Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL) vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh quý 1 với tổng doanh thu 19.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế công ty mẹ là 222 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 270 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 177 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 209 tỷ đồng.
Ngày 18/4, PVOIL tổ chức gặp mặt các cổ đông lớn và nhà đầu tư để thông tin về kết quả SXKD năm 2022, quý 1/2023 và Kế hoạch năm 2023 của Tổng công ty Dầu Việt Nam – CTCP.
Theo tài liệu trình ĐHCĐ dự kiến diễn ra vào ngày 27/4, PVOIL trình đại hội thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với 50.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 600 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất sau thuế là 400 tỷ đồng. Chỉ tiêu kế hoạch của công ty mẹ là 500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 400 là tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Như vậy, sau quý 1, PVOIL đã hoàn thành 38% kế hoạch tổng doanh thu, 45% kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất và 44% kế hoạch lợi nhuận sau thuế hợp nhất.
Về sản lượng, tiêu thụ xăng dầu đạt 1.111 triệu m3, bằng 34% so với kế hoạch 3.300 triệu m3. Chỉ tiêu xuất/bán dầu thô và nhập khẩu dầu thô cho BSR đạt 2.639 triệu m3, bằng 29% kế hoạch 9.185 triệu m3. Sản xuất xăng dầu, DMN là 151 triệu m3, bằng 31% so với kế hoạch 484 triệu m3.
Điểm nổi bật là so với cùng kỳ các chỉ tiêu kinh doanh của PVOIL đều tăng trưởng tốt. Tiêu thụ xăng dầu trong quý 1 vừa qua tăng trưởng 27% so với cùng kỳ, tiếp nối đà tăng trưởng 28% của trong năm 2022.
Kế hoạch kinh doanh năm 2023 PVOIL trình ĐHCĐ về chỉ tiêu lợi nhuận doanh thu và lợi nhuận so với thực hiện năm 2022 khá khiêm tốn, thể hiện sự thận trọng của PVOIL khi môi trường kinh doanh dự báo còn nhiều biến động, nhiều nền kinh tế rơi vào suy thoái, nhu cầu tiêu thụ giảm, lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao, lãi suất chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Giá dầu thô Brent theo dự báo của một số tổ chức uy tín dao động ở mức từ 85-100 USD/thùng. Ở trong nước tăng trưởng giảm mạnh.
Giải thích về kế hoạch kinh doanh năm 2023 thấp hơn thực hiện năm 2022, ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch HĐQT PVOIL chia sẻ, do bối cảnh kinh doanh xăng dầu năm 2022 rất dị biệt, có giai đoạn mất cân bằng cung cầu, do nhập khẩu khó khăn, giá nhập cao mà trong nước điều hành giá không kịp, nhiều đầu mối dừng không nhập khẩu, hay dừng kinh doanh nên PVOIL thực hiện lấp vào chỗ trống của thị trường. PVOIL là đầu mối nhập khẩu xăng dầu lớn nên có lợi thế nhất định hơn các đầu mối nhỏ, lại là khách hàng truyền thống của Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn nên đã chủ động được nguồn cung “lấp” vào chỗ trống thị phần để gia tăng sản lương tiêu thụ.
“Khi xây dựng kế hoạch năm 2023, chúng tôi đặt câu hỏi, liệu năm 2023 tình hình có dị biệt như thế không? Nhà nước đã có điều chỉnh cơ chế tính giá để giá trong nước điều chỉnh nhanh hơn, tiếp cận giá thị trường thế giới, các đầu mối kinh doanh sẽ quay lại hoạt động thì thị trường cạnh tranh rất cao…”, ông Cao Hoài Dương nói.
Tuy nhiên, nhìn vào yếu tố chủ quan, lãnh đạo PVOIL cho biết, kế hoạch xây dựng thận trọng nhưng PVOIL luôn nắm bắt biến động của thị trường để tận dụng cơ hội gia tăng hiệu quả kinh doanh. Giống như năm 2022, nhờ ứng phó tốt với biến động giá dầu và nguồn cung trên thị trường, PVOIL đã gia tăng được sản lượng và tối đa hiệu quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm, đồng thời kiểm soát và hạn chế tối thiểu thiệt hại trong 6 tháng cuối năm, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh doanh.
Kết quả kinh doanh quý 1 vừa qua cho thấy, trên đà kết quả kinh doanh tăng trưởng của năm trước, PVOIL đã phát huy lợi thế để tiếp tục tăng trưởng cao. Trong quý 1, mặc dù một số đầu mối xăng dầu đã hoạt động trở lại nhưng sản lượng tiêu thụ của PVOIL vẫn tăng trưởng 27% trong điều kiện tổng cầu không tăng. Nguyên nhân chủ quan là PVOIL đã thực hiện chiến lược kinh doanh đúng, xây dựng được thương hiệu uy tín.
“Khi thị trường thiếu nguồn cung, chúng tôi nỗ lực hết sức để đảm bảo cung ứng phục vụ khách hàng và người dân, vì thế lúc này khi thị trường đã ổn định, một số đầu mối kinh doanh xăng dầu đã hoạt động trở lại nhưng nhiều khách hàng vẫn nhập hàng của PVOIL. Chúng tôi cam kết đảm bảo sản lượng cơ sở trong mọi tình huống” – Lãnh đạo PVOIL chia sẻ.
Với thị trường bán lẻ, thương hiệu PVOIL được khách hàng ngày càng tin tưởng nhờ dịch vụ tốt, nhất là sau đợt biến động thiếu cung xăng dầu vừa qua. Điều đó thể hiện, khi các cửa hàng xăng dầu mà PVOIL mua lại, sau khi làm lại nhận diện thương hiệu đều tăng sản lượng ít nhất 20%, có cửa hàng tăng sản lượng gấp 3 lần so với trước.
Kết quả kinh doanh quý 1 cho thấy các lợi thế trong kinh doanh của PVOIL tiếp tục được phát huy để đạt hiệu quả kinh doanh tốt nhất, tăng trưởng tiêu thụ cao trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn.