang đến gần, vì vậy cuộc diễn tập có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá lại công tác chỉ đạo, phối hợp từ tổng công ty đến các đơn vị trong ngành, đến các phòng, ban và đơn vị trực thuộc nhằm chủ động ứng phó kịp thời các thiệt hại, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai gây ra, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người và thiết bị.
Diễn tập giúp nâng cao công tác huấn luyện tổng hợp, vận dụng các quy trình, quy phạm kỹ thuật, các nghiệp vụ chuyên môn dưới sự chỉ đạo và tham gia của các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm đánh giá khả năng sẵn sàng tham gia ứng phó, thực hành khả năng phối hợp hiệp đồng giữa các cơ quan, đơn vị và lực lượng trong xử lý các tình huống sự cố giả định xảy ra. Kiểm tra và đánh giá được tính sẵn sàng, cũng như khả năng cơ động trong công tác triển khai xử lý sự cố của các đơn vị.
Thông qua buổi diễn tập giúp EVNNPT điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phương án xử lý sự cố để chủ động, sẵn sàng trong ứng phó khi có tình huống thật xảy ra nhằm kịp thời xử lý hiệu quả với các tình huống giả định, nâng cao năng lực chỉ huy ứng phó sự cố mất điện diện rộng của cơ quan chỉ đạo ứng phó, đánh giá năng lực và sự sẵn sàng phối hợp lực lượng giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình tham gia ứng phó tình huống sự cố mất điện diện rộng.