Trong giai đoạn chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2001-2005) của Tỉnh, nền kinh tế Phú Thọ đã có bước phát triển với tốc độ cao, chất lượng tăng trưởng được nâng lên: GDP bình quân hàng năm tăng 9,71%, thu nhập bình quân đầu người tăng 1,65 lần so với năm 2000. Sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển toàn diện và ổn định, đạt giá trị sản xuất tăng bình quân 7,9%/năm; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 14,8%/năm; các dịch vụ tăng 12,1%/năm. Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH: Công nghiệp, xây dựng chiếm 40%, nông nghiệp chiếm 26%, các ngành dịch vụ chiếm 34%.
Huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển đạt khá, kết cấu hạ tầng được đầu tư với tốc độ nhanh, tổng vốn huy động trong 5 năm qua đạt 15,38 ngàn tỷ đồng. Văn hóa thông tin, giáo dục - đào tạo, sự nghiệp báo chí, thể dục thể thao, việc thực hiện các chính sách xã hội đã có bước phát triển khá toàn diện và mạnh mẽ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố và bảo đảm ổn định, quốc phòng được giữ vững.
Trong kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh giai đoạn 2006-2010, Phú Thọ đặt mục tiêu phải tiếp tục đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng CNH, HĐH, nâng cao hiệu quả và sức mạnh cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời động viên cao độ các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đẩy nhanh tốc độ đầu tư kết cấu hạ tầng và các dự án trọng điểm, phát triển văn hóa xã hội, tiếp tục thực hiện xoá đối giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động.
Để thực hiện các chỉ tiêu này, Phú Thọ tập trung vào thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
1. Phát triển nhanh các ngành kinh tế, đi đôi với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất trong từng ngành, từng lĩnh vực, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm mà Tỉnh có lợi thế: chè, giấy, chế biến gỗ, chăn nuôi lợn thịt, bò thịt, thủy sản nước ngọt và cây ăn quả. Mục tiêu phát triển nông, lâm nghiệp trong 5 năm tới của Phú Thọ là xây dựng một nền kinh tế hàng hóa đa dạng, phát triển nhanh, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng hiệu quả và nâng cao trình độ công nghệ, thông qua ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, bảo quản và chế biến. Đẩy mạnh liên kết sản xuất công, nông nghiệp; gắn sản xuất với chế biến; xây dựng nông thôn gắn với đô thị hóa, làm tốt công tác quy hoạch và quản lý qui hoạch. Tập trung thu hút các nguồn vốn đầu tư và các ngành công nghiệp có tiềm năng như: may mặc, giầy dép, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản... chú trọng thu hút đầu tư để phát triển nhóm ngành công nghiệp có lợi thế và tạo nguồn thu lớn cho ngân sách như: Xi măng, rượu, bia, lắp ráp cơ khí, điện tử, xe máy... Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đầu tư, tổ chức thường xuyên xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước, hoàn thành đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ để tạo môi trường cho đầu tư. Phấn đấu duy trì tốc độ phát triển công nghiệp hàng năm từ 15-16%/năm.
Phát triển các ngành dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó tập trung phát triển điểm du lịch quốc gia đền Hùng, lấy đền Hùng làm tâm điểm để phát triển các điểm du lịch khác như: Đầm Ao Châu, vườn quốc gia Xuân Sơn, nước khoáng nóng Thanh Thủy... Tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch; phối hợp với chương trình đầu tư của các ngành khác để nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ thương mại, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông...
2. Phát triển các vùng kinh tế trên cơ sở phát huy những thế lợi từng vùng như: vùng kinh tế động lực Việt Trì - Phù Linh - Lâm Thao - thị xã Phú Thọ; vùng kinh tế ven sông Hồng, sông Lô, sông Đà.
3. Tăng cường thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển, đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng. Khai thác nguồn lực trong nước với hình thức khuyến khích nguồn vốn trong dân, nguồn vốn lao động nước ngoài. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư cả trong và ngoài nước, hoàn thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, giảm thiểu số giấy phép, thời gian, chi phí gia nhập thị trường của nhà đầu tư, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp liên quan đến nhân tố đầu vào, đầu ra của sản phẩm. Điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư theo hướng bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; tích cực chuẩn bị các dự án để tranh thủ vốn đầu tư từ các cơ chế, chính sách của Nhà nước, tranh thủ sự ủng hộ của các Bộ, ngành, Trung ương; xây dựng và điều chỉnh các cơ chế, chính sách huy động vốn, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng then chốt đã được Tỉnh xác định như: Hệ thống điện, giao thông, phát triển quỹ đất giao với phát triển giao thông, xây dựng quy hoạch phát triển đô thị, nước sạch, thủy lợi...
4. Đổi mới và lành mạnh hóa tài chính, tín dụng... cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng tăng dần tỷ lệ cho đầu tư phát triển; tăng cường phân cấp quản lý nguồn thu và sử dụng nguồn thu cho các cấp ngân sách; khuyến khích các lĩnh vực có khả năng thu cao và tạo nguồn thu nhanh cho ngân sách, phấn đấu tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng thêm 15%/năm.
5. Nâng cao hiệu quả hoạt động của khoa học - công nghệ, quản lý tài nguyên và môi trường đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội: ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ cao và sản xuất; tăng tỷ lệ ứng dụng của các đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tế. Tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.
6. Phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước: triển khai nhanh chủ trương xã hội hóa giáo dục của Nhà nước; củng cố các trường chất lượng cao. Tập trung đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo tại Trường Đại học Hùng Vương và Trường dạy nghề của tỉnh để đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân kỹ thuật. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt >40%
7. Đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa - thông tin, thể dục thể thao; giải quyết tốt chính sách xã hội và các vấn đề xã hội bức xúc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
8. Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, chú trọng đơn giản hóa thủ tục hành chính; nâng cao hiệu lực chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; chú trọng đào tạo nâng cao năng lực trình độ của đội ngũ cán bộ cơ sở. Tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
9. Tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng - an ninh; giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo cho kinh tế - xã hội phát triển./.