[TIN ẢNH] Nhìn lại chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại tỉnh Bắc Kạn
Tham dự đoàn công tác của Bộ Công Thương cùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công Thương; Tổng cục Quản lý thị trường; các Cục: Điện lực và Năng lượng tái tạo, Công nghiệp, Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Công Thương địa phương, Xuất nhập khẩu, Xúc tiến thương mại, Thương mại điện tử và Kinh tế số, Phòng vệ thương mại; các Vụ: Kế hoạch - Tài chính, Thị trường trong nước; đại diện một số Tập đoàn, tổng công ty, công ty.
Về phía tỉnh Bắc Kạn có ông Hoàng Duy Chinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn; ông Nguyễn Đăng Bình - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cùng đại diện các Sở, ban ngành địa phương.
Lechenwood Việt Nam mong được tạo điều kiện kết nối, xuất khẩu hàng qua các thị trường tiềm năng khác
Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam được thành lập từ tháng 3/2019, có tổng vốn đầu tư khoảng 180 tỷ đồng với 100% vốn Trung Quốc, chuyên sản xuất các mặt hàng gỗ ván ép, ván sàn... xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Hoa Kỳ.
Số lượng công nhân lao động trực tiếp tại nhà máy ở KCN Thanh Bình, Bắc Kạn hiện có khoảng hơn 300 người, chủ yếu là công nhân địa phương, thu nhập lao động khoảng 6-15 triệu đồng/người/tháng.
Cả năm 2023, doanh thu của Lechenwood Việt Nam đạt 78,9 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu thu về 33,35 tỷ đồng. Song, chỉ riêng 7 tháng đầu năm 2024, Công ty đã ghi nhận doanh thu 121,99 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu đạt 112,80 tỷ đồng, tăng lần lượt 154,56% và 338,25% so với cùng kỳ năm trước.
Theo lãnh đạo Lechenwood Việt Nam, việc Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có mặt hàng của Công ty, dẫn đến việc khách hàng hủy đơn hàng một loạt, doanh nghiệp chỉ có thể sản xuất tiêu thụ trong nước với lượng không đáng kể.
Do đó, doanh nghiệp kiến nghị Bộ Công Thương trao đổi với Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) sớm có kết luận về việc rà soát nguồn gốc hàng hóa liên quan vụ chống bán phá giá đối với mặt hàng gỗ dán sản xuất tại Việt Nam để đảm bảo mặt hàng gỗ dán sản xuất tại Việt Nam được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.
Mặt khác, Lechenwood Việt Nam cũng mong được tạo điều kiện kết nối cho doanh nghiệp có cơ hội được xuất khẩu hàng qua các thị trường tiềm năng khác.
Ngoài ra, Công ty cũng trao đổi về một số khó khăn liên quan đến việc hoàn thuế và hồ sơ nguồn gốc lâm sản.
Bắc Kạn phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương và đoàn công tác, ông Đinh Quang Tuyên - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn đã có báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 7 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm; việc triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, cầu thị của UBND tỉnh Bắc Kạn trong việc chuẩn bị nội dung làm việc với đoàn công tác.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Bắc Kạn là một vùng đất cổ gắn liền với sự ra đời của nhà nước Văn Lang. Trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, nơi đây được xem như “Thủ đô gió ngàn”, “Thủ đô kháng chiến” của đất nước với truyền thống cách mạng kiên cường, là vùng đất cách mạng rất oai hùng.
Là tỉnh miền núi nằm sâu trong nội địa vùng Đông Bắc của Tổ quốc; diện tích đất nông, lâm nghiệp lớn; tỷ lệ che phủ rừng đứng đầu cả nước (74-75%), Bắc Kạn có nhiều tiềm năng lợi thế về phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; công nghiệp chế biến nông, lâm sản và phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch về nguồn…
"Đặc biệt, tiềm năng phát triển công nghiệp ở Bắc Kạn không lớn, nhưng tiềm năng phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp xanh lại đứng đầu cả nước", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Kạn đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ.
Đặc biệt, 7 tháng đầu năm nay, các chỉ số chính trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại của tỉnh đều tăng so với cùng kỳ năm trước và cơ bản cao hơn mức tăng chung của cả nước. Nổi bật là, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 10% (cả nước tăng 7,7%), đứng thứ 6 trong Vùng và thứ 24 cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa của tỉnh tăng 12,1%, cao gấp 1,5 lần mức tăng chung của cả nước (8,6%). Xuất khẩu tuy không lớn nhưng tốc độ tăng trưởng ngoạn mục 50,4%, gấp gần 6 lần bình quân chung cả nước (cả nước tăng 14,9%), đứng thứ 2 trong Vùng và thứ 7 cả nước (về tốc độ tăng trưởng)...
"Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, Bắc Kạn với điều kiện còn nhiều khó khăn mà đạt được những kết quả như vậy là nỗ lực vô cùng lớn", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng nhìn nhận lĩnh vực Công Thương tỉnh Bắc Kạn vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Sản xuất công nghiệp tuy có tăng về tốc độ nhưng quy mô còn nhỏ, tỷ trọng trong GRDP thấp (chỉ chiếm hơn 10%).
Đa số các cơ sở sản xuất công nghiệp có công nghệ, dây chuyền, máy móc thiết bị còn lạc hậu, khả năng cạnh tranh thấp, một số sản phẩm công nghiệp mới dừng lại ở dạng bán thành phẩm (ván thanh, tinh quặng...), chưa có sản phẩm chế biến sâu.
Xuất khẩu tuy có tỷ lệ tăng trưởng rất cao, nhưng về giá trị tuyệt đối còn rất khiêm tốn (chỉ chiếm gần 0,01% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước). Hạ tầng thương mại và hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp còn nhiều khó khăn.
Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm, đề nghị tỉnh Bắc Kạn quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn của tỉnh trong lĩnh vực Công Thương.
Trong khuôn khổ chương trình làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương và lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn chứng kiến lễ trao tặng nhiều hạng mục hỗ trợ của các doanh nghiệp cho địa phương.