TS. Nguyễn Anh Đức - Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho biết, VPI sẽ tập trung nghiên cứu phát triển các nguồn khí mới, phát triển thị trường các sản phẩm khí, phát triển cơ sở hạ tầng ngành công nghiệp khí trên phạm vi toàn quốc; nghiên cứu, đánh giá thị trường sản phẩm, lựa chọn công nghệ cho các dự án chế biến sâu khí; nghiên cứu nâng cao hiệu quả hoạt động các nhà máy xử lý khí của PV GAS; nghiên cứu phân tích, đánh giá chất lượng nguyên liệu và sản phẩm khí, phân chia sản phẩm khí; đánh giá theo dõi, kiểm soát ăn mòn thiết bị, đường ống trên các công trình khí; nghiên cứu đảm bảo dòng chảy trong vận chuyển, phân phối khí.
Đồng thời, VPI sẽ tư vấn lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án khí, kế hoạch bảo vệ môi trường tại các công trình khí; xây dựng các tài liệu về quản lý an toàn, quan trắc môi trường lao động, triển khai các nghiên cứu liên quan đến giải pháp về an toàn, sức khỏe và môi trường; triển khai các chương trình, đề tài, dự án khoa học công nghệ về những lĩnh vực mới, công nghệ mới, năng lượng tái tạo…
Ngoài hợp tác nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ, PV GAS và VPI cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu/phát triển chuyên gia.
VPI đang triển khai nhiều chương trình nghiên cứu cho PV GAS: Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho Dự án đường ống thu gom, vận chuyển khí mỏ Sư Tử Trắng và Dự án đường ống thu gom khí mỏ Cá Rồng Đỏ; tư vấn lập Quy hoạch phát triển thị trường khí thiên nhiên khu vực Trung Bộ giai đoạn 2018 - 2027…