Phú Mỹ Hưng: Môi trường hiện đại và thân thiện

Nếu chỉ nhìn vào “nhà cao, cửa rộng” hoặc những căn hộ đẹp, sang trọng thì ở một số nơi khác trong nước ta đâu có thua kém Phú Mỹ Hưng? Nhưng tìm một môi trường “trong lành, thân thiện với con người”

Theo Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Nguyễn Trọng Hòa, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã được các ngành chức năng thành phố thẩm định KĐT kiểu mẫu theo 6 tiêu chuẩn: chọn nhà tư vấn và thiết kế bài bản; xây dựng công trình và kiến trúc hài hòa; hạ tầng xã hội đầy đủ; đảm bảo chất lượng cuộc sống; khai thác xây dựng tốt, đồng bộ nên xứng đáng là khu đô thị kiểu mẫu để nhân rộng mô hình ra cả nước. Phú Mỹ Hưng được nêu lên như một mô hình mẫu như vậy còn do môi trường sống là yếu tố nổi trội, hấp dẫn ngay từ đầu khi người ta đặt chân tới nơi này.

 Nơi đây khi xưa là một vùng đất thuộc xã Phú Mỹ, huyện Nhà Bè (nay là quận 7 – thành phố Hồ Chí Minh), có diện tích 409 hecta. Hơn mười năm trước thưa thớt, đất sình lầy hoang hóa với nhiều kênh rạch. Đồ án quy hoạch chi tiết (1/2000) đã bám sát lợi thế thiên nhiên, chủ định bảo tồn, khai thác điều kiện tự nhiên của sông rạch, tạo sự cân bằng về mặt nước, cây xanh với các công trình kiến trúc. Còn đường đất đỏ (liên xã) ngày ấy đã được làm mới, khá hiện đại đã đưa vào sử dụng. Toàn tuyến đường dài trên 17 km, rộng 120 m, 10 làn xe cơ giới, qua 8 cây cầu xây mới, mang tên đường Nguyễn Văn Linh, là trục “xương sống” nối khu chế xuất Tân Thuận, cảng Bến Nghé với tuyến quốc lộ 1A, tạo cơ hội cho sự phát triển vùng. Trên con đường này còn dành lại một dải đất rộng, cho tuyến đường sắt đô thị trong tương lai không xa.

 Khi xây dựng, nhiều mảng xanh thiên thiên được giữ lại, nhưng nhiều hơn cả là hàng chục vạn cây xanh, hàng chục nghìn mét vuông thảm cỏ, được công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng cho ươm hạt, nhân giống ngay từ những ngày đầu. Nhờ thế, khi các công trình xây dựng mọc lên thì cây xanh thảm cỏ cũng đồng thời xuất hiện, thậm chí ở nhiều công trình, mảng xanh “đi trước” nhiều bước! Sự hiện diện rất sớm các công viên cây xanh cấp đô thị, công viên mảng xanh từng khu nhà ở và cây xanh cảnh quan dọc các dẫy phố, dọc các con sông... đáp ứng ngay từ thủa ban đầu cho cư dân đến sinh sống (diện tích đất trồng cây xanh, tạo lập công viên đạt 8,9 m2/người – mức cao nhất trong các đô thị mới xây dựng). Hai con số thiên nhiên (công Cả Cấm, sông Thầy Tiêu) uốn lượn như muốn “ôm” lấy khu đô thị, càng tạo thêm cảnh quan hấp dẫn. Đồng thời với hệ thống “mảng xanh” trong bước quy hoạch là cá công trình công cộng (đất công trình công cộng trong khu nhà ở 3,3 m2/người, đất công trình công cộng cấp đô thị 5,5 m2/người), đáp ứng thỏa đáng nhu cầu cho cư dân (bệnh viện, trường học các cấp, trường Nhật ngữ, Đại Hàn, Đài Bắc, Anh ngữ, trường dạy nghề, nhà trẻ, lớp mẫu giáo và các công trình thương mại – dịch vụ).

 Hệ thống hạ tầng xã hội được tạo dựng gần như song song với hạ tầng kiến trúc xây dựng. Đó là một nét nổi trội trong quy hoạch – xây dựng Phú Mỹ Hưng. Điện lực, nước sinh hoạt, hệ thống truyền hình cáp, viễn thông, điện thoại... được xây dựng “ngầm hóa”, đồng bộ từ ban đầu. Cư dân nhận nhà là có để dùng và nhất là không có tình trạng đào bới lòng đường vỉa hè. Hệ thống thoát nước thái và nước mưa được tách bạch. Nước thải trong khu dân cư được thu gom về trạm xử lý tập trung đạt chuẩn vệ sinh môi trường mới cho thoát ra sông rạch. Trong công viên lớn và khu chung cư đều có bãi đậu xe và đường sá được thiết lập như ô bàn cờ nên không có các ngách, hẻm, tránh ùn tắc ngay cả khi nhiều xe cộ lưu thông. Vỉa hè nhất loạt rộng 3 mét, bên dưới là các công trình ngầm điện, nước, điện thoại...

 Việc gìn giữ vệ sinh môi trường và an ninh được tổ chức chu đáo. Một đội vệ sinh chuyên nghiệp lập ra để quét dọn, thu gom rác thải. Rác của hộ dân được nhân viên thu gom tận nhà, mỗi ngày 2 lần nên trong các khu nhà ở không khi nào có rác tồn đọng. Trên các tuyến đường, vỉa hè, sân công viên, thảm cỏ... đều có nhân viên trực quét dọn, đảm bảo luôn luôn sạch sẽ. Tại những diện tích công cộng, cư dân không được dùng vào bất cứ việc riêng tư nào (phơi phóng, chất đồ.vv...). Các dãy ghế công viên chỉ để ngồi nghỉ, không dùng cho việc ngủ hay nằm dù rong chốc lát, đó cũng là một trong các nội dung được quy định trong “quy ước dân cư”. Một lực lượng nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp (gần 500 người), có nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ mọi khu nhà (biệt thự, chung cư, nhà lẻ, các công trình công cộng) và giám sát việc giữ trật tự vệ sinh chung 24/24 giờ, trong ngày thường và cả lễ, tết.

 Phú Mỹ Hưng không chỉ là khu nhà ở chuyên biệt. Tại đây đang xây dựng và hoàn thiện các trung tâm tài chính, thương mại, văn hóa, ytế mang tầm khu vực. Khu trung tâm tài chính thương mại quốc tế xây dựng khá hiện đại, giữ vai trò như “trái tim” của khu đô thị, nó phục vụ cho cả khu vực Nam Sài Gòn. Tại đây ngoài các công trình về dịch vụ, thương mại, tài chính, chứng khoán, còn có trung tâm hỗn hợp triển lãm quốc tế, khu nhà làm việc văn phòng, trung tâm hội nghị quốc tế, hội thảo, tổ chức sự kiện khách sạn 5 sao, bãi ngầm đậu xe... là loại hình kết hợp với dịch vụ đang phát triển trên thế giới.

 Thấy rõ xu thế phát triển của Phú Mỹ Hưng, nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước cũng đang tính đến việc chuyển văn phòng, nơi giao dịch về đây... Nhiều nhà chuyên môn đã đánh giá rằng Phú Mỹ Hưng sẽ là “trung tâm đòn bẩy” phát triển vùng đô thị mới Nam Sài Gòn (toàn khu Nam Sài Gòn gồm 22 khu chức năng, dài 18 km, diện tích 2.975 ha, chạy song song với vùng Kênh Tẻ, Kênh Đôi, mang màu sắc khu đô thị sông nước Nam bộ và không bị ràng buộc bởi những kiến trúc cũ).

 Trở lại khu đô thị Phú Mỹ Hưng tuy có khá nhiều chức năng, nhưng như lời ông Trước Quốc Hưng (giám đốc tiếp thị của Công ty Phú Mỹ Hưng) thì Công ty vẫn chỉ để 1/3 diện tích cho các công trình và nhà ở, còn lại là quỹ đất dành cho các tiện tích công cộng, giao thông, công viên cây xanh... tạo cho điều kiện sống của cư dân ngày càng hoàn hảo. “Mục đích vẫn là mối quan tâm tới con người sống trong môi trường Phú Mỹ Hưng” - Ông Hưng nhấn mạnh.

 Cũng cần nói thêm: Không chỉ chính quyền thành phố Hồ Chí Minh “đề xuất mà mới đây một Hội đồng tuyển chọn các công trình kiến trúc tiêu biểu để phát triển, gồm các chuyên gia kiến trúc uy tín như KTS Hoàng Đạo Kính, KTS Nguyễn Trực Luyện, KTS Nguyễn Tấn Vạn, nhà sử học Dương Trung Qúôc và một nhóm hoạ sĩ cũng đã nêu đích danh khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Sự ghi nhận của Hội đồng như sau: “Khu đô thị Phú Mỹ Hưng – thành phố Hồ chí Minh phát triển theo mô hình đô thị dài, phân thành nhiều phân khu chức năng, gắn kết hài hoà trong một tổng thể với cơ sở hạ tầng, xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện tại, đảm bảo mục tiêu phát triển đô thị bền vững. Khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã góp phần khai phá vùng đất phía Nam của thành phố Hồ Chí Minh biến một vùng đất sình lầy thành một khu đô thị hiện đại với đầy đủ các tiện tích của một đô thị đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng được xem là khu đô thị hiện đại và đẹp nhất Việt Nam hiện nay với diện tích đất dành cho không gian công cộng, công viên cây xanh chiếm tỷ lệ cao. Mặc dù phải đợi Bọ Xây dựng trình Chính phủ xem xét để có hình thức công nhận quy mô của khu đô thị Phú Mỹ Hưng nhưng có thể nói, khu đô thị Phú Mỹ là một trong những khu đô thị hoàn chỉnh và đồng bộ nhất tại thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

  • Tags: