Quan hệ thương mại Việt nam – Đan Mạch: Chặng đường 40 năm phát triển

Đan Mạch là một trong số rất ít các quốc gia theo chế độ tư bản chủ nghĩa thiết lập quan hệ ngoại giao với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc kháng chiến chống

Quan hệ thương mại, đầu tư hỗ trợ phát triển Việt Nam – Đan Mạch 

Về trao đổi thương mại, trong giai đoạn 2004 – 2007, mặc dù kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam – Đan Mạch liên tục tăng nhưng vẫn ở mức thấp, trong đó Việt Nam xuất siêu sang Đan Mạch trong năm 2004 – 2005 và nhập siêu từ Đan mạch trong năm 2006 – 2007.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Đan mạch hàng hải sản, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt may, giầy dép các loại và nhập từ Đan mạch thiết bị điện, hóa chất, sản phẩm cơ khí, máy móc.

Tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt nam – Đan Mạch năm 2008 ước tính khoảng 420 triệu USD. Đáng lưu ý là, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Đan Mạch không hề suy giảm trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế năm 2008. Năm 2009, hầu hết các kỳ xuất khẩu của Đan Mạch sang Việt Nam giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm 2007, trong khi đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Đan Mạch vẫn tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2008.

Về quan hệ đầu tư phát triển đến năm 2008, Đan Mạch có 74 dự án với tổng số vốn đầu tư là 500 triệu USD, xếp thứ 6 ở khu vực Tây Bắc Âu và xếp thứ 25 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Tính đến năm 2009, có hơn 100 doanh nghiệp Đan Mạch đang hoạt động tại Việt Nam, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, chiếm khoảng 87% tổng vốn đầu tư của nước này. Tiếp theo là lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, chiếm 7% và lĩnh vực dịch vụ chiếm 6% vốn đầu tư.

Trước đây, F. L. Smith (Đan Mạch) là hãng đầu tiên giúp Việt Nam xây dựng Nhà máy Xi măng Hải Phòng và hiện nay hãng vẫn đang cung cấp thiết bị cho dây chuyền 1 nhà máy xi măng Hoàng Thạch, dây chuyền sản xuất xi măng theo phương pháp khô (lò quay) đầu tiên tại Việt Nam có công nghệ tiên tiến. Hãng cũng là nhà cung cấp dây chuyền cho các nhà máy xi măng Hoàng Thạch, Tam Điệp, Hải Phòng.

Ngày 6/11/2009, dưới sự chứng kiến của Hoàng Thái tử Đan mạch Frederik, công ty Sunmark Việt Nam có vốn đầu tư 100% của Đan Mạch đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất tấm năng lượng mặt trời tại khu công nghiệp Mỹ Phước 3, tỉnh Bình Dương, với tổng vốn đầu tư 4 triệu USD. Nhà máy được thiết kế công suất đạt 250.000 – 400.000m2/năm. 90% sản phẩm tấm năng lượng mặt trời sẽ được xuất khẩu sang châu Âu, 10% còn lại đáp ứng cho thị trường Việt Nam và các thị trường khác.

Bên cạnh F. L. Smith, nhiều doanh nghiệp Đan Mạch đã nhận thấy tiềm năng từ trước và họ đã vào Việt Nam đầu tư ngành in ấn. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tính đến tháng 6/2008 đã có 15 doanh nghiệp liên doanh Việt Nam – Đan Mạch. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Đan Mạch khác trong các lĩnh vực sản xuất bia, công nghiệp đóng tàu, sản xuất xi măng, may mặc, đồ gỗ nội thất… cũng đã đầu tư tại Việt Nam.

Theo chính sách hợp tác với Việt Nam mà phía Đan Mạch mong muốn, trọng tâm trong việc mở rộng hợp tác giữa Việt Nam – Đan Mạch là phát triển lĩnh vực công nghệ sạch, xây dựng và mở rộng sân bay, công nghệ sản xuất và chế biến, kiến trúc đô thị và lĩnh vực công nghệ thông tin.

Về quan hệ Việt Nam – Đan Mạch không thể không kể đến nguồn viện trợ vốn ODA mà Đan Mạch thường xuyên dành cho Việt Nam. Đan Mạch xếp thứ 3 trong số các nước châu Âu tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam (sau Anh và Pháp). Trước năm 1990, Đan Mạch chủ yếu hỗ trợ theo dự án. Từ năm 1990 đến nay, Đan Mạch chuyển sang hỗ trợ theo chương trình, tập trung trong các lĩnh vực: công nghiệp vật liệu xây dựng, thủy sản, nông nghiệp và phát triển nông thôn, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, cải cách hành chính, luật pháp, hỗ trợ chương trình khu vực doanh nghiệp, tài chính, tín dụng, ngân hàng.

Năm 1993, Đan Mạch đưa Việt Nam vào danh sách nhận viện trợ thường xuyên và tổng viện trợ không hoàn lại của Đan Mạch cho Việt Nam đến năm 2007 đạt gần 800 triệu USD. Hiện nay mỗi năm Đan Mạch viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam khoảng trên 60 triệu USD. Mới đây, chính phủ Đan Mạch vừa quyết định viện trợ không hoàn lại 23 triệu USD cho Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2011 – 2013. Mục đích của chương trình nhằm giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hướng vào tăng trưởng, xuất khẩu và tạo việc làm.

Các chương trình viện trợ của Đan Mạch đã và đang góp phần quan trọng giúp Việt Nam thực hiện thành công nhiều mục tiêu của quốc gia.

Duy trì động lực phát triển 

Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước gần đây đã đưa ra những quyết tâm để đưa mức đầu tư của Đan Mạch tại Việt Nam phấn đấu đạt 1 tỷ USD và Đan Mạch sẽ vươn lên nước đầu tư lớn thứ 16 vào Việt Nam, kim ngạch thương mại hai nước đạt 800 triệu USD vào năm 2010.

Tuy nhiên con số này hiện vẫn chưa thực hiện được. Năm 2010 vừa qua, theo thống kê của Tổng cục hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại giữa hai nước mới chỉ đạt 311,4 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 195 triệu USD và nhập khẩu 116,4 triệu USD. Con số này phần nào chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu thời gian vừa qua.

Tuy vậy, theo nhận định từ Nguyên Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông Peter Lysholt Hansen, thì Việt nam vẫn duy trì được động lực để quan hệ thương mại giữa hai nước phát triển từ chính thị trường Việt Nam. Ông nhận thấy sự gia tăng mạnh mẽ mối quan tâm của các doanh nghiệp Đan Mạch trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, bia, đồ trang sức và cả một số mặt hàng cao cấp khác đối với thị trường Việt Nam và không ít doanh nghiệp muốn thâm nhập thị trường Việt Nam.

Những năm gần đây liên tục có các đoàn gồm nhiều doanh nghiệp Đan Mạch tháp tùng các Nguyên thủ và Hoàng gia Đan Mạch đã “đổ bộ” vào Việt Nam để tìm hiểu thị trường và tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Trong buổi tiếp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với tân Đại sứ Đan Mạch John Nielsen tại Hà Nội ngày 16/2 vừa qua, Đại sứ Đan Mạch John Nielsen hy vọng mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai quốc gia sẽ có những bước phát triển mới trong những năm tiếp theo.

Đại sứ John Nielsen cho biết, năm 2011 dự kiến Thái tử kế vị Đan Mạch sẽ dẫn đầu đoàn doanh nghiệp sang thăm Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong chuyến thăm này, Đan Mạch mong muốn tăng cường hợp tác thương mại với Việt Nam cũng như trong lĩnh vực công nghệ sạch, giáo dục, thủy sản.

Theo Đại sứ Đan Mạch John Nielsen, hiện nay có 120 doanh nghiệp Đan Mạch đang kinh doanh tại Việt Nam và họ đều đánh giá rằng Việt Nam chính là một thị trường đầy hứa hẹn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hoan nghênh ngài Thái tử Đan Mạch sẽ dẫn đầu đoàn doanh nghiệp sang thăm Việt Nam trong năm nay và đồng thời đề nghị hai bên chuẩn bị tích cực cho chuyến thăm này.

  • Tags: