Tại Hội thảo Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam do GS & Chứng khoán SSI tổ chức vừa qua, đại diện Tập đoàn Gemadept (mã cổ phiếu GMD - sàn HoSE) đã cho biết trong 7 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng qua các cảng của tập đoàn đạt 2,8 triệu TEUs, tăng khoảng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này chiếm 16,5% tổng sản lượng thông qua các cảng biển của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay.
Đáng chú ý, Tập đoàn Gemadept cho biết Cảng Gemalink tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đang hoạt động hết công suất, đạt 800.000 TEUs trong nửa đầu năm nay. Chứng khoán SSI dựu kiến cảng này sẽ hoạt động hết công suất trong cả năm nay, đạt công suất 1,5 triệu TEUs trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu hàng hoá của Mỹ và EU phục hồi, cùng với đó là sản lượng chuyển từ Cảng Singapore do cảng này bị tắc nghẽn kéo dài trong quý 2/2024.
Tại cụm cảng Hải Phòng, Cảng Nam Đình Vũ cũng đang hoạt động hết công suất (1,2 triệu TEU), với sản lượng qua cảng hiện đạt trung bình 100.000 TEUs/tháng.
Bên cạnh đó, đại diện Tập đoàn Gemadept cho biết đã hoàn tất thủ tục giấy phép triển khai Giai đoạn 3 của Cảng Nam Đình Vũ và sẽ triển khai xây dựng ngay trong tháng 10/2024 để đưa vào hoạt động vào cuối năm 2025.
Giai đoạn 3 của Cảng Nam Đình Vũ có diện tích hơn 25 ha, công suất 600.000 TEU/năm (đối với hàng container) và 3 triệu tấn/năm (đối với hàng tổng hợp); cỡ tàu tiếp nhận 48.000 DWT. Sau khi hoàn thành, Cảng Nam Đình Vũ sẽ trở thành cảng sông có quy mô lớn nhất khu vực miền Bắc, giúp củng cố mạnh mẽ năng lực cạnh tranh của Tập đoàn Gemadept.
Sau khi hoàn thành Giai đoạn 3, tổng công suất của Cảng Nam Đình Vũ sẽ lên đến 2 triệu TEUs, tăng 67% so với công suất hiện tại. Đặc biệt, cảng này là cửa ngõ thông ra biển gần nhất so với các cảng khác tại khu vực Hải Phòng.
Đồng thời, đại diện Tập đoàn Gemadept cho biết Cảng Container Quốc tế Hải Phòng (HITC) sẽ bắt đầu thi công nạo vét kênh từ cuối tháng 10/2024, có thể khiến công suất của cảng này giảm khoảng 50% trong vài tháng tới. Theo đó, Cảng Nam Đình Vũ kỳ vọng sẽ hưởng lợi do là cảng sông duy nhất có thể tiếp nhận cỡ tàu từ HITC.
Ngoài ra, Tập đoàn Gemadept đã hoàn thành việc nạo vét luồng kênh Hà Nam, tăng độ sâu từ -7m lên -8 đến -8,5m, cảng Nam Đình Vũ có thể tiếp nhận tàu lên đến 48.000 DWT giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh so với các cảng khác tại khu vực Hải Phòng.
Theo đánh giá của nhiều hãng chứng khoán, sản lượng thông quan của các cảng nước sâu Việt Nam nói chung và Cảng Gemalink nói riêng được nhận định sẽ tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm 2024 và nửa đầu năm 2025 khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ và châu Âu gia tăng bổ sung hàng tồn kho trở lại.
Ngoài ra, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng lớn trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là tại Singapore, sẽ khiến một bộ phận hãng tàu có xu hướng chuyển dịch sang một số cảng tại Việt Nam. Xu hướng này có thể kéo dài cho đến hết năm nay. Những yếu tố trên được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kết quả kinh doanh của Tập đoàn Gemadept.