Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã cổ phiếu HVN - sàn HoSE) vừa cho biết đã khai thác an toàn 106.400 chuyến bay trong 9 tháng đầu năm nay. Qua đó, chuyên chở 17,2 triệu lượt hành khách và gần 226.000 tấn hàng hoá, bưu kiện, lần lượt tăng 8,9% và 42% so với cùng kỳ năm 2023.
Đánh giá về triển vọng kinh doanh tới đây, ban lãnh đạo Vietnam Airlines thận trọng cho biết thị trường hàng không vẫn còn nhiều biến động theo chiều hướng xấu hơn dự báo như xung đột địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, biến động tỷ giá, nhiên liệu bất lợi, vấn đề triệu hồi động cơ của nhà sản xuất, chi phí vật tư, phụ tùng, bảo dưỡng, thuê máy bay tăng cao…
Luỹ kế nửa đầu năm nay, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu đạt 52.562 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ, và lợi nhuận sau thuế đạt 5.401 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 1.386 tỷ đồng.
Với khoản lợi nhuận trên, lỗ lũy kế của Vietnam Airlines giảm xuống còn 35.907 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu còn âm 11.633 tỷ đồng.
Theo giải trình của Vietnam Airlines, kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm 2024 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do công ty mẹ và các công ty con đều kinh doanh có lãi. Công ty còn ghi nhận thu nhập khác tăng mạnh do công ty con Pacific Airlines được đối tác xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay.
Tại báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024 của Vietnam Airlines, đơn vị kiểm toán KPMG tiếp tục nhấn mạnh khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc chủ yếu vào việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các khoản phải trả cho nhà cung cấp và bên cho thuê, cũng như khả năng thành công của đề án tái cơ cấu hiện đang được các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Về vấn đề trên, ban lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết tổng công ty đã và đang đàm phán với các ngân hàng thương mại để có thêm hạn mức tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đến ngày 30/6/2024, tổng hạn mức tín dụng công ty đã ký với các ngân hàng thương mại là 29.800 tỷ đồng. Cùng với đó là nguồn vốn vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng từ các ngân hàng theo Thông tư số 04/2021/TT-NHNN ngày 5/4/2021.
Trong kỳ, các ngân hàng đã đồng ý tiếp tục cấp hạn mức tín dụng cho các khoản vay ngắn hạn mà công ty đã thanh toán đúng hạn và đáp ứng các điều kiện, quy định. Vietnam Airlines tin tưởng sẽ tiếp tục duy trì được các hạn mức tín dụng hiện tại trong năm tiếp theo cũng như đảm bảo thanh toán các khoản gốc vay đến hạn.
Trong đề án, trong năm 2024 - 2025, Vietnam Airlines sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu hợp nhất như: thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi và kinh doanh có lãi; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 diễn ra hồi cuối tháng 6/2024, ông Đặng Ngọc Hoà - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, tổng công ty sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền tiếp tục định hướng tái cơ cấu nguồn vốn thông qua triển khai các phương án phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư mới.