Theo báo cáo của Bộ Công Thương, lần đầu trong 6 tháng gần đây, chỉ số Quản trị nhà mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 8/2023 đã tăng trở lại trên ngưỡng 50 điểm (so với mức so với mức 48,7 điểm của tháng 7) cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã cải thiện, sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động xuất khẩu và hoạt động mua hàng đều tăng trở lại...
Do vậy, sản xuất công nghiệp tháng 8 tiếp tục xu hướng tích cực hơn tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 2,9% so với tháng 7 và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận mức tăng 4 tháng liên tiếp so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 3,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,8%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%.
Tuy nhiên, do những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ những tháng đầu năm đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước nên tính chung 8 tháng, IIP toàn ngành ước giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,2%).
"Mặc dù vậy, lũy kế tháng so với cùng kỳ năm trước, mức suy giảm trong sản xuất công nghiệp có xu hướng ngày càng thu hẹp", Bộ Công Thương nhận định. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 0,6% (cùng kỳ tăng 10,1%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,8%; ngành khai khoáng giảm 2,5%.
Báo cáo vĩ mô tháng 8/2023 của Bảo Việt Securities (BVSC) nhận định, nhiều khả năng trong quý III/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp sẽ ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ, và có thể kéo tăng trưởng trung bình trong 3 quý đầu năm quay trở lại mức tăng trưởng dương. Yếu tố này sẽ có đóng góp tích cực đối với tăng trưởng GDP trong quý III, khi ngành công nghiệp chiếm tới hơn 30% trong tỷ trọng GDP của Việt Nam.
Cụ thể, BVSC dự báo, với mức tăng khoảng 3,5% so với cùng kỳ, ngành công nghiệp có thể đóng góp khoảng 1 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP trong quý III này (quý I công nghiệp giảm 0,75%, quý II tăng 1,56%, góp phần khiến tăng trưởng GDP 2 quý đầu năm ghi nhận ở mức thấp, lần lượt là 3,32% và 4,14%).
Phân theo địa phương, IIP trong 8 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao. Trong đó, một số địa phương nhận động lực từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như Bắc Giang tăng 16,4%; Phú Thọ tăng 15,7%; Nam Định tăng 13,8%; Kiên Giang tăng 13%; Hải Phòng tăng 12,1%; Phú Yên tăng 11,8%. Một số địa phương khác có IIP cao nhờ ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao, như Hậu Giang tăng 183,8%; Thái Bình tăng 91%; Trà Vinh tăng 34,7%.
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP trong 8 tháng giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm so với cùng kỳ năm trước (Quảng Nam giảm 32,2%; Bắc Ninh giảm 16,9%; Vĩnh Long giảm 14,4%; Sóc Trăng giảm 4,8%); ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm (Lai Châu giảm 35,2%; Sơn La giảm 34,7%; Cao Bằng giảm 33,8%; Điện Biên giảm 30,4%; Hòa Bình giảm 26,2%); ngành khai khoáng giảm (Vĩnh Long giảm 79,9%; Hà Giang giảm 42,2%; Điện Biên giảm 9,5%; Quảng Nam giảm 4,9%).
Chỉ số IIP 8 tháng năm 2023 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 9,9%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 8,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 8,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 7%; khai thác quặng kim loại tăng 6,5%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 5,6%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,4%.
Ở chiều ngược lại, IIP của một số ngành giảm: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 3,9%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 4,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 4,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy cùng giảm 4,8%; sản xuất trang phục giảm 5,1%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 6%; sản xuất xe có động cơ giảm 6,5%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 8 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: phân hỗn hợp NPK tăng 14,2%; xăng, dầu tăng 10,1%; ti vi tăng 10%; phân DAP tăng 9%; thuốc lá bao và vải dệt từ sợi nhân tạo cùng tăng 8,6%; thép cán tăng 6,5%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Ô tô giảm 20,4%; điện thoại di động giảm 17,7%; thép thanh, thép góc giảm 15,5%; xe máy giảm 7,4%; quần áo mặc thường giảm 5,8%; xi măng giảm 5,6%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/8/2023 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 2,9% so với cùng thời điểm năm trước.