Quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - LB Nga không ngừng phát triển

Trong thành phần Liên Xô trước đây, Liên bang Nga thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ ngày 3-1-1950. Trong hơn nửa thế kỷ qua, quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa hai nước không ngừng được củng

     Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Nga được kế thừa Liên Xô trong quan hệ với Việt Nam, nhưng kim ngạch trao đổi hàng hoá giữa hai nước giảm sút nhanh chóng. Việc chuyển sang thanh toán bằng ngoại tệ mạnh trong buôn bán giữa hai nước và việc chấm dứt cấp tín dụng nhà nước cho hoạt động ngoại thương đã làm thay đổi về cơ bản quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Nga-Việt. Trao đổi buôn bán với Nga chỉ còn chiếm 3% kim ngạch nhập khẩu và 1,5-2% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, trong quá trình thực hiện chính sách đổi mới, Việt Nam đã có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 120 nước trên thế giới. Mức độ xuất khẩu hàng hoá tăng nhanh (trung bình hơn 20%/năm). Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là dầu mỏ, gạo, cà phê, hải sản, sản phẩm may mặc, dệt kim, giày da và công nghệ điện tử v.v...

     Sau các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước, đặc biệt là sau chuyến đi thăm Việt Nam tháng 3-2001 của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cùng với những thay đổi tích cực trong quan hệ Nga-Việt, quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển toàn diện, về cơ bản gần tương xứng với tiềm năng của mình. Các văn bản được ký kết trong chuyến thăm Nga mới đây của Thủ tướng Phan Văn Khải và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin đã tạo những xung lực mới cho sự phát triển hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực. Trước hết, đó là các vấn đề liên quan đến việc giải quyết các món nợ của Việt Nam đối với Nga. Hai nước đã ký Hiệp định Liên chính phủ và Nghị định thư về tiến trình thanh toán nợ. Các văn kiện về vấn đề này tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy một cách toàn diện và sâu rộng sự hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, bao gồm cả việc tái đầu tư một phần nợ được thanh toán vào các dự án liên doanh, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi trên lãnh thổ Việt Nam.

     Trong giai đoạn 1998-2004, Việt Nam và  LB Nga  đã thực hiện một số biện pháp nhằm bảo đảm về mặt tài chính-ngân hàng cho hoạt động kinh doanh đối ngoại của hai nước. Ngân hàng Nga và Ngân hàng trung ương Việt Nam đã ký Hiệp định về tổ chức thanh toán theo các quan hệ kinh tế đối ngoại. Trong thành phần ủy ban Liên chính phủ Việt-Nga có nhóm công tác về hợp tác ngân hàng chịu sự chỉ đạo của hai ngân hàng nói trên. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.

     Với Nga, Việt Nam hiện vẫn là một đối tác truyền thống và là một trong những thị trường nhiều triển vọng. Mức tăng nhập khẩu hàng hoá của Nga vào Việt Nam tuy bị hạn chế bởi một số yếu tố như giá thành và chi phí vận chuyển cao; sự cạnh tranh gay gắt với các nhà xuất khẩu của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, các nước Tây Âu, Mỹ…, nhưng Việt Nam vẫn đánh giá cao và tiếp tục nhập của Nga các loại thiết bị đồng bộ ngành năng lượng và khai khác dầu mỏ, kỹ thuật hàng không, xe tải, máy kéo và phụ tùng, thiết bị xây dựng đường sá, phụ tùng và các sản phẩm cơ khí khác, kim loại cán (màu và đen) và các chi tiết kim loại, phân bón, hoá chất và sản phẩm dầu mỏ…Hàng hoá Nga nhập của Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu, lương thực, như cao su, gia vị, các sản phẩm nhiệt đới, thực phẩm, dược phẩm, chè, cà phê, gạo; hàng tiêu dùng như quần áo may sẵn, giày thể thao, đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ…

     Trong mấy năm qua, Tổng Công ty “Technopromexport” của Nga đã hoàn thành việc cung cấp theo các điều kiện thương mại thiết bị cho Nhà máy Thủy điện Yali của Việt Nam, cung cấp và lắp thiết bị cơ khí thuỷ lực cho Nhà máy Thuỷ điện Đa Mi (khoảng 4,5 triệu USD). Hai nước hợp tác xây dựng Thuỷ điện Sơn La, Thủy điện Plâykrông, Nhiệt điện Na Dương, Nhiệt điện Cao Ngạn, Nhiệt điện Uông Bí, Thủy điện Cần Đơn, Nhiệt điện Cẩm Phả, Thuỷ điện Sê San-3, mở rộng và hiện đại hoá hệ thống đường tải điện và lưới điện.

     Công ty khí đốt “Gasprom” của Nga, tập đoàn kinh tế Nga “Zarubezneftegas” và Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam “Petro Việt Nam” đã ký hợp đồng hợp tác trong lĩnh vực thăm dò dầu khí tại lô 112 thềm lục địa Việt Nam. Tổng công ty “Tiazhpromexport” của Nga đã lập dự án tiền khả thi về khai thác mỏ quặng sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh.

     Liên doanh Dầu khí Việt-Xô (Vietsovpetro) được thành lập năm 1981 với vốn điều lệ 1,5 tỷ USD (50% Nga, 50% Việt Nam) hiện vẫn là một trong những công trình đầu tư hợp tác Việt-Nga lớn nhất và có hiệu quả nhất của hai nước. Hiện Vietsovpetro đang tiến hành khai thác 7 mỏ với tổng sản lượng khai thác dầu giai đoạn 1986-2004 đã vượt 100 triệu tấn. Lợi nhuận Vietsovpetro thu được sau khi nộp thuế, kể từ khi bắt đầu khai thác đã vượt tổng số vốn góp theo điều lệ của các thành viên tham gia.

     Các cuộc gặp cấp cao và hoạt động tích cực của ủy ban Liên chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật góp phần tăng thêm các hợp đồng trong giới doanh nghiệp và gia tăng trao đổi hàng hoá giữa hai nước. Riêng trong quý 1 năm 2004, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã lên đến hơn 200 triệu USD. Hiện hai nước chú trọng thiết lập quan hệ kinh tế, thương mại trực tiếp giữa các địa phương của hai nước. Nhiều đoàn Việt Nam đã đi thăm và tìm hiểu tình hình một số địa phương của Nga như thủ đô Mátxcơva, nước Cộng hoà Tatarơxtan, các tỉnh Yarôxlápxcaia, Xvéclốpxcaia và vùng Viễn Đông.

     Nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô trước đây và của Nga hiện nay, Việt Nam đã có được một tiềm năng sản xuất khá mạnh trong nhiều ngành kinh tế quốc dân. Trong tương lai, khoảng 30 công trình và 10 chương trình hợp tác Việt - Nga bao trùm các ngành kinh tế-xã hội cơ bản sẽ được thực hiện. Triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước rất lớn.

  • Tags: