Theo cập nhật mới đây từ Chứng khoán Rồng Việt, sau mùa cao điểm thường niên (tháng 6 - tháng 8 hàng năm), sản lượng container qua hai cụm cảng lớn nhất cả nước là Hải Phòng và Vũng Tàu trong tháng 9/2024 đã có sự suy giảm mạnh.
Cụ thể, trong tháng 9/2024, tổng sản lượng tại cụm cảng Hải Phòng là 602.000 TEU và tại cụm cảng Vũng Tàu là 548.000 TEU, lần lượt giảm 10% và 12% so với tháng 8/2024. Mùa cao điểm thường chiếm tỷ trọng khoảng 27% về sản lượng hàng hoá xuất nhập khẩu container đường biển.
Xét về tổng thể chung, giá trị xuất nhập khẩu container qua đường biển của Việt Nam trong tháng 9/2024 cũng đã có sự thu hẹp so với tháng trước. Đặc biệt, hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ là nhóm có giá trị thấp, nhưng chiếm tỷ trọng cao về sản lượng container, đều sụt giảm trong tháng 9/2024.
Nguyên nhân chính đến từ việc các nhà bán buôn tại Mỹ và Châu Âu đã dữ trữ đủ lượng tồn kho sau khi đẩy mạnh thu mua trong hai tháng đầu quý 3/2024, theo Chứng khoán Rồng Việt.
Về triển vọng quý 4/2024, đối với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, do mùa cao điểm năm nay đến sớm nên các hoạt động nhập khẩu đã bắt đầu chậm lại từ cuối quý 3/2024 và dự kiến sẽ duy trì ổn định trong quý cuối năm. Thị trường Trung Quốc hiện chiếm 45% sản lượng container xuất nhập khẩu đường biển của Việt Nam.
Đối với Mỹ - đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam, theo dự báo mới nhất của Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF), sản lượng nhập khẩu container của Mỹ trong quý 4 dự kiến sẽ ở mức 5,9 triệu TEU, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm mạnh so với mức tăng trưởng 19% của quý 3 vừa qua.
Chứng khoán Rồng Việt hiện dự báo nhu cầu tiêu dùng sẽ cải thiện rõ ràng hơn trong nửa cuối năm 2025 do động thái hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cần thời gian thẩm thấu, sau đó là kích thích nhu cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên, hãng chứng khoán này cũng lưu ý, triển vọng thương mại toàn cầu năm 2025 vẫn tiềm ẩn rủi ro “lơ lửng” khiến dự báo đi không đúng quỹ đạo, gồm Kết quả bầu Tổng thống Mỹ vào ngày 05/11/2024 và Căng thẳng địa chính trị dai dẳng.
Cụ thể, đối với vấn đề bầu cử Tổng thống Mỹ, kết quả bầu cử sẽ tác động sâu sắc đến các chính sách trong tương lai về thuế quan và hiệp định thương mại giữa Mỹ và các nước.
Theo Chứng khoán Rồng Việt, trong trường hợp bà Kamala Harris trúng cử, chính sách thương mại của Mỹ nhiều khả năng sẽ không thay đổi quá nhiều so với hiện tại do bà đã giữ chức Phó Tổng thống dưới chính quyền của ông Joe Biden.
Trong khi đó, ông Donald Trump tiếp tục nhấn mạnh quan điểm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ thông qua việc áp dụng hàng rào thuế quan lên đến 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc và 10% đối với sản phẩm đến từ các quốc gia khác.
Đối với các vấn đề xung đột địa chính trị, giá năng lượng, giá cước vận tải biển hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng có thể là một kênh dẫn truyền quan trọng đến nền kinh tế toàn cầu vì chúng tác động đến chi phí sản xuất, lạm phát và chi tiêu của người tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Điều này đã được chứng minh qua cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine và căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ.
Hiện tại các điểm nóng về xung đột địa chính trị vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí ghi nhận thêm một số rủi ro mới tại khu vực châu Á, có thể tác động tiêu cực đến dòng chảy thương mại toàn cầu, theo Chứng khoán Rồng Việt.