[TIN ẢNH] Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thăm và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên
Tham dự đoàn công tác của Bộ Công Thương cùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công Thương; Tổng cục Quản lý thị trường; các Cục: Điện lực và Năng lượng tái tạo, Công nghiệp, Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Công Thương địa phương, Xuất nhập khẩu, Xúc tiến thương mại, Thương mại điện tử và Kinh tế số, Phòng vệ thương mại; các Vụ: Kế hoạch - Tài chính, Thị trường trong nước; đại diện một số Tập đoàn, tổng công ty, công ty.
Về phía tỉnh Thái Nguyên có ông Trịnh Việt Hùng - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Quang Tiến - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện các Sở, ban ngành địa phương.
Dệt may TNG tiên phong chuyển đổi, làm chủ cuộc chơi
Báo cáo đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Thời - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Dệt may TNG cho biết, năm 2023, Công ty đã xuất khẩu 63,78 triệu sản phẩm, thu về 387,64 triệu USD, đóng góp vào tổng doanh thu 7.095 tỷ đồng cả năm, lợi nhuận trước thuế 271 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 72,7 tỷ đồng. Thị trường xuất khẩu chính năm 2023 của Dệt may TNG gồm Hoa Kỳ (chiếm 46,1%), Pháp (16,1%), Tây Ban Nha (7,7%), Nga (6,6%),... Thu nhập bình quân đầu người toàn Công ty năm 2023 đạt 9,5 triệu đồng/người/tháng.
Sáu tháng đầu năm 2024, Dệt may TNG xuất khẩu 29,99 triệu sản phẩm, kim ngạch đạt 168,96 triệu USD. Tổng doanh thu 6 tháng đạt 3.527 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 160 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 45,7 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người 9,6 triệu đồng/người/tháng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, dệt may là một trong những ngành đã và đang góp phần làm nên thương hiệu quốc gia của Việt Nam, với tư cách là 1 trong 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới.
Bộ trưởng chia sẻ cảm xúc "tự hào" khi đến thăm nhà máy của Dệt may TNG. Từ một xí nghiệp nhà nước quy mô rất nhỏ năm 1979 vốn hóa chỉ 10 triệu đồng, mới cổ phần hóa năm 2003, đến nay Dệt may TNG đã phát triển thành một doanh nghiệp vốn hóa hơn 2.000 tỷ đồng, với 18 nhà máy, 18.000 công nhân, thu nhập bình quân người lao động ở mức "hiếm có" đối với ngành dệt may.
Doanh nghiệp cũng đã làm chủ được nhiều công nghệ, không chỉ áp dụng cho hoạt động của mình mà còn thương mại hóa phần mềm ứng dụng trong ngành dệt may nói chung, tạo được nguồn thu từ công tác nghiên cứu và phát triển.
Dệt may TNG đã tập trung thu mua nguồn nguyên vật liệu dệt may trong nước và sản xuất thành phẩm cuối cùng, trong đó chú trọng làm chủ khâu thiết kế - điều này sẽ giúp doanh nghiệp dẫn dắt, làm chủ cuộc chơi. Đồng thời, tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, tận dụng rất tốt các hiệp định thương mại tự do và chinh phục được các thị trường lớn, khó tính.
"Đây là hướng đi táo bạo, nhưng rất trúng, rất đúng", Bộ trưởng nhận xét, cho biết Việt Nam đang tiếp tục hoàn tất các thủ tục liên quan đến FTA với Israel và UAE, dự kiến có hiệu lực vào tháng 9-10/2024, sẽ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp đưa sản phẩm vào thị trường Trung Đông.
Thái Nguyên duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp, thương mại, dịch vụ ở mức cao
Tại buổi làm việc với đoàn công tác, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Bá Chính đã có báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 7 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm; việc triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, cầu thị của UBND tỉnh Thái Nguyên trong việc chuẩn bị nội dung làm việc với đoàn công tác.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên cùng với Bắc Kạn, Tuyên Quang từng được xem như “Thủ đô gió ngàn”, “Thủ đô kháng chiến” của đất nước, trong đó Thái Nguyên giữ vị trí trung tâm.
Hiện nay, Thái Nguyên là một trong những tỉnh tạo thành Vùng Thủ đô, có vị trí địa địa chiến lược, địa kinh tế thuận lợi với hệ thống giao thông kết nối tương đối đồng bộ, nhất là kết nối liên tỉnh, liên Vùng, là vùng bán sơn địa tiếp giáp giữa đồng bằng - miền núi và kết nối quốc tế.
Thái Nguyên có quỹ đất công nghiệp lớn (khoảng 7.000 ha) và nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú, đa dạng (như vonfram, than, sắt, titan, thiếc, chì, kẽm, vàng, thủy ngân,...); một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn, tiêu biểu như vonfram đa kim trữ lượng khoảng 110 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới, là nguyên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Đặc biệt, Thái Nguyên có bề dày kinh nghiệm trong phát triển công nghiệp nặng; là "cái nôi" của ngành công nghiệp luyện kim cả nước và hiện vẫn là một trong những thủ phủ luyện kim.
Tỉnh cũng có nguồn nhân lực với trình độ học vấn khá cao, tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, dạy nghề.
"Những điều này đã giúp cho Thái Nguyên có điều kiện rất tốt trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nói chung, đặc biệt là công nghiệp và thương mại nói riêng", Bộ trưởng nhấn mạnh mạnh, đồng thời đánh giá cao việc tỉnh cũng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, tập đoàn kinh tế lớn, có uy tín, có khả năng dẫn dắt thị trường, tạo ra những chuỗi giá trị (như Samsung, Masan, Central Retail...). Đây là nền tảng rất quan trọng để tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn ở mức cao hơn so với bình quân chung của cả nước.