PVEP và hành trình biến thách thức thành cơ hội

Khả năng quản trị nhạy bén, sáng tạo, biến “nguy thành cơ” đã giúp PVEP vượt qua khó khăn, khẳng định vai trò là đơn vị chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong lĩnh vực cốt lõi tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí
Tiến sĩ Trần Quốc Việt - Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVEP
Tiến sĩ Trần Quốc Việt - Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVEP

Hồi đầu tháng 2/2023, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã cán mốc sản lượng 1 tỷ thùng dầu. Đây không chỉ là dấu mốc vẻ vang của PVEP mà còn là niềm tự hào của ngành Dầu khí, của ý chí Việt Nam. Ít ai biết rằng, trong hành trình tìm “vàng đen” đầy vinh quang của mình, PVEP từng đứng trước những thử thách muôn vàn khó khăn.

Biến thách thức thành cơ hội

Nhờ khả năng quản trị nhạy bén, sáng tạo, biến “nguy thành cơ” đã giúp PVEP vượt qua khó khăn, khẳng định vai trò là đơn vị chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong lĩnh vực cốt lõi tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.

TS Trần Quốc Việt - Chủ tịch HĐTV PVEP cho biết, giai đoạn sau năm 2015, nhiều đơn vị dầu khí trong đó có PVEP gặp nhiều khó khăn. Có những thời điểm, nợ các dự án của PVEP lên đến 30.000 tỷ, trong khi tài khoản chỉ còn 3.000 tỷ. “Có lúc giá dầu xuống âm 27 USD, nhiều người dao động. Đấy là giai đoạn cần bản lĩnh nhất”, ông Việt nhớ lại.

Trong một số thời điểm khó khăn như thế, từng có ý tưởng phải dừng lại một số dự án, mỏ dầu. Tuy nhiên, sau khi bàn tính lại, thấy rằng việc dừng này không đơn giản, thậm chí có thể gây thiệt hại rất lớn hơn, khó khắc phục. Để cả một hệ thống máy móc hoạt động trở lại sẽ ngốn nhiều kinh phí.

Hơn nữa, Chủ tịch PVEP cho rằng, việc dừng hoạt động còn mất cả tính nhân văn khi hàng trăm lao động phải nghỉ việc, kéo theo bao nhiêu gia đình bị ảnh hưởng. “Cân nhắc kỹ càng, chúng tôi thay vì dừng việc, cắt giảm nhân sự thì tận dụng khó khăn để bứt phá, vươn lên”, ông Việt nói và cho rằng, nếu biết tận dụng, chính lúc khó khăn lại là cơ hội để khẳng định mình.

Phân tích thêm, chủ tịch PVEP cho biết, khó khăn của ngành dầu khí có tính thời điểm. Hơn nữa, PVEP hoạt động không chỉ khai thác dầu mỏ và khí đốt mà có nhiều ngành dịch vụ đi theo. Bởi vậy, độ trễ ảnh hưởng mỗi lĩnh vực là khác nhau. Ví dụ, lúc giá dầu tụt xuống thì một thời gian sau giá dịch vụ mới giảm theo.

“Mình cần có giải pháp để tận dụng điều này, khi dầu xuống thấp thì đẩy công việc dịch vụ lên”, ông Việt nói và dẫn chứng, lúc giá dầu cao nhất, dịch vụ thuê giàn khoan khoảng 180.000 –200.000 USD/ngày, nhưng khi giá dầu xuống, giá giàn khoan chỉ khoảng 40.000 – 70.000 USD/ngày, phải đẩy mạnh dịch vụ khoan.

Theo Chủ tịch PVEP chính nhờ khả năng chuyển đổi linh hoạt, sáng tạo, cân đối tốt trong các hoạt động kinh doanh mà những lúc khó khăn, doanh nghiệp vẫn tạo được việc làm cho người lao động, cả bộ máy vận hành ổn định. Bởi vậy, theo ông Việt, cùng với thuận lợi từ giá dầu, chỉ trong hai năm qua (2021 và 2022), PVEP đã thu lợi nhuận rất tốt, được gần 30.000 tỷ. “Chúng tôi đã giải quyết được bài toán lỗ luỹ kế các năm trước”, ông Việt nói.

Cụm mỏ Đại Hùng của PVEP
Cụm mỏ Đại Hùng của PVEP

“Hai trận đánh lớn”

Theo chủ tịch PVEP, hiện nay hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị đang diễn ra thuận lợi. Đơn vị đang triển khai 35 dự án, trong đó có 6 dự án nước ngoài. Một số dự án tiêu biểu của PVEP hiện nay có thể kể đến như lô 15.1 ở Bể Cửu Long. Đây là dự án khá gần bờ, lớn nhất của PVEP. Dự án này đã lãi khoảng 1,5 tỷ USD và trữ lượng còn rất lớn.

Dự án Lô 05.1a (mỏ Đại Hùng) cũng là mỏ có trữ lượng tương đối tốt của PVEP, hiện nay đang khai thác được khoảng 10.000 thùng dầu/ngày. Với các dự án tại nước ngoài, có thể kể đến các dự án rất hiệu quả như dự án trên sa mạc ở Algeria, khai thác được khoảng 18.000 thùng dầu/ngày. Dự án ở gần khu vực Malaysia, khai thác khoảng 12.000 – 15.000 thùng/ngày.

Theo chủ tịch PVEP, hiện đơn vị này đang nghiên cứu, cùng các đối tác để tới đây triển khai các dự án lớn như mỏ Sư Tử Trắng 2B, dự án Lô B, Kèn Bầu, Cá Voi Xanh…

Về công tác thăm dò, Chủ tịch PVEP cho biết, đây là công tác thường xuyên của đơn vị, tuy nhiên các khu vực gần bờ đã không còn các mỏ lớn, cơ bản chỉ còn có các lô xa bờ. Hiện nay, PVEP đang đẩy mạnh công tác tận thăm dò, tức thăm dò thêm ở những mỏ mà mình đang khai thác để mở rộng khai thác thêm trữ lượng.

Nói về dự định phát triển trong thời gian tới, Chủ tịch PVEP cho biết đang nghiên cứu “hai trận đánh lớn”. Thứ nhất là đẩy mạnh nghiên cứu tiềm năng dầu khí tại khu vực Bắc Bộ, với hy vọng biến khu vực này thành trung tâm phát triển công nghiệp dầu khí mới của đất nước. Thứ hai là nghiên cứu dự án thực hiện chôn CO2 trong các công trình dầu khí ngoài khơi, nhằm hiện thực hoá cam kết của Thủ tướng Chính phủ là giảm lượng khí thải carbon xuống mức 0 vào năm 2050.

PVEP đã đẩy mạnh công tác khảo sát, thu nổ địa chấn ở các dự án trong nước nhằm đánh giá tiềm năng dầu khí và góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia; duy trì nhịp độ sản xuất liên tục tại các dự án khai thác dầu khí; đầu tư và đưa vào khai thác nhiều dự án dầu khí trong nước. Năm 2022, PVEP đạt tổng doanh thu 44.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 14.750 tỷ đồng, nộp ngân sách 15.270 tỷ đồng.

baophapluat.vn