CHÙM ẢNH: Bộ trưởng Bộ Công Thương trong chuyến công tác tại Bình Định
Như Tạp chí Công Thương đã đưa tin, trong 3 ngày từ 7-9/8/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu đoàn công tác đã đến làm việc với lãnh đạo các tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định nhằm nắm bắt tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại và việc triển khai thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn các địa phương trên.
Tại tỉnh Bình Định, Bộ trưởng đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh và thị sát Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam (Cụm công nghiệp Cát Trinh, huyện Phù Cát).
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, Bình Định có nhiều lợi thế phát triển về kinh tế biển, công nghiệp chế biến nông, thuỷ sản; phát triển năng lượng tái tạo và thương mại, dịch vụ logistics, du lịch biển... Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Bình Định đã nắm rõ và khai thác khá tốt các tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của tỉnh từ đó đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo một số nội dung.
Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh Quy hoạch tỉnh Bình Định được phê duyệt từ khá sớm so với các địa phương khác, từ tháng 7/2023. Về nguyên tắc Quy hoạch tỉnh là đã được tích hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch vùng. Nhưng trên thực tế có nhiều quy hoạch ngành quốc gia phê duyệt lại sau quy hoạch của tỉnh, cho nên, chắc chắn có những nội dung chưa được cập nhật một cách đầy đủ, đồng bộ trong quy hoạch của tỉnh. Vì thế, đây là vấn đề các đơn vị phải hết sức quan tâm. "Phải rà soát và điều chỉnh quy hoạch của tỉnh mình. Nếu không điều chỉnh kịp thời thì không triển khai được", Bộ trưởng lưu ý.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, khoáng sản. Theo đó, đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh được quy hoạch 175MW điện gió trong bờ và gần bờ; 73MW thủy điện nhỏ; 15MW điện rác; 38 MW điện mặt trời mái nhà; 13 dự án lưới điện; 3 dự án Kho dự trữ xăng dầu; 2 điểm mỏ khoáng sản (titan và nước khoáng). Bình Định hoàn toàn có đủ điều kiện để triển khai mà nếu không bắt kịp, không làm kịp thời thì rất tiếc.
"Đây là điều kiện tốt nhất để Bình Định vừa khai thác tiềm năng sẵn có để tăng nguồn thu cho ngân sách nhưng đồng thời vừa là cơ hội để thu hút đầu tư và thúc đẩy công nghiệp địa phương, từ đó kéo theo dịch vụ phát triển, cơ cấu kinh tế thay đổi tích cực, đời sống người dân được cải thiện. Bình Định cần chớp được thời cơ, được những cái mới và có tầm nhìn bản lĩnh trong việc triển khai thực hiện", Bộ trưởng gợi ý và cho biết Bộ Công Thương cam kết đồng hành cùng với tỉnh. Những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Bộ, Bộ sẵn sàng chia sẻ và nếu vượt thẩm quyền thì sẽ báo cáo với Chính phủ hoặc chia sẻ với các Bộ, ngành có liên quan để tháo gỡ những vấn đề có liên quan đến ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Cũng theo Bộ trưởng, Bình Định là tỉnh có độ che phủ rừng tới 58%, vì thế có nhiều thuận lợi để hình thành, phát triển thị trường tín chỉ carbon, giúp các doanh nghiệp trên địa bàn có cơ sở cấp chứng chỉ xanh cho sản xuất và xuất khẩu. Điều này tỉnh cần cố gắng làm càng nhanh càng tốt.
Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh Bình Định cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô lớn, công nghiệp xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững nhằm xây dựng Bình Định trở thành một trong những trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao, trung tâm khoa học, đổi mới sáng tạo của Vùng và cả nước theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển Vùng.
Ngoài ra, tỉnh cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có tính nền tảng như công nghiệp cơ khí, chế tạo, chế biến, hóa chất… Chú trọng thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối và hydrogen/amoniac xanh…), công nghiệp hỗ trợ liên quan nhằm khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ (ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh) theo hướng bền vững, hiệu quả, phát triển theo chuỗi giá trị (từ nguồn nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ trong và ngoài nước), bảo đảm thực hiện nghiêm các yêu cầu về bảo vệ môi trường và nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Tuy nhiên, với vị trí là một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu sản phẩm gỗ hàng đầu cả nước, đề nghị tỉnh lưu ý đến quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR) sẽ được áp dụng từ tháng 01/2025 đối với nhà nhập khẩu lớn và từ tháng 6/2025 đối với doanh nghiệp nhỏ. Ngay cả sản phẩm thủy sản, nếu không gỡ được “thẻ vàng” EU thì sẽ rất khó khăn cho xuất khẩu thủy sản.
Theo Bộ trưởng, Bình Định cần chú trọng phát triển dịch vụ logistics phát huy lợi thế kinh tế biển, khai thác vị trí thuận lợi cũng như thế mạnh hạ tầng giao thông vận tải đa phương thức, phục vụ kết nối liên vùng và quốc tế. Bình Định tập trung thực hiện Quy hoạch xây dựng trung tâm logistics mới có công suất khoảng 500.000 TEU tại Phù Cát; đồng thời yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu sớm đưa các thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam và các đối tác nước ngoài để nghiên cứu tiềm năng, lợi thế của nơi đây, từ đó đề xuất các dự án phù hợp.
Bình Định cần chú trọng phát triển thương mại gắn với du lịch, xem đây là kênh xuất khẩu tại chỗ hiệu quả nhất, đồng thời quan tâm hỗ trợ phát triển kinh tế ban đêm tại khu du lịch ven biển, khu du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa...
Đối với dự án điện gió ngoài khơi do Tập đoàn PNE (Đức) đề xuất, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, Bộ Công Thương ủng hộ việc đầu tư và phát triển dự án trên cơ sở gắn với an ninh quốc phòng quốc gia, do đó nhà đầu tư và tỉnh có thể cân nhắc thiết lập liên kết với tập đoàn kinh tế nhà nước của Việt Nam để quá trình đầu tư, triển khai dự án đảm bảo hiệu quả, thuận lợi.
Tại buổi thăm và làm việc tại Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam (Cụm công nghiệp Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), đối với đặc thù ngành dệt may, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý Delta Galil Việt Nam cần thực hiện đúng cam kết về môi trường, đảm bảo hệ thống xử lý rác thải, nước thải ở tất cả các khâu từ dệt đến may hoàn tất đạt chuẩn và giữ gìn cảnh quan, môi trường xung quanh nhà máy thân thiện với môi trường. Cụm công nghiệp cần đảm bảo tiêu chuẩn nước thải loại A khi xả ra môi trường. Liên quan đến vấn đề này, cũng cần có sự giám sát từ địa phương và sự đồng bộ trong thu hút, chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án tương tự.
Để tăng cường năng lực xuất khẩu, Bộ trưởng đề nghị doanh nghiệp đặt ra lộ trình thực hiện chuyển đổi sản xuất xanh hơn, sạch hơn từ khâu nguyên vật liệu trở đi để có thể đáp ứng được các quy định, tiêu chuẩn mới khắt khe hơn tại những thị trường quan trọng như EU, Hoa Kỳ,... Bên cạnh nỗ lực khắc phục khó khăn, tiếp cận với những công nghệ mới trong sản xuất, doanh nghiệp có thể cân nhắc đến việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo (điện mặt trời mái nhà) trong quy trình sản xuất để xanh hóa sản phẩm hay tham gia mua bán tín chỉ carbon trên thị trường,...