Báo cáo về tình hình triển khai các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu chiều ngày 15/8/2024, ông Đinh Quang Tuyên - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, nguồn năng lượng chủ yếu của tỉnh Bắc Kạn là điện lưới quốc gia, thủy điện nhỏ đang được khai thác, sử dụng. Hệ thống lưới điện tỉnh Bắc Kạn được cung cấp từ lưới điện quốc gia từ trạm biến áp 220kV Bắc Kạn với tổng dung lượng là 375MW, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 03 trạm biến áp 110kV với tổng dung lượng 115MW và 05 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất là 21,6MW.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 (Quy hoạch điện VIII), theo đó tỉnh Bắc Kạn có tiềm năng về các dạng năng lượng như điện gió, điện sinh khối và thủy điện nhỏ.
Về tình hình triển khai các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực khoáng sản, ông Đinh Quang Tuyên cho biết, Bắc Kạn là tỉnh miền núi, nằm sâu trong nội địa vùng Đông Bắc có địa hình khá phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều dãy núi cao có độ dốc lớn, tạo bởi cánh cung Ngân Sơn - Yên Lạc và cánh cung sông Gâm, do đặc điểm cấu tạo địa chất khá phức tạp, tỉnh Bắc Kạn được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng lớn về tài nguyên khoáng sản.
Theo kết quả công tác điều tra địa chất, tỉnh Bắc Kạn có 273 mỏ và điểm khoáng sản, điểm khoáng hoá thuộc 24 loại khoáng sản. Bắc Kạn là tỉnh có xuất phát điểm thấp về công nghiệp nên ngành công nghiệp khai khoáng có vai trò rất quan trọng, tạo ra nhiều việc làm và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp khác của địa phương.
Vì vậy, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm, định hướng quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, đồng thời được sự quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch chế biến sâu gắn với khai thác khoáng sản đã góp phần quan trọng trong sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và nâng cao giá trị gia tăng khoáng sản của địa phương.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 tại Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 và phê duyệt Kế hoạch triển khai Quy hoạch Khoáng sản tại Quyết định số 333/QĐ-TTg ngày 23/4/2024, UBND tỉnh Bắc Kạn đã triển khai rộng rãi đến các địa phương, doanh nghiệp; cũng như thực hiện rà soát, đánh giá triển khai Quy hoạch Khoáng sản nhằm đảm bảo sự thống nhất và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Về phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh (trước đây là Quy hoạch khoáng sản tỉnh) đã được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03/11/2023, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 15/01/2024 triển khai thực hiện Phương án thăm dò, khai thác khoáng sản tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngoài ra, thực hiện quy định tại Điều 28 Luật Khoáng sản và Điều 23, Điều 23 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, tỉnh Bắc Kạn cũng đã triển khai thực hiện dự án Khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản tỉnh Bắc Kạn và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 66/QĐ-TTg ngày 08/02/2023.
Tuy nhiên, ông Đinh Quang Tuyên cũng cho biết, qua rà soát có thể thấy việc thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc.
Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn đề nghị, Bộ Công Thương xem xét, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, kiến nghị sớm ban hành Quyết định bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII để địa phương có căn cứ để triển khai.
Về lĩnh vực thương mại, cần có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể về “Cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ” hoặc có quy định về cơ chế phối hợp, quản lý giữa cơ quan Công Thương, Tài chính đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ để vừa phù hợp chức năng, nhiệm vụ, vừa đảm bảo thực hiện hiệu quả; có hướng dẫn cụ thể về đơn vị sự nghiệp công lập trong quản lý chợ, về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ.
Ngoài ra, về kinh doanh xăng dầu, tỉnh đề nghị bổ sung hoàn thiện quy định về quản lý và chế tài đối với loại hình kinh doanh xăng dầu bằng thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đăng Bình - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đánh giá cao những quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ của Bộ Công Thương, đặc biệt là đối với tỉnh còn khó khăn như Bắc Kạn.
Tỉnh Bắc Kạn có tiềm năng, thế mạnh về phát triển xanh và những ý kiến, đề xuất cũng như những lời khuyên của các đại biểu phát biểu trong buổi làm việc hôm nay có ý nghĩa quan trọng, rất hữu ích cho tỉnh để có những định hướng phát triển phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và đặc thù riêng của tỉnh.
“Mong rằng, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ Công Thương để tỉnh Bắc Kạn có thể vượt qua khó khăn, tìm được hướng đi và giải pháp phù hợp cho địa phương mình.” - ông Nguyễn Đăng Bình nhấn mạnh.
Đối với những kiến nghị, đề xuất trên của tỉnh Bắc Kạn, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã có phản hồi, trao đổi, giải đáp cụ thể tại buổi làm việc đối với từng lĩnh vực phụ trách. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ đạo các Vụ, Cục trực thuộc quan tâm hỗ trợ, đồng hành để sớm tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại, làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện.