Kể từ khi chào sàn thành công đầu năm 2018 đến nay, POW đã và đang được nhiều quỹ đầu tư nội, quỹ đầu tư ngoại; trong đó có các quỹ hoán đổi danh mục quan tâm và đưa ra lộ trình để mua vào. VNM ETF dự kiến mua vào hơn 15,8 triệu cổ phiếu trong khi đó FTSE ETF sẽ thực hiện mua vào khoảng 5,4 triệu cổ phiếu trong kỳ Review danh mục quý II/2019.
“Nhanh như điện” có thể không ngoa khi đề cập đến chiến lược kinh doanh, hướng tới các cổ đông lớn, các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước của PV Power. Không chỉ đáp ứng được các tiêu chuẩn về mặt vốn hóa, thanh khoản hay tỷ lệ free-float, POW còn là nhà sản xuất điện lớn thứ hai của cả nước với sản lượng điện khổng lồ, chiếm vị thế hết sức quan trọng trong lĩnh vực sản xuất điện năng. Trên thị trường chứng khoán hiện nay, nhóm ngành tiện ích đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
PV Power - nhà sản xuất điện hàng đầu với nhu cầu điện tiêu thụ tăng theo các năm
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhiệt độ trung bình các tháng mùa hè năm nay có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5-1 độ C, do đó mức nhiệt trong các đợt nắng nóng nhiều khả năng đạt 39 - 42 độ, một số điểm có thể có nhiệt độ cao vượt kỷ lục.
Tình hình nắng nóng dự kiến sẽ khiến nhu cầu điện trong nước tăng cao trong mùa hè này, đặc biệt là điều hoà nhiệt độ. Tại khu vực Hà Nội, dự báo công suất sử dụng điện năm 2019 tăng từ 10% đến 15% (4.654 MW đến 4.865 MW). Tại khu vực phía Nam, nhu cầu tiêu thụ điện dự báo sẽ cao liên tục trong 3 tháng mùa khô (từ tháng 4 đến tháng 6). Theo đó, năm 2019 dự báo công suất sử dụng lớn nhất khoảng 11.570 MW, tăng 10,93% so với năm 2018.
Nhu cầu sử dụng điện tăng cao đặt các doanh nghiệp điện vào áp lực đảm bảo nguồn cung cấp điện, đặc biệt trong điều kiện thủy văn không thuận lợi khi nhiều nơi trên cả nước xảy ra tình trạng thiếu nước. Khu vực Đông Bắc thiếu hụt từ 10 đến 30%; Đồng bằng Bắc bộ, hạ lưu sông Hồng thiếu hụt từ 10 đến 30%, và nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ tại các tỉnh Nam Trung bộ và khu vực Tây Nguyên từ tháng 4 đến tháng 5/2019. Điều này đồng nghĩa với việc các nguồn điện khác phải bù đắp thêm.
Là đơn vị sản xuất điện lớn thứ hai sau EVN, công suất hiện tại các nhà máy của PV Power đạt 4.208 MW, tương đương với khoảng 10% tổng công suất nguồn, với tỷ lệ nhiệt điện chiếm tỷ trọng lớn tới 94%. Theo kế hoạch, năm 2019, PV Power đặt sản lượng điện thương phẩm là 21,6 tỷ kWh, tăng 1,4% so với thực hiện năm 2018.
Trước điều kiện thời tiết không thuận lợi, PV Power cũng đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất điện, đặt biệt với các nhà máy Thủy điện. Tuy nhiên, việc vận hành nhiều nhà máy với nguồn nguyên liệu đa dạng, cả khí và than, cho phép PV Power cân đối được nguồn phát điện, bù đắp sản lượng của các nhà máy thủy điện.
Để đảm bảo được nguồn cung cấp điện, công tác bảo dưỡng sửa chữa luôn được quan tâm thực hiện chặt chẽ theo đúng quy trình nhằm đảm bảo cho các nhà máy luôn hoạt động ổn định. Đồng thời công tác chuẩn bị nguồn nhiên liệu cho các nhà máy được đặt lên hàng đầu.
Sản lượng điện trong 5 tháng đầu năm tăng tốt
Trong tháng 5, sản lượng điện của Công ty đạt 2.133 triệu kWh, lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 9.550,1 triệu kWh, hoàn thành 44% kế hoạch năm. Hầu hết các nhà máy đều vận hành hết công suất như Nhà máy Điện Cà Mau 1 đạt sản lượng điện hơn 767,2 tr.kWh, đạt 121,3% kế hoạch, hai nhà máy thủy điện Nậm Cắt và Hủa Na cũng hoàn thành tương ứng 103,6% và 104,5% kế hoạch.
Tại Nhà máy Điện Vũng Áng, tình trạng thiếu than trong tháng 5 đã cơ bản được khắc phục, do vậy nhà máy đã vận hành gần đạt kế hoạch sản lượng được giao đã ổn định hơn, sản lượng điện đạt 584, tr.kWh, hoàn thành được 95,7% kế hoạch.
Dự kiến, quý II/2019 là các tháng có thời tiết nắng nóng. Trước điều kiện thủy văn không thuận lợi, các nhà máy của Công ty sẽ vận hành hết công suất, đặc biệt là các nhà máy điện khí để bù đắp, đảm bảo sản lượng điện. Tổng sản lượng điện dự kiến tháng 6 đạt 1.915,59 triệu kWh, tương đương với năm 2018, lũy kế cả 3 tháng cao điểm 5, 6 và 7 đạt 5.600 triệu kWh.